Dấu ấn nhà báo trong sự phát triển của bóng đá thế giới

NGỌC TRUNG

VHO - Nhà báo đóng vai trò quan trọng trong sự vận động của xã hội, như cách gọi thật trìu mến và tự hào: “Những thư ký của thời đại”.

Riêng trong môn bóng đá, địa hạt rất nhỏ của xã hội, nhưng là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa tại nhiều quốc gia, vai trò của các nhà báo cũng vô cùng quan trọng. Các ký giả không chỉ là người truyền tải thông tin mà còn góp phần định hình nhận thức và tình cảm của công chúng, qua đó giúp bóng đá trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh.

 Dấu ấn nhà báo trong sự phát triển của bóng đá thế giới - ảnh 1

 Quả bóng vàng, một trong những sản phẩm của nhà báo

 Khơi nguồn kình địch El Clasico và góp công vô địch World Cup

Trong tiến trình phát triển ngắn ngủi (hơn 100 năm) nhưng rực rỡ của bóng đá, nhiều danh xưng được giới mộ điệu thuộc làu và chờ đợi mỗi khi sự kiện diễn ra. Điển hình như trận cầu El Clasico, cuộc thư hùng giữa Real Madrid và Barcelona, hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha. Sự kình địch giữa hai CLB có thể chịu ảnh hưởng từ lịch sử, văn hóa và chính trị, nhưng cũng chịu tác động lớn từ những cây bút. Khởi nguồn là trận bán kết Cúp Thống chế (tiền thân của Cúp Nhà Vua) vào năm 1943.

Trận lượt đi, Barca giành chiến thắng 3-0 trên sân nhà Les Cort. Josep Valle, cầu thủ của Barca nhớ lại: “Phóng viên của tờ DND ABC viết đủ thứ khủng khiếp về trận đấu, khiến CĐV Real Madrid bức xúc”. Mạnh tay nhất là ký giả Eduardo Teus của tờ Ya. Ông miêu tả sự sục sôi thù hận từ trong ra ngoài sân cỏ của các cule (biệt danh của CĐV Barca). Và đến trận lượt về, Real Madrid phục hận bằng màn đón tiếp đối phương “như trên đấu trường trung cổ”. Nhiều giai thoại được kể và chung cuộc, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha giành chiến thắng 11-1, tỷ số cách biệt nhất lịch sử đụng độ giữa hai đội. Cũng kể từ đó, hai đội bóng không bao giờ đội trời chung.

Eduardo Teus là CĐV nhiệt thành của Real Madrid. Ông qua đời vào ngày 8.10.1961 vì nhồi máu cơ tim, khi đang tác nghiệp trận đấu của Real Madrid trên sân San Mames của Athletic Bilbao. Trận đó Real thắng 2-0 và những lời trăn trối cuối cùng của Teus là: “Thật may vì có Puskas!”. Thú vị hơn, Eduardo Teus từng được bổ nhiệm làm HLV trưởng dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha giai đoạn 1941-1942. Ông cũng luôn tự hào chưa từng bỏ lỡ trận đấu nào của La Roja.

Eduardo Teus không phải trường hợp duy nhất là nhà báo từng làm HLV. Có một trường hợp còn nổi tiếng hơn tại Brazil. Đó là ký giả cá tính Joao Saldanha. Ông là người dẫn dắt đội tuyển Brazil vượt qua vòng loại World Cup 1970 với thành tích 6 trận thắng cả 6. Tuy nhiên, ngày 17.3.1970, trước thềm ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, giải đấu Selecao sẽ đăng quang và khẳng định vị thế cường quốc bóng đá số một hành tinh, Saldanha bị sa thải. “Thật dễ đoán vì sao họ sa thải tôi, chỉ thật khó hiểu tại sao họ lại bổ nhiệm tôi”, ông nói.

Saldanha gắn bó gần như cả đời với nghề báo, ngoại trừ thời trai trẻ từng làm HLV tại Botafogo, giai đoạn đội bóng này có trong đội hình Garrincha và Didi. Ông đã đi khắp thế giới để viết về thể thao và chính trị. Một cây bút can trường khi từng đến và viết về các trại tập trung của Đức Quốc xã sau thế chiến thứ hai, hay tường thuật về sự khốc liệt của chiến tranh Triều Tiên. Saldanha cũng hiện diện trong mọi kỳ World Cup kể từ năm 1934 cho đến khi qua đời.

Trở lại với thời điểm trước World Cup 1970, đội tuyển Brazil dưới sự dẫn dắt của Saldanha hủy diệt mọi đối thủ bằng lối chơi tấn công đẹp mắt. Trong 6 trận vòng loại, Selecao ghi tới 23 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 2 lần. Tuy nhiên, vì là cây bút sắc sảo, Saldanha thường xuyên có những hành động gai góc làm phật lòng cấp trên. Đơn cử như nhà độc tài Médici từng yêu cầu ông bổ sung cầu thủ Dadà Maravilha của Atletico Mineiro vào ĐTQG và ông đáp lời: “Tổng thống chọn Bộ trưởng, tôi chọn tuyển thủ quốc gia”. Vài tháng sau, người kế nhiệm Mário Zagallo đưa Brazil đến chức vô địch. Maravilha có tên trong danh sách nhưng không một lần được vào sân thi đấu.

Cha đẻ của Champions League và Quả bóng vàng

Champions League và Quả bóng vàng, hai danh hiệu thu hút sự quan tâm bậc nhất hành tinh, là sản phẩm của những ký giả của tờ L’Equipe. Tổng Biên tập Jacques Ferran và Biên tập viên Gabriel Hanot. Huyền thoại bóng đá Pháp, Michel Platini ca ngợi: “Tôi chưa bao giờ xem Jacques Ferran chỉ là nhà báo bóng đá mà ông ấy còn là nhà hiền triết trong lĩnh vực này. Ông ấy rất thông minh và có tầm nhìn xa toàn cầu về môn thể thao này”.

Tầm nhìn ấy thể hiện qua sự ảnh hưởng toàn cầu của Champions League và Quả bóng vàng. Danh xưng danh hiệu danh giá nhất châu Âu phần nào thể hiện sức hút của chiếc cúp tai voi. Trong khi đó, Quả bóng vàng tồn tại kiêu hãnh như danh hiệu cao quý nhất để tôn vinh cầu thủ xuất sắc nhất hằng năm. Cần nhấn mạnh, đơn vị tổ chức Quả bóng vàng vẫn là France Football chứ không phải những cơ quan quản lý bóng đá. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) hoặc các giải VĐQG đều tổ chức bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất trong phạm vi quản lý, đơn cử FIFA The Best của FIFA, nhưng sức hút chưa bao giờ sánh được Quả bóng vàng.

Vấn đề không chỉ nằm ở giá trị truyền thống mà còn ở cơ cấu tổ chức. France Football luôn trung thành với hệ thống bình chọn dựa trên lá phiếu của các nhà báo trên khắp thế giới. Trong khi đó, FIFA tổ chức phức tạp hơn với lá phiếu của HLV trưởng và thủ quân các ĐTQG. Thế nên mới có câu chuyện dở khóc, dở cười trong cuộc bình chọn Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 1995, HLV Zoran Vranes của đội tuyển Trinidad & Tobago điền tên 3 vị trí dẫn đầu cho 3 cậu học trò của mình. Một năm sau cũng tại cuộc bình chọn này, kịch bản tương tự lặp lại với nhân vật chính là HLV Phongsa Somphou của Lào.

Suy cho cùng, nhà báo vẫn là những người bình chọn công tâm nhất vì giữ vai trò quan sát tổng hợp. Các ký giả không chỉ đơn thuần là người đưa tin, họ còn phân tích và bình luận về các trận đấu, chiến thuật của các đội bóng và phong độ của các cầu thủ. Các HLV hay tuyển thủ sẽ tập trung nhiều hơn vào chi tiết của đội bóng và đối thủ trong phạm vi nhỏ hẹp xung quanh mình. Vì thế, góc nhìn đôi khi xảy ra sự lệch lạc gây cười như vừa viện dẫn. Tóm lại, sử dụng lá phiếu của nhà báo là lý do quan trọng để danh hiệu Quả bóng vàng luôn giữ được giá trị.

Nhà báo đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của bóng đá. Những ký giả không chỉ là người truyền tải thông tin mà còn là những người phân tích, điều tra và định hướng dư luận. Qua những bài viết và chương trình của mình, nhà báo góp phần làm phong phú thêm văn hóa bóng đá, thúc đẩy sự minh bạch và phát triển bền vững của môn thể thao vua. Tất nhiên, sự phát triển không ngừng của công nghệ và truyền thông buộc người làm báo luôn phải làm mới mình để thích ứng, nhưng luôn nhớ và tự hào về sứ mệnh thiêng liêng của “Những thư ký của thời đại”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc