Quảng Nam:

Chia sẻ kinh nghiệm về giữ rừng, phát triển tín chỉ carbon

THU HOÀI

VHO - Ngày 24.7, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Dự trữ carbon và Đa dạng sinh học", trong đó tập trung chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữ rừng, lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi của đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024.

Hội thảo tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và các khuyến nghị về phát triển thị trường các bon, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế đối với thị trường các bon; giới thiệu về dự án “Phục hồi rừng và phát triển sinh kế tỉnh Quảng Nam”.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm mổ xẻ, trao đổi tại hội thảo là việc phát triển tín chỉ carbon rừng. Các ý kiến đều có chung quan điểm Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, cơ hội lớn để tham gia sâu vào thị trường mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, do vướng các cơ chế, chính sách nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2007, thế giới hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Theo ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, năm 2020 UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) giai đoạn 2020-2030.

Năm 2021, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng . Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện trình Bộ NN&PTNT thẩm định, đề án vẫn chưa được phê duyệt vì còn hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như vướng mắc về pháp lý. Quảng Nam hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thiện về hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án hoặc tham gia vào các dự án carbon.

Chia sẻ kinh nghiệm về giữ rừng, phát triển tín chỉ carbon - ảnh 1

Quảng Nam có nhiều tiềm năng triển khai tham gia thị trường tín chỉ carbon

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhận định, thị trường carbon rất đa dạng, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường carbon bắt buộc và Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng thị trường carbon trong nước. Thông qua cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon, cơ hội đầu tư trong lâm nghiệp gia tăng.

Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương (CO2e). Đây là loại hình thị trường carbon tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia trong mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Nội dung

Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tức phát thải bao nhiêu, hấp thụ bấy nhiêu. Hiện nay, việc phát triển tín chỉ carbon không đi đúng hướng do các địa phương không hiểu cụ thể vấn đề.

Theo ông Phương, thách thức hiện nay là khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương; quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon…

Năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng; dữ liệu, tính minh bạch, công khai thông tin; dữ liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo phát thải, thông tin về đầu tư, kết nối doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo bà Nghiêm Phương Thuý, đại diện Cục Lâm nghiệp, thuận lợi hiện nay là các Bộ đang xây dựng thị trường carbon trong nước. Nhu cầu tín chỉ carbon bù trừ trong nước và quốc tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ phát triển rừng.

Các khó khăn, thách thức hiện nay là vấn đề truyền thông và dư luận về tín chỉ carbon rừng chưa hiểu được ngọn ngành. Thể chế, chính sách chưa quy định về việc ai được quyền bán và tiền bán được sẽ xử lý như thế nào...Việc huy động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, để xây dựng được dự án tín chỉ carbon không dễ, cần phải huy động nguồn lực của các đối tác quốc tế.

Thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm carbon có chất lượng cao. Truyền thông, tập huấn kỹ thuật bài bản…

Theo thống kê, đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỉ tấn CO2.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh này rất trăn trở trong vấn đề bán tín chỉ carbon. Thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam thí điểm lập đề án tín chỉ carbon, lúc đó địa phương rất mừng.

Địa phương đã dồn nhiều nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, giữ rừng, phát triển rừng để mong mỏi bán tín chỉ carbon nhưng làm mãi không được, hỏi không ai trả lời do vướng cơ chế.

Hiện Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia vào các dự án các bon vùng; thực hiện các dự án đầu tư phục hồi rừng, tạo nguồn tài chính bền vững để triển khai các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, từng bước nâng cao hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân miền núi... Đồng thời khẳng định, tỉnh Quảng Nam vẫn quyết tâm giữ rừng, quan tâm phát triển sinh kế của người dân dưới tán rừng.

Ông Bửu đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tuyên truyền về tín chỉ carbon và bảo vệ rừng mạnh hơn nữa, để người dân biết rõ. Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành để tuyên truyền cho người dân Quảng Nam và kêu gọi các địa phương tham gia việc này.

Sau hội thảo, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Trung ương thành lập tổ chuyên trách về tín chỉ carbon. Tổ này có sự tham gia lãnh đạo Chính phủ các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.

Tại Việt Nam, năm 2020, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng thế giới (WB) đã ký thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2018-2024. Năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng (khoảng 10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn. Tổng giá trị hợp đồng hơn 51,5 triệu USD.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc