Quảng Ngãi:

Huyện miền núi Sơn Tây lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất

NHƯ ĐỒNG

VHO – Để chủ động ứng phó với động đất, huyện miền núi Sơn Tây đã chủ động thành lập duy trì 2 nhóm Zalo về công tác phòng chống thiên tai và kết nối với các địa phương trên địa bàn huyện để nắm bắt những thiệt hại tại địa phương do rung chấn của động đất gây ra.

Huyện miền núi Sơn Tây lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất - ảnh 1
Dư chấn do động đất gây nhiều rung, lắc ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi

Tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, ngôi nhà của chị Trần Thị Quy hiện đã bị nứt, hư hỏng nhiều vị trí. Theo chị Quy, vào thời điểm trưa ngày 28.7, gia đình đang chuẩn bị ăn cơm thì thấy có rung lắc mạnh, vôi vữa trên tường rơi xuống. Phải một lúc sau chị mới nhận ra là có động đất.

“Khu vực tôi ở đã nhiều lần cảm nhận rung chấn do động đất, nhưng đây là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay. Các vết nứt trên tường to ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà”, chị Quy chia sẻ.

Huyện miền núi Sơn Tây lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất - ảnh 2
Xuất hiện vết nứt ở nhà dân

Tại trạm Y tế xã Sơn Bua và một số công trình, trụ sở làm việc của huyện Sơn Tây sau trận động đất có độ lớn 5,0 vừa qua cũng xuất hiện một số vết nứt.

Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Bua Trần Thị Hạnh cho biết: “Trước đây có động đất thì chỉ vài ba giây và rung nhẹ. Đợt vừa rồi rung lắc lâu hơn, mạnh hơn, khiến cả nhà cửa cũng bị nứt toác”.

Dù đã quen với nhiều lần rung chấn, nhưng đợt rung chấn những ngày gần đây có xu hướng mạnh lên và xảy ra bất ngờ khiến người dân ở Sơn Tây vô cùng lo lắng.

“Trước đây, tại địa phương từng xuất hiện rung chấn nhẹ, nhưng lần này thì nặng quá. Tôi rất lo nếu các đợt rung chấn mạnh như vừa qua lại xảy ra”, ông Đinh Văn Hố, xã Sơn Bua nói.

Huyện miền núi Sơn Tây lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất - ảnh 3
Các trụ sở làm việc cũng xuất hiện vết nứt

Phía Tây Nam của huyện Sơn Tây giáp với huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Trong hai ngày 28 và 29.7, các trận động đất liên tục xảy ra tại huyện Kon Plông đã gây rung chấn trên địa bàn huyện.

Động đất tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này lúc 11 giờ 35 phút ngày 28.7.2024 lại ghi nhận trận động đất mạnh đến 5,0 Richter.

Trận động đất nói trên tạo ra dư chấn gây nhiều rung, lắc ở một số huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi giáp ranh với tỉnh Kon Tum, nặng nhất là huyện Sơn Tây.

Với địa hình có nhiều đồi núi, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện Công điện của UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây đang tập trung tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân về nguy cơ tác động của động đất. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, điều cần nhất lúc này là giải thích, trấn an người dân, hướng dẫn thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất.

“UBND huyện đã ban hành văn bản đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học và lãnh đạo UBND các xã tổng hợp các số liệu do động đất làm ảnh hưởng đến tài sản của người dân cũng như của chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành”, ông Giang thông tin.

Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây cho rằng, huyện Sơn Tây gần với vùng tâm chấn nên người dân dần thích ứng với các đợt rung chấn và tác động của động đất. Sau trận động đất có độ lớn 5,0 vừa qua hiện chỉ một số nhà dân, công trình nhà làm việc trên địa bàn bị nứt nhẹ, chưa có thiệt hại về người.

Huyện Sơn Tây cũng lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất, tăng cường truyên truyền cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về động đất về những rủi ro do động đất gây nên. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có động đất mạnh xảy ra.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra, nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương chủ động tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được thông tin; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, không để nhân dân hoang mang, lo lắng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương lên kế hoạch, chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các gia đình nhà cửa bị hư hại nặng, không bảo đảm an toàn… Các đơn vị thuộc lực lượng quân đội sẵn sàng các phương án hỗ trợ khi cần thiết.