Cuộc sống của các VĐV sau khi giã nghiệp:

Đã vơi nỗi lo “cơm áo gạo, tiền”

THU SÂM

VHO - Gặp lại “nữ hoàng” của đường chạy 400m Nguyễn Thị Huyền sau gần một năm giải nghệ, nét xinh đẹp của hoa khôi điền kinh năm nào dường như lại càng rạng ngời, đằm thắm ở tuổi 31. Giã nghiệp, Huyền có một công việc ổn định, được theo đuổi đam mê và xóa tan nỗi ám ảnh “vắt chanh bỏ vỏ” của thể thao Việt Nam.

Đã vơi nỗi lo “cơm áo gạo, tiền” - ảnh 1

“Nữ hoàng” điền kinh Nguyễn Thị Huyền có cuộc sống hạnh phúc sau khi giã nghiệp

Cuộc sống hạnh phúc của nữ hoàng đường chạy

Nguyễn Thị Huyền là gương mặt nổi bật của điền kinh Việt Nam. Hiện cô đang là vận động viên (VĐV) sở hữu kỷ lục đoạt nhiều HCV SEA Games nhất, với 13 chiếc. Cô cũng là VĐV viết lên câu chuyện cổ tích, từ một cô bé mò cua, bắt ốc, lớn lên bằng sự mưu sinh khó nhọc của người mẹ, đã trở thành chân chạy nổi tiếng, được nhiều người mến mộ. Cô từng nhiều lần tâm sự: “Thể thao đã mang lại cho cô tất cả!”.

Chúng tôi cũng từng về thăm ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, nghèo khó của mẹ con Huyền ở huyện Ý Yên (Nam Định) sau khi cô lập kỳ tích, để lại dấu ấn mạnh mẽ với 3 HCV trên đường chạy 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức nữ tại SEA Games 2015. Chúng tôi đã từng rất xúc động khi chứng kiến gia cảnh khó khăn và khâm phục trước ý chí, nghị lực vượt khó của Huyền. Sau những thành tích rực rỡ, cô đã được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Nhà nước, được Bộ VHTTDL, tỉnh Nam Định và nhiều tổ chức khác chăm lo, đồng hành để ngôi nhà của mẹ Huyền đã được làm lại và giờ cô có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng đồng nghiệp tại TP Nam Định và cô con gái nhỏ.

Trước khi giã nghiệp, Huyền cũng được các thầy cô định hướng, Trung tâm HLTTQG Hà Nội và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh tạo điều kiện để vừa tập luyện, vừa thi đấu và hoàn thành chương trình học Đại học cùng các bằng cấp, chứng chỉ khác để sau khi rời đường chạy, cô có đủ điều kiện trở thành HLV. Nhờ trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, trình độ và được Sở VHTTDL tỉnh Nam Định tạo điều kiện, có chính sách trọng dụng nhân tài nên ngay sau khi giã nghiệp, Huyền đã trở thành HLV điền kinh của tỉnh.

Hằng ngày cô vẫn được sống với niềm đam mê trên đường chạy, được hướng dẫn các em vận động viên ngay tại nơi cô đã tập những bước chạy chuyên nghiệp đầu tiên trên sân vận động Thiên Trường. Trong vai trò HLV Trung tâm thể thao thành tích cao tỉnh Nam Định, Huyền cũng được thực hiện ước mơ khi còn thi đấu là truyền đạt hết những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong suốt thời gian thi đấu đỉnh cao cho thế hệ vận động viên tiếp nối để hy vọng sau này điền kinh Nam Định sẽ có những tài năng như cô tiếp tục đóng góp cho thể thao Việt Nam. Cô cũng có sự chia sẻ của người bạn đời hiện làm HLV nhảy cao của tỉnh Nam Định.

Trong ngôi nhà ấm áp của Huyền luôn ngân vang tiếng cười hạnh phúc của một nữ vận động viên đã có nhiều cống hiến và thể thao đã mang lại cho cô, đền bù lại cho cô cuộc sống ổn định, hạnh phúc hiện tại. Tin rằng trong tương lai, từ “lò” đào tạo của cô Huyền, thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều tài năng mới và nụ cười tươi tắn trên môi nữ hoa khôi đường chạy khi nào sẽ tiếp tục rạng ngời trong vai trò HLV. Câu chuyện của Huyền là minh chứng sinh động cho việc thể thao Việt Nam đã không còn mang tiếng “vắt chanh, bỏ vỏ”.

“Tôi mong muốn có nhiều bài viết lan tỏa để mọi người hiểu thêm được rằng, thể thao đã mang lại cho tôi tất cả, từ công việc tới kinh tế và một gia đình hạnh phúc. Không những tôi mà nhiều VĐV khác của thể thao Việt Nam giờ cũng đã có cuộc sống ổn định sau khi giã nghiệp”, Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Có cuộc sống ổn định sau khi giã nghiệp, đó còn là Vương Thị Huyền - cô gái từng là đô cử số 1 của Việt Nam giờ cũng đang là HLV đội tuyển cử tạ trẻ Hà Nội; là tiểu tiên cá Nguyễn Thị Ánh Viên đang làm nhiều công việc hữu ích, truyền cảm hứng và dạy kỹ năng bơi lội cho các em nhỏ... Và còn nhiều VĐV đỉnh cao khác hiện đang có cuộc sống ấm áp nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của các cấp, ngành...

Vận động viên được hưởng nhiều ưu đãi khi giã nghiệp

Trước đây thể thao Việt Nam từng mang tiếng “vắt chanh, bỏ vỏ” đến mức nhiều gia đình không muốn con em theo sự nghiệp đầy vất vả này. Thế nhưng cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, các chế độ, chính sách khó khăn đang được tháo gỡ và đã phát huy hiệu lực khi đi vào cuộc sống.

Bằng sự nỗ lực, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành nhiều chế độ, chính sách cho các HLV, VĐV. Năm 2019, Bộ VHTTDL đã tham mưu và Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trong đó có quy định ưu đãi về học tập và giải quyết việc làm. Trong đó Điều 6 quy định những ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như các HLV, VĐV đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được Bộ VHTTDL xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng...

Còn tại Điều 7 cũng ghi chi tiết: “Vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ/CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đó VĐV đạt huy chương tại Olympic, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng; Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm”.

Ý thức được trách nhiệm xã hội, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ trong việc định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện để các VĐV thể thao hòa nhập và tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia, đóng góp cho thể thao nước nhà, Cục Thể dục thể thao ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tập đoàn Alphanam Group về “Tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các VĐV của Thể thao Việt Nam có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp”.

Cục Thể dục thể thao cũng đã ký hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội về “Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao”; với Trường Đại học Đại Nam “Về chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần dành cho các vận động viên đội tuyển quốc gia tham gia học các ngành đào tạo ở các cấp bậc đào tạo của Trường Đại học Đại Nam”; Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội thảo hướng nghiệp cho VĐV tại Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trung tâm HLTTQG TP.HCM; Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, trong đó có đối tượng là VĐV nữ đã giải nghệ.

Đây là những chương trình đào tạo, hướng nghề và tạo cơ hội việc làm mang tính đột phá và tiên phong, được xây dựng và phát triển dành riêng cho các VĐV thể thao, với hy vọng sẽ mang đến cho các VĐV cơ hội việc làm, nền tảng kiến thức, kỹ năng, bài học thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh thể thao, mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp. Từ đó các em sẽ vơi bớt nỗi lo về công việc, về cơm áo, gạo tiền khi giã nghiệp và có đủ hành trang cần thiết để bước vào đời.