Quảng Ngãi:

Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá, hạ tầng ở miền núi

NHƯ ĐỒNG

VHO - Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Quảng Ngãi triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá, hạ tầng ở miền núi - ảnh 1
Mở rộng, nâng cấp Nhà văn hóa thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây

Công trình mở rộng, nâng cấp Nhà văn hóa thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây được đầu tư với nguồn kinh phí trên 2 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài hạng mục chính là nhà văn hóa, công trình còn có các hạng mục phụ trợ như tường rào cổng ngõ, sân nền, nhà vệ sinh... Sau khi đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng.

Trưởng thôn Huy Măng Đinh Văn Bin phấn khởi chia sẻ: Có nhà văn hóa, người dân trong thôn rất vui mừng. Công trình này tạo thuận lợi cho người dân tổ chức các hoạt động thể dục – thể thao. Chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ và giữ gìn để công trình được sử dụng lâu bền”.

Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá, hạ tầng ở miền núi - ảnh 2
Đầu tư hạ tầng giao thông tạo điều kiện đi lại thuận lợi

Thực hiện dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, huyện Sơn Tây đã phân khai trên 51 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 25 công trình cơ sở hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các công trình giao thông, thủy lợi và nhà văn hóa. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 19 công trình được thi công kết nối về các xã thôn đặc biệt khó khăn, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân địa phương.

“Trước đây, đường đi rất khó khăn, giờ thì đường bê tông rộng rãi, dân mình đi khai thác keo, mì, vận chuyển rất thuận lợi”, ông Đinh Văn Banh, ở xã Sơn Bua, cho biết.

Huyện miền núi Sơn Tây ưu tiên mở rộng, xây mới đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS trên địa bàn. Đơn cử như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Tân đã được đầu tư thêm phòng học ở cơ sở chính và dãy phòng bán trú.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Tân Nguyễn Văn Hùng cho biết. “Việc có thêm phòng học sẽ giúp cho học sinh thuận lợi trong việc ăn ở và học tập tại trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy của mình. Cơ sở vật chất khang trang  góp phần không nhỏ giúp nhà trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào đầu năm 2024”.

Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá, hạ tầng ở miền núi - ảnh 3
Đời sống đồng bào miền núi Sơn Tây ngày càng phát triển

Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Tây Lê Văn Cường, sau khi được phân bổ vốn từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các ban, ngành, các xã để phân khai nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng.

“Thời gian đến, huyện Sơn Tây sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng tăng cường phối hợp, đôn đốc các đơn vị nhà thầu thực hiện xây dựng các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo kế hoạch và tiến độ, phấn đấu giải ngân theo đúng kế hoạch tỉnh giao”, ông Cường chia sẻ.