Quảng Ngãi:

Chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em miền núi

NHƯ ĐỒNG

VHO – Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào miền núi.

Chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em miền núi - ảnh 1
Chị Đinh Thị Sâng được tiếp cận các kiến thức về sinh đẻ an toàn

Được hưởng lợi từ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025) chị Đinh Thị Sâng (32 tuổi), ở thôn Làng Đèo, xã Sơn Trung khi mang thai, sinh con thứ 2 đã được hỗ trợ khám thai định kỳ 4 lượt, chăm sóc sức khỏe trước, trong và sau khi sinh. Đồng thời, hỗ trợ 2,2 triệu đồng tiền mặt với mức hỗ trợ dành cho người sinh thường. Bên cạnh đó, người nhà còn được hỗ trợ chi phí đi lại, chăm sóc. Đặc biệt, được tiếp cận các kiến thức về sinh đẻ an toàn, chị quyết định dừng lại ở 2 con.

“Tôi quyết định không sinh con thứ 3 để nuôi và dạy con cho tốt, vợ chồng nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…”, chị Sang nói.

Chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em miền núi - ảnh 2
Truyền thông hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em

Thời gian qua, Hội LHPN xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà chú trọng truyền thông thực hiện các gói chính sách hỗ trợ phụ nữ đồng bào sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Đến nay, toàn xã có 16 hội viên được hưởng lợi từ các gói sinh đẻ, được nhận hỗ trợ 2,2 triệu đồng khi sinh thường và 2,4 triệu đồng khi sinh mổ. 6 thôn đều có tổ truyền thông, trong đó các hội viên vụ nữ giữ vai trò chủ chốt. Các tổ truyền thông thường xuyên bám sát cơ sở, trang bị những thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian thai kỳ, trong quá trình sinh con và sau khi sinh con, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và trẻ em. Nhiều hội viên trong độ tuối sinh con, đã dần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ những tập tục, thói quen có hại đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em; tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chị Đinh Thị Niêng, thôn Gia Ry, xã Sơn Trung chia sẻ: “Trước kia, người dân ở đây chưa có ý thức được việc đảm bảo sức khỏe an toàn cho mẹ và con, chưa biết được bệnh viện này kia. Bây giờ được hội phụ nữ tuyên truyền đến bệnh viện sinh đẻ, đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Bản thân em cũng đến bệnh viện sinh đẻ, có 1 đứa con thấy sức khỏe vẫn đảm bảo an toàn”.

Chị Đinh Thị Nữ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Gia Ry, xã Sơn Trung cho biết: “Tôi vừa là chi hội trưởng, vừa là cộng tác viên dân số, tôi thấy rõ vai trò công tác tuyên truyền. Tôi phối hợp với các chi hội ở các tổ thôn đến từng hội viên để tuyên truyền việc sinh sản đúng kế hoạch, chỉ sinh từ 1-2 con. Khi sinh đẻ phải đến trạm y tế gần nhất, không sinh đẻ tại nhà để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con”.

Chuyển biến tích cực trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em miền núi - ảnh 3
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào miền núi

Bà Phạm Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hà cho biết, thực hiện dự án 8, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, đến nay, toàn huyện Sơn Hà đã chi trả cho 87 phụ nữ được hưởng chế độ hỗ trợ 4 gói sinh đẻ, với 31 trường hợp sinh mổ, 56 trường hợp sinh thường. Tổng kinh phí chi trả gần 200 triệu đồng.

Bà Võ Thị Anh Trâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có tỷ lệ phụ nữ đồng bào dân tộc sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước được hỗ trợ gói chính sách sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, một nội dung lớn trong kế hoạch thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030”.

“Với các chính sách đặc thù về hỗ trợ sức khỏe sinh sản đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của phụ nữ ở miền núi Quảng Ngãi. Phụ nữ có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, sinh con có kế hoạch và an toàn, trẻ em sinh ra được đảm bảo sức khỏe và thể trạng. Đặc biệt, khi sức khỏe được đảm bảo, chất lượng cuộc sống nâng cao, nhiều chị em tự tin vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững”, bà Trâm nhấn mạnh.