Trường ĐH Văn hóa TP.HCM:

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa

THÙY TRANG

VHO - Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học “Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại nhà trường và trực tuyến tại các địa phương, với sự tham dự của các chuyên gia văn hóa - nghệ thuật, giảng viên, nhà quản lý, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, học viên…

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 1

Các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến nhằm nâng cao chương trình đào tạo

Quản lý văn hóa ngành đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương

TS Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trưởng BTC chia sẻ, công tác bảo đảm chất lượng nói chung, rà soát, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo nói riêng được coi là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học.

Từ năm 2011, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM mở mã ngành và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa. Chương trình đào tạo này đã được nhà trường cập nhật, bổ sung 2 lần vào năm 2014 và năm 2018. Sau 12 khóa tổ chức triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, các lần cập nhật, bổ sung chương trình trước đây chưa được tiến hành đánh giá một cách hệ thông nhằm xác định chất lượng, hiệu quả của toàn bộ chương trình.

“Do đó, tọa đàm nhằm mong muốn lắng nghe ý kiến đánh giá toàn bộ các hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý văn hóa; gợi ý các giải pháp qua đó cùng với nhà trường điều chỉnh, bổ sung, cải tiến để chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện”, TS Vũ Thị Phương chia sẻ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị…; những giải pháp cụ thể nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 2

Đoàn chủ tọa điều hành tọa đàm

Là cựu học viên ngành Quản lý văn hóa (khóa I), ThS. Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà văn hóa Điện ảnh, cho rằng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa là nước đệm để bản thân ông có đủ kiến thức, kỹ năng tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Bộ tại đơn vị.

“Nếu không có nền tảng từ chương trình đào tạo, chắc chắn chúng tôi không có điều kiện phát huy năng lực cá nhân và được cấp trên đề bạt làm nhiều chương trình có quy mô. So sánh qua từng giai đoạn có thể thấy xuất hiện sự chênh lệch trong lý luận và thực tiễn, trong đào tạo và yêu cầu thực tế xã hội… nhưng khi có được tư duy khoa học, bản thân mỗi người có thể điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh hơn”, ông Khôi Nguyên cho biết.

PGS.TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận nêu thực tế: “Hiện nay trong ngành Văn hóa phổ biến tình trạng “không phải bác sĩ mà cũng cho khám bệnh”, nghĩa là một số cán bộ không có chuyên môn hoặc tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhưng về làm công tác văn hóa, rồi làm quản lý văn hóa. Mặc dù được tập huấn, bồi dưỡng nhưng rất khó mà phát huy được hiệu quả vì bản thân các cán bộ này không được đào tạo bài bản, yếu về chuyên môn.

Chính vì thế việc đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa là với thời gian 2 năm là rất cần thiết để cán bộ có được kiến thức chuyên môn, kiến thức này rất cần thiết để tổ chức hoạt động quản lý văn hóa tại các địa phương hiện nay.

Quản lý văn hóa là ngành đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế tại các địa phương, việc xây dựng các môn học cần đảm bảo yếu tố ứng dụng vào thực tế hơn là lý thuyết suông. Trong đó, chú trọng đầu ra đối với học viên là làm sao người học nắm bắt được lý thuyết nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học vào thực tế. Chương trình đào tạo cần hướng người học vào khả năng tự học, phát triển tư duy, sáng tạo, do vậy cần xác định rõ nội dung các môn học lý thuyết bắt buộc và các môn học tự chọn mang tính cập nhật với tình hình phát triển của địa phương và đất nước.

Đào tạo để trở thành nhà khoa học hay người thực hành?

Câu chuyện xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo cán bộ trở thành người làm nghiên cứu hay nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học hay người thực hành, người tổ chức sự kiện văn hóa - nghệ thuật… được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Đánh giá của các giảng viên cho hay, phần lớn các học viên cao học hiện nay có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, tuy nhiên, kỹ năng viết và trình bày phương pháp nghiên cứu chưa đạt yêu cầu. 

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 3

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc tổ chức tọa đàm để cùng nhìn lại, đánh giá chất lượng và cải tiến chương trình đào tạo là yêu cầu rất cần thiết. GS Thêm cho rằng trong chương trình đào tạo cần chú ý tính sáng tạo, nhấn mạnh vào phương pháp tư duy, nghiên cứu, đây là các yếu tố rất cần thiết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa hiện nay.

TS Nguyễn Văn Hiệu, Trường ĐH KHXHNV cũng cho rằng học viên còn yếu về nền tảng học thuật, do đó nhà trường cần rà soát lại các yêu cầu căn bản nhất, về triết lý đào tạo, mục tiêu, định hướng… để xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra phù hợp.

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 4

TS Nguyễn Văn Hiệu

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, nhận định: Đối với những học viên đúng ngành do đã có sự trải nghiệm, thực tế công tác thuộc lĩnh vực quản lý văn hóa nên gặp thuận lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như làm luận văn. Thế nhưng, các học viên ngành khác dù đã có các học phần bổ sung nhưng cũng không thể đầy đủ kiến thức về ngành học như mong muốn, vì thế đầu ra hơi vất vả, thể hiện dễ thấy nhất trong trình bày luận văn.

PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, một trong những người thiết kế chương trình đào tạo khi ngành học này được xây dựng vào những năm 2010-2011 (ngành Quản lý văn hóa trình độ thạc sĩ được chính thức mở ngành từ ngày 15.8.2011, cũng là ngành đào tạo thạc sĩ đầu tiên của trường), nói rằng, sau 13 năm đào tạo, đến nay chương trình còn nhiều nội dung cần phải bổ sung, điều chỉnh. Ông trăn trở: “Tôi chấm nhiều luận văn cao học thấy rất buồn vì các em viết sai nhiều. Điều này không phải do các em yếu mà có thể do phương pháp dạy chưa đạt nên học viên thường gặp lúng túng, loay hoay khi thực hiện luận văn”.

Cần bổ sung kiến thức mới về văn hóa thời kỳ hội nhập

PGS.TS. Huỳnh Văn Tới, thành viên Hội đồng khoa học Trường, cho rằng cốt lõi trong xây dựng chương trình trước hết là phải xác định được mục tiêu đào tạo.

“Nhà trường cần thống nhất là đào tạo nhà khoa học hay người thực hành công tác văn hóa. Theo tôi, nhà trường nên đào tạo người thực hành biết làm văn hóa, tham mưu công tác quản lý văn hóa cho các địa phương.

Trong chương trình, cần chú ý bổ sung các kỹ năng hành chính, khả năng phát hiện vấn đề, nhất là kiến thức mới về các lĩnh vực, quy định, Nghị quyết về công tác văn hóa như xây dựng môi trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, văn hóa với hội nhập và quan hệ quốc tế, văn hóa trong kinh doanh và dịch vụ văn hóa, xây dựng thương hiệu văn hóa…”, PGS.TS. Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 5

TS Mai Mỹ Duyên

TS Mai Mỹ Duyên, Trường ĐH Trà Vinh góp ý thêm: “Tôi nghĩ rằng trường nên có khảo sát để nắm được hành trình các học viên khi ra trường, các bạn đã làm được gì, kiến thức - kỹ năng nhà trường trang bị có đảm bảo cho các bạn làm việc hay không, cần bổ sung gì không. Qua đây để biết rằng chương trình đào tạo của trường đã đi vào đời sống xã hội như thế nào, để điều chỉnh từ từ.

Xem đối tượng đầu vào để thiết kế chương trình cho phù hợp hơn. Đối với đầu vào là học viên các ngành đúng và ngành gần như Quản lý văn hóa Văn hóa học,… thì sẽ tiếp thu chương trình học thuận lợi hơn. Còn lại cần có thiết kế chi tiết hơn, giải quyết đối tượng người học là những ngành xa.

Bên cạnh đó, cần thiết kế những môn học phù hợp với hoàn cảnh mới, đó là ngành công nghiệp giải trí, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đương đại, công nghiệp văn hóa. Chú ý mời những đơn vị làm tốt, các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề để cung cấp tư duy quản lý và phương pháp làm việc cho học viên”.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường ĐH KHXHNV cho rằng hiện chương trình đào tạo đã cung cấp đủ các kiến thức về văn hóa truyền thống - văn hóa ở dạng tĩnh, nên cần bổ sung những học phần liên quan đến văn hóa đương đại - văn hóa ở dạng động như văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa.

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 6

PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường

Nhiều ý kiến cũng đánh giá chương trình đào tạo còn nặng về lý luận, ít thực tiễn, cần có sự điều chỉnh phần kiến thức tự chọn và bắt buộc trong các học phần về kiến thức chuyên ngành và cơ sở. Một số môn học trùng lắp với ngành Quản lý văn hóa bậc đại học, cần có các nội dung chuyên sâu và cập nhật để người học nâng cao trình độ nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu học tập ở bậc cao hơn…

“Có thể nói chúng tôi ‘vừa mặc áo, vừa xếp hàng’, vừa dạy, vừa tiếp thu ý kiến nhà tuyển dụng, người học, chuyên gia và giảng viên ở các cơ sở đào tạo lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Do hiện nay có ít tiến sĩ đúng chuyên ngành nên việc hướng dẫn học viên làm luận văn cũng chưa được như mong muốn, có một số giảng viên hướng dẫn còn qua loa, đại khái, dẫn đến chất lượng bài luận văn còn hạn chế”, PGS.TS Trần Văn Ánh thẳng thắn nhìn nhận.

Đánh giá chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa - ảnh 7

Theo TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, với thực tế đào tạo ngành Quản lý văn hóa nhiều năm qua cho thấy, nghiên cứu lý luận, nền tảng về lý luận còn rất hạn chế, bởi đầu vào của ngành học này đa số là những người làm công tác thực hành ở cơ sở,… Điều này dẫn đến nhà trường, giảng viên và học viên đều gặp khó trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu.

Theo BTC, các ý kiến đóng góp sẽ được Khoa chuyên môn ghi nhận, hoàn chỉnh để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa của nhà trường ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Với những nỗ lực từ phía nhà trường và các nhà chuyên môn, khung chương trình đào tạo mới đối với ngành Quản lý văn hóa gợi mở hướng đào tạo trong tương lai với xu hướng đào tạo đầu ra có đủ năng lực, kỹ năng quản lý và ứng dụng thực tiễn với tư duy nghiên cứu sáng tạo mang tính hội nhập.