Quảng Nam ra công điện kiểm tra tác động dư chấn động đất
VHO - Sau loạt dư chấn từ động đất ở tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra công điện yêu cầu các đơn vị liên quan, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để triển khai ngay biện pháp xử lý, chủ động ứng phó với động đất trong thời gian tới.
Ngày 1.8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu vừa ký ban hành công điện về việc kiểm tra tác động, ảnh hưởng của động đất xảy ra tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và chủ động ứng phó với động đất trong thời gian tới.
Theo đó, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).
Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
Sở NN& PTNT, Sở Công Thương, Sở GTVT theo chức năng quản lý nhà nước được giao, chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
Các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của các trận động đất vừa qua đến công trình, đặc biệt là các vị trí xung yếu, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để triển khai ngay biện pháp xử lý. Rà soát, cập nhật phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp phù hợp, đảm bảo theo quy định.
Trước đó, từ ngày 28.7 đến hôm nay 1.8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) đã ghi nhận khoảng 63 trận động đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong đó, trận động đất 5 độ Richter xảy ra tại huyện vùng cao Kon Plông (Kon Tum) được các chuyên gia xác nhận là trận động đất có cường độ lớn nhất ở tỉnh này từ trước đến nay. Dư chấn từ trận động đất này lan rộng; người dân ở các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế cảm nhận rất rõ.