Hướng dẫn người dân vùng tâm chấn kỹ năng ứng phó

NGỌC HÒA

VHO - Sau khi ghi nhận hàng chục trận động đất xảy ra liên tiếp tại huyện Kon Plông (Kon Tum), trong đó lần đầu tiên xuất hiện trận động đất có độ lớn 5.0 gây rung chấn ở nhiều tỉnh, thành, Viện Vật lý Địa cầu đã cử đoàn cán bộ đến các xã vùng tâm chấn động đất để tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó.

Hướng dẫn người dân vùng tâm chấn kỹ năng ứng phó - ảnh 1

 Đoàn công tác Viện Vật lý Địa cầu hướng dẫn người dân 5 xã của huyện Kon Plông (Kon Tum) kỹ năng ứng phó với động đất

 TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, thực hiện Công điện số 73/ CĐ-TTg ngày 29.7.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum), Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất; phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông; chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

Hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với động đất

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý Địa cầu đã cử đoàn công tác đi thực địa tại huyện Kon Plông, phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân tại khu vực tâm chấn động đất M=5.0, nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra cũng như phục vụ công tác an dân tại địa phương trong tình hình động đất xảy ra gần đây.

Cụ thể, trong hai ngày 1-2.8 vừa qua, đoàn công tác của Viện Vật lý Địa cầu đã đi vào các thôn, làng tại xã Đắk Tăng và xã Măng Bút, gần khu vực xảy ra động đất của huyện Kon Plông để phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn. Đồng thời, trực tiếp trao đổi cho người dân các giải pháp phòng tránh động đất, cách ứng phó với các tình huống cụ thể để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. “Đoàn công tác đã khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kỹ năng ứng phó với động đất tại địa điểm bị tác động của động đất như các xã Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Càng. Từ đó đến ngày 5.8, đoàn sẽ tiếp tục đến các thôn làng tuyên truyền cho người dân trong vùng động đất để ổn định tâm lý, đời sống bà con”, TS Nguyễn Xuân Anh thông tin.

Theo TS Bùi Thị Nhung (thành viên trong đoàn công tác), “có một số tài liệu hướng dẫn xây dựng cho khu vực đô thị nên những tình huống cụ thể lại không phù hợp với đồng bào miền núi. Bởi vậy, đoàn đi sâu vào các tình huống cụ thể tại địa phương của bà con vùng núi hay gặp phải để mổ xẻ, giải đáp từng tình huống. Như đang trên rẫy cần tránh những sườn núi dốc, khi đang nấu ăn thì cần dập lửa trước khi rời khỏi nhà”. Chị Y Phiếu ở làng Rô Xia, xã Đắk Tăng cho hay, “thực tế động đất xảy ra nhiều, khi có rung chấn mạnh, người dân có chút lo lắng nhưng giờ mọi người cũng thấy bình thường. Bà con vẫn ra đồng gặt lúa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập phòng ngừa, ứng phó với động đất nên người dân đã chủ động, vững tin hơn khi ứng phó”.

Động đất ở Kon Plông sẽ còn tiếp diễn

Trước đó, Văn Hóa đã đưa tin ngày 28.7 vừa qua, huyện Kon Plông xảy ra 21 trận động đất, trong đó trận lớn nhất 5 độ gây rung chấn nhiều khu vực ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Ngày 29.7, huyện Kon Plông ghi nhận thêm 24 trận, và sau đó giảm dần chỉ còn vài trận trong ngày với độ rung chấn nhỏ.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tại Kon Tum đã xảy ra hơn 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,0. Các trận động đất xảy ra tại Kon Tum những ngày qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được.

Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm nước khi ngấm đủ xuống bên dưới. “Tại khu vực Kon Plông, chúng tôi đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này. Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư…”, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu thông tin.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết thêm, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.