Để không còn những “người hùng bất đắc dĩ”

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Mới đây, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã có báo cáo về việc tổng rà soát các nhà trọ trên địa bàn. Những con số đưa ra khiến không ít người giật mình. Nếu không có giải pháp khắc phục triệt để tồn tại, e rằng những “người hùng bất đắc dĩ” xả thân cứu người trong các vụ cháy sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa...

 Để không còn những “người hùng bất đắc dĩ” - ảnh 1

 Hộp chữa cháy được lắp đặt đã lâu nhưng… bên trong không có bình chữa cháy tại phường Định Công

Báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về kết quả tổng rà soát nhà trọ sau vụ cháy hôm 24.5 ở Trung Kính khiến 14 người tử vong cho thấy, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 3.328 nhà trọ (tăng 213 cơ sở so với năm 2023), trong đó nhiều nhất là phường Mai Dịch với 934 cơ sở; Trung Hòa 638 cơ sở; Quan Hoa 598 cơ sở; Yên Hòa 353 cơ sở; Dịch Vọng 333 cơ sở; Dịch Vọng Hậu 275 cơ sở; Nghĩa Đô 137 cơ sở và phường Nghĩa Tân 60 cơ sở.

Đáng chú ý, theo UBND quận Cầu Giấy, hiện có 3.172 nhà trọ xe chữa cháy không thể tiếp cận; 2.822 cơ sở không đáp ứng điều kiện lối thoát nạn; 2.961 cơ sở hệ thống báo cháy không hoạt động; 2.717 cơ sở hệ thống chữa cháy không đảm bảo; 1.239 cơ sở các hệ thống kỹ thuật khác không đảm bảo và 1.566 cơ sở vi phạm về điện (sử dụng điện sau công tơ, đấu nối đường dây điện không an toàn).

Qua kiểm tra, quận Cầu Giấy đã yêu cầu chủ nhà trọ khắc phục những vấn đề liên quan đến sạc xe điện, và hiện mới chỉ có 28 cơ sở đã khắc phục được, còn 2.274 cơ sở chưa thể khắc phục. Vấn đề “cầu thang bộ, giếng thang máy đi từ tầng hầm, tầng nửa hầm lên phải được ngăn cháy, ngăn khói với khu vực xung quanh” đã khắc phục được 24 cơ sở, chưa khắc phục được 1.924 cơ sở. Những vấn đề liên quan đến lối thoát nạn, sau yêu cầu của quận Cầu Giấy, đến nay vẫn còn 2.969 cơ sở chưa thể chắc phục. Về bố trí lối ra khẩn cấp, chỉ có 973 nhà trọ đã khắc phục được, còn 1.680 nhà trọ chưa được khắc phục. Về phương hướng trong thời gian tới, quận Cầu Giấy cho biết, sau ngày 30.6 sẽ tổ chức kiểm tra lại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phòng cháy chữa cháy; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn.

Chính quyền yêu cầu chủ nhà trọ phải bố trí đủ diện tích đỗ xe máy, xe điện, tối thiểu 6m2 cho mỗi phòng, căn hộ. Nếu không đảm bảo diện tích thì phải có phương án gửi xe bên ngoài. Ngoài ra, quận sẽ thực hiện ngay giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để xe và khu vực ở của người dân; đảm bảo điều kiện về thang thoát hiểm, lối thoát nạn theo đúng quy định; triển khai mô hình họng nước cứu hỏa tại vách tường ở các ngõ sâu...

 Để không còn những “người hùng bất đắc dĩ” - ảnh 2

Những ngôi nhà rào kín, lối đi vào quá nhỏ khiến xe chữa cháy không thể tiếp cận

 

Sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vào tháng 9.2023, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát về công tác quản lý phòng cháy chữa cháy với loại hình chung cư mini, nhà trọ. Và đến nay, sau gần 9 tháng, những tồn tại trong phòng cháy chữa cháy đối với loại hình nhà cho thuê dường như vẫn chưa được khắc phục.

Trong nhiều vụ cháy, không ít người dân bình thường đã trở thành “người hùng” vì xả thân cứu người, như anh Lèng Văn Bằng (39 tuổi, quê ở Điện Biên) bám vào tường trèo lên mái tôn nhà hàng xóm, leo tới chỗ nạn nhân trên ban công tầng 3 để cứu hai người trong vụ cháy ngày 30.5 ở phường Phú Lương (quận Hà Đông); hay anh Phạm Quốc Luật, anh Nguyễn Kim Long, anh Đồng Văn Tuấn và Hoàng Văn Tuấn đã hợp sức cứu thoát 4 nạn nhân khỏi đám cháy tại Trung Kính vừa qua. Trước đó, trong vụ cháy chung cư mini làm 56 người tử vong ở Khương Hạ, anh Nguyễn Đăng Văn (Bắc Ninh) cũng đã dùng búa đập vỡ cánh cửa để cứu anh chị họ, sau đó cứu thêm được gần 10 người…

Dù những “người hùng” được khen thưởng, cảm phục và mến mộ, nhưng chúng ta không thể liên tiếp có những “người hùng” cứu người trong các vụ cháy mãi được. Sau các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ngoài sự đau xót cho số phận người bị nạn, ngoài việc quy trách nhiệm, ngoài việc rà soát thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kiểm tra quyết liệt, xử lý quyết liệt chứ không phải là những báo cáo, những kết luận và những rút kinh nghiệm dài như vô tận…

Anh Phan Quốc Việt, Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel, người đã cùng đồng đội có mặt tại hiện trường sơ cứu và đưa các nạn nhân đi bệnh viện trong vụ cháy ở Trung Kính vừa qua cho biết, việc những “người hùng” cứu người là đáng tuyên dương, nhưng đó cũng là hành động nguy hiểm cho bản thân họ, điều quan trọng là làm thế nào để những sự việc như thế không xảy ra. Nếu các quận, phường thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm thì những “người hùng bất đắc dĩ” sẽ không xuất hiện. Khi đó, cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ an toàn.