Không thể rút kinh nghiệm mãi!

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong thêm một lần nữa là “hồi chuông” cảnh báo sự thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy tại các nhà trọ nằm trong những con ngõ sâu. Siết chặt quản lý các nhà trọ tại Hà Nội sau vụ việc này cũng như vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ tháng 9.2023, cần phải đặt ra riết róng và quyết liệt hơn.

 Không thể rút kinh nghiệm mãi! - ảnh 1
Anh Phan Quốc Việt với lối thoát hiểm của ngôi nhà anh thuê

 Xung quanh khu vực cháy nhà trọ tại Trung Kính vẫn thấy không ít ngôi nhà treo biển cho thuê nhà trọ. Bà Nguyễn Thị Việt, 73 tuổi, trú tại ngách 98/43, ngõ 119 đường Trung Kính, hàng xóm của ngôi nhà bị cháy cho biết, cả ngõ này cũng như nhiều ngõ xung quanh người dân sống bằng việc cho thuê nhà.

Ám ảnh nhà không lối thoát

Không chỉ ở Trung Kính, nhiều khu vực gần các trường đại học, cao đẳng như Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Thanh Xuân, Khương Trung, Khương Hạ (quận Thanh Xuân) cũng có nhiều nhà cho thuê trọ. Trao đổi với Văn Hóa, anh Phan Quốc Việt, Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel, người đã cùng các đồng đội có mặt tại hiện trường sơ cứu và đưa các nạn nhân ra trong vụ cháy cho biết: “Đây là vụ việc hết sức đau lòng và vô cùng đáng tiếc khi không có lối thoát nào cho các nạn nhân. Tôi đi rất nhiều các dãy nhà trọ và tôi thấy rằng nhiều nhà trọ không có lối thoát hiểm cho những người thuê trọ”.

Không khó để nhận ra, tại nhiều khu vực ở Hà Nội, các nhà trọ cho thuê đều nằm sâu trong các con ngõ nhỏ. Sinh viên, người dân lao động lựa chọn bởi giá thuê phòng rẻ, phù hợp công việc của họ, chỉ dao động khoảng từ 2-3 triệu đồng/tháng. Chính vì điều đó, tại nhiều ngõ nhỏ, mật độ người tại nhiều ngôi nhà quá đông, chật chội. Những ngôi nhà được chia thành nhiều phòng khép kín, chỉ mươi mét vuông mà ôm gọn nhà vệ sinh, bếp cũng được bố trí trong phòng. Một căn phòng nhỏ như thế với các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh, bình gas… Cùng với đó, hàng chục con người sinh sống trong ngôi nhà là hàng chục chiếc xe máy, xe điện ở bên dưới tầng 1. Nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ rất cao. Điều này dường như ai cũng biết nhưng lại phó mặc cho sự may rủi nhiều hơn là công tác chấn chỉnh, xử lý chủ nhà trọ.

Sau vụ cháy tại Trung Kính, xung quanh nhà trọ bị cháy vẫn có nhiều nhà trọ, chung cư mini cho thuê bị quây kín bởi thép gai, lồng sắt. Nhiều người thuê nhà khi được hỏi đều lo lắng, bởi chuyển nhà trọ khác thì cũng như thế, nghĩa là cũng nhà trong ngõ nhỏ, ba mặt giáp tường nhà khác và chỉ có một lối đi chính, cửa sổ được hàn kín…

 Không thể rút kinh nghiệm mãi! - ảnh 2
Ngôi nhà xảy ra vụ cháy tại Trung Kính không có lối thoát hiểm, người dân phải đập tường đề cứu người

Cháy nhà là… rà soát

Ngay sau vụ cháy tại Trung Kính, UBND thành phố Hà Nội có Công điện yêu cầu UBND các địa phương chủ động thành lập các tổ công tác để rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 15.6, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20.6.

Đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao còn lại, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra hoàn thành trước ngày 15.7, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 20.7. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát đối với nhà trọ, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc 100% cơ sở hoàn thành việc khắc phục các giải pháp trước mắt đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đã kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy và cứu nạn cho người dân. Về nội dung Công điện mới này của lãnh đạo thành phố Hà Nội, không ít người nhớ tới vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm 56 người chết tháng 9.2023. Sau khi vụ cháy xảy ra, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn thành phố trong vòng 45 ngày.

Khi đó, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo những đơn vị, địa phương nào thực hiện không ng­hiêm túc, không đảm bảo tiến độ đề ra, để sót lọt cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát thì thủ trưởng đơn vị, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Ngay sau đó, các quận, phường rầm rộ ra quân rà soát, thế nhưng ngày 24.5 lại xảy ra vụ cháy nhà trọ làm 14 người chết. Vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà trọ trên địa bàn tại Hà Nội. Vẫn chưa biết lần kiểm tra, rà soát đợt trước như thế nào, những tổ chức, cá nhân nào đã bị xử lý, nhưng có một thực tế mà người thuê trọ nào cũng biết, họ đang phải đối diện với nhiều nguy cơ khi nơi họ ở không khác gì “lô cốt”, vậy mà lực lượng chức năng, chính quyền phường, xã thiếu kiểm tra, xử lý ng­hiêm. Vụ việc xảy ra chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc. Chẳng lẽ sau một vụ việc thương tâm đau xót, chính quyền phường, xã lên truyền thông nói rằng, “đây là bài học sâu sắc của chúng tôi”. Xin đừng mãi như thế! Ngôi nhà vừa kinh doanh, vừa cho thuê trọ tới hàng chục người mà không có lối thoát hiểm tại Trung Kính là một ví dụ điển hình. Sau vụ việc cháy chung cư mini xảy ra tại Khương Hạ, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra vi phạm về phòng cháy chữa cháy và trách nhiệm quản lý nhà nước khiến 14 người tử vong. Dù ai đó phải chịu trách nhiệm nhưng những thiệt hại về con người là không thể khắc phục được.

“Lối ra” nào cho những ngôi nhà không lối thoát?

Hiện tại, việc quản lý nhà trọ, chung cư mini tại Hà Nội là một việc không dễ dàng. Việc cho thuê trọ, kinh doanh trong ngõ là tình trạng phổ biến tại nhiều nơi tại Hà Nội. Giá chung cư tăng phi mã, giá hàng tỉ đồng/căn khiến người dân phải tìm đến chung cư mini hoặc các phòng trọ. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội hoặc nhà ở giá rẻ quá ít hoặc người dân rất khó đủ điều kiện để mua.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy nổ nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh trong các ngõ sâu là rất cao, nếu xảy ra cháy thì thiệt hại về người là không nhỏ bởi ngõ quá sâu, lực lượng chữa cháy và cứu hộ khó tiếp cận. Trong khi chờ những thay đổi các quy định về quản lý hay đầu tư thêm nhà xã hội, việc cần kíp và thường xuyên chính là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là phường, xã. Một ngôi nhà trọ có đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy hay không, có lối thoát hiểm hay không, đường điện có đảm bảo hay không… thì tổ trưởng dân phố, lãnh đạo phường, quận nếu đi kiểm tra thì không thể không nắm rõ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, các cấp chính quyền phải có biện pháp “mạnh tay”. Đó là khi rà soát trên địa bàn mà cảm thấy có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân thì phải có yêu cầu lập tức về đảm bảo an toàn cháy nổ. Nếu nhà cửa xây theo kiểu không có lối thoát thì phải cưỡng chế, yêu cầu người dân bỏ ngay các vật cản, phải thiết kế thêm lối thoát. Cùng với đó, phải đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc mới không để xảy ra những vụ cháy thảm khốc như thời gian qua.

Sau vụ cháy tại Trung Kính, Công an thành phố Hà Nội yêu cầu chủ trọ không lắp đặt “chuồng cọp”, bịt lối thoát nạn; không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải đưọc bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Trong nhà trọ, chung cư mini cần có lối thoát nạn dự phòng, có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề. Khu nhà trọ một tầng cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở. Đối với người thuê trọ, Công an thành phố Hà Nội đưa ra 19 khuyến cáo. Theo đó, người thuê cần nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, anh Phan Quốc Việt, Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel cho biết khâu phòng ngừa, tăng cường ý thức của người dân trước các nguy cơ cháy cũng là một yếu tố quan trọng khi các cấp chính quyền, lực lượng chuyên trách sẽ không có đủ người mà đi đến từng nhà để canh chừng. Tham gia cứu hộ trong những vụ cháy ở Khương Hạ và Trung Kính, bản thân anh cũng là người đi thuê nhà, anh Việt cho biết chủ cho thuê nhà và chính bản thân người đi thuê nhà đều phải có ý thức. 

 Vẫn chưa biết lần kiểm tra, rà soát đợt trước như thế nào, những tổ chức, cá nhân nào đã bị xử lý, nhưng có một thực tế mà người thuê trọ nào cũng biết, họ đang phải đối diện với nhiều nguy cơ khi nơi họ ở không khác gì “lô cốt”, vậy mà lực lượng chức năng, chính quyền phường, xã thiếu kiểm tra, xử lý nghiêm. Vụ việc xảy ra chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc. Chẳng lẽ sau một vụ việc thương tâm đau xót, chính quyền phường, xã lên truyền thông nói rằng, “đây là bài học sâu sắc của chúng tôi”. Xin đừng mãi như thế!