Báo động đỏ cháy nổ trong khu dân cư

THẾ TUẤN

VHO -Trong ngày 16.6 đã xảy ra 2 vụ hỏa hoạn, khiến 7 người tử vong. Vụ thứ nhất ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang), 3 người tử vong. Vụ thứ hai trên phố Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), 4 người tử vong. Dù đã liên tục cảnh báo nhưng cháy nổ vẫn xảy ra cùng với những tai nạn thảm khốc.

 Báo động đỏ cháy nổ trong khu dân cư - ảnh 1

 Vụ cháy tại phường Định Công, Hà Nội vào ngày 16.6 vừa qua gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng Ảnh: NGHĨA TUẤN

 Nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn

Kể từ năm 2021 tới nay, nhiều vụ cháy nổ lớn đã xảy ra. Có thể kể đến một số vụ đau lòng sau: Năm 2021: Ngày 4.2, cháy phòng trọ (ngõ 73 phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội): 4 người tử vong. Ngày 15.6 cháy xảy ra tại phòng trà Fill (số 146, đường Đinh Công Tráng, phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An): 6 người tử vong. Ngày 15.8, vụ nổ và hỏa hoạn tại căn nhà ở thôn 3 (xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng): 4 người trong một gia đình tử vong. Ngày 18.8, cháy cửa hàng tạp hóa (đường Trần Khánh Dư, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, Bình Dương): 5 người tử vong. Ngày 7.12, cháy cửa hàng quần áo ở trung tâm thương mại Ba Hòn (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, Kiên Giang): 4 người trong một gia đình tử vong. Vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất trong năm 2021 vào ngày 7.5, khi căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM): 8 người tử vong.

Năm 2022: Ngày 23.2, một vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ở thôn Trung Thành (xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang): 2 người tử vong. Ngày 23.3, cháy căn hộ tầng 10 chung cư Carillon 5 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM): 2 người tử vong do rơi từ tầng 10 của chung cư xuống đất. Ngày 31.3, cháy nhà số 4 (ngõ 60 đường Phú Đô, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội): 1 người tử vong và 5 người bị thương (trong đó có 4 trẻ nhỏ). Ngày 21.4, cháy tại phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội): 5 người tử vong. Ngày 1.8, vụ cháy quán karaoke tại phường Quan Hoa, (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất năm 2022 vào ngày 6.9, quán ka­raoke An Phú (đường Trần Quang, TP Thuận An, Bình Dương) bị cháy: 32 người tử vong, 17 người bịthương.

Năm 2023: Ngày 1.1 cháy nhà tại thôn Tân Lập (xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang): 5 người tử vong. Ngày 12.5, phòng trà Akatsuki (phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) bị cháy: 3 người tử vong. Ngày 13.5, cháy tại căn nhà 4 tầng trên phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội): 4 bà cháu tử vong, 1 người bị thương. Ngày 8.7, cháy nhà ở ngõ Thổ Quan (Đống Đa, Hà Nội): 3 người tử vong. Ngày 19.7, cháy cửa hàng bán xe máy điện ở Hoài Đức (Hà Nội): 3 người trong gia đình tử vong. Ngày 31.8, cháy ngôi nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Phan Thiết, Bình Thuận): 4 người trong một gia đình tử vong. Ngày 26.10, vụ nổ kèm theo hỏa hoạn tại một cửa hàng kinh doanh thu gom phế liệu (thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội): 3 mẹ con tử vong, người chồng bị thương nặng. Vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất năm 2023 xảy ra vào đêm 12 rạng sáng 13.9, tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội): 56 người tử vong, 37 người bị thương.

Con số từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 1.555 vụ cháy, mới nhất là 2 vụ cháy xảy ra vào 16.6, tại Bắc Giang và Hà Nội, khiến 7 người tử vong. Còn vụ cháy khủng khiếp nhất vào 0h46 ngày 24.5, tại ngôi nhà hẻm 31 (ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội): 14 người tử vong, 6 người bị thương.

Nguyên nhân gây cháy nổ tại khu dân cư

Cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, bắt đầu từ sự chủ quan, mất cảnh giác; không có kỹ năng thoát hiểm cũng như chữa cháy; thiếu dụng cụ chữa cháy; nơi cháy sâu trong hẻm, xe chữa cháy khó tiếp cận...

Các vụ cháy nổ do nhiều nguyên nhân, riêng cháy tại khu dân cư phần lớn được cho là do người dân lơ là và thiếu hiểu biết về phòng cháy chữa cháy. Nhiều vụ ngọn lửa bùng lên từ việc đốt vàng mã, chập cháy điện, kể cả việc có người cho rằng do lỗi bình ắc quy của xe máy điện, dù điều đó khó có thể chứng minh. Các vụ cháy ở khu dân cư có thể là một ngôi nhà ngoài phố, có thể ở căn hộ chung cư, nhưng nhiều hơn là nhà dân trong những con ngõ dài, hẹp, mật độ xây dựng dày đặc. Nhiều nhà chỉ có một cửa ra vào phía trước, không có cửa sổ vì hai bên nhà xây áp sát nhau nên khi cháy rất khó thoát nạn. Đối với nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, khả năng thông gió, thoát khói của những ngôi nhà này rất hạn chế. Khi không may hỏa hoạn xảy ra không chỉ nạn nhân khó thoát được, mà lực lượng cứu hỏa cũng khó tiếp cận sớm để dập lửa, cứu người. Vì thế, hậu quả để lại thường là rất đau xót.

Đáng chú ý, ngày 16.6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết những ngày tới Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ vào đợt nắng nóng gay gắt mới kéo dài nhiều ngày; nhiệt độ nhiều nơi trên 40 độ C. Nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư tăng lên.

 Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền...

Ngay sau khi trong ngày 16.6 liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà dân tại Hà Nội và Bắc Giang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy, nổ. Công điện nêu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên trong ngày 16.6, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà dân tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người chết...

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

P.V

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Tại TP.HCM, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong 5 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15.12.2023 đến 14.5.2024) đã xảy ra 234 vụ cháy, làm 10 người chết, 4 người bị thương. Các vụ cháy chủ yếu diễn ra tại TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, tập trung tại loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (131/234 vụ, tỷ lệ 56%) và công ty, doanh nghiệp (38/234 vụ, chiếm 16%).

Thông tin từ Công an TP.HCM, qua đợt tổng kiểm tra năm 2023, phát hiện tới 60.493 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, có 1.345 nhà chung cư, 32 cơ sở nhiều căn hộ; 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê; 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Còn tại Hà Nội, thông tin từ hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2024, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là chung cư mini; 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Đáng chú ý, khi cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết, nhiều căn nhà trọ trong ngõ hẻm cho thuê với giá 350.000 đồng/ giường/ngày quanh các trường đại học, bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy. Một căn phòng rộng khoảng 15m2, chủ nhà chia thành 2 giường, ở ghép khoảng 4 người, chỉ còn trừ ra một lối đi chung chật hẹp. Nếu hỏa hoạn xảy ra thì thương vong sẽ rất lớn. Vậy, làm gì để ngăn ngừa hỏa hoạn, nhất là trong khu dân cư? Suốt thời gian qua nhiều cảnh báo, nhiều biện pháp đã được áp dụng, nhưng cháy nổ vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, bên cạnh việc mất cảnh giác của người dân, hoặc chủ nhà trọ cho thuê.

Sau những vụ cháy để lại hậu quả lớn, chính quyền các địa phương đều đưa ra kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát nguy cơ cháy nổ, nhưng sau đó là gì thì chưa rõ. Nếu như ý thức người dân cùng với trách nhiệm quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở bị buông lỏng, nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập ở mức độ cực kỳ nguy hiểm.