Những người “gieo hạt” Kickboxing

THU SÂM

VHO - Kickboxing là môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã có bước phát triển nhanh chóng, trong đó đáng chú ý là 100% các tỉnh phía Nam đều phát triển môn này. Trong dặm dài tác nghiệp, Văn Hóa đã gặp những con người mà cả cuộc đời dành cho việc phát triển môn thể thao được đông đảo người dân yêu thích này.

Những người “gieo hạt” Kickboxing - ảnh 1
HLV Trần Thị Tuyết Nhung luôn yêu cầu các VĐV phải tu dưỡng về đạo đức

 Mẹ đi trước truyền nghề

Đến với giải vô địch trẻ Kickboxing miền Nam vừa tổ chức tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM, chúng tôi may mắn được gặp nữ võ sư nổi tiếng trong giới võ thuật Việt Nam - bà Xuân Liễu và con gái - HLV Lê Nguyệt Minh. Điều thú vị là hai mẹ con võ sư Xuân Liễu đều huấn luyện đội tuyển Kickboxing An Giang trong vai trò chuyên gia và HLV.

Võ sư Xuân Liễu dường như trẻ hơn nhiều so với tuổi 71, khi bà thị phạm với các động tác nhanh nhạy, dứt khoát. Dù lớn tuổi nhưng nữ võ sĩ vẫn thường xuyên cập nhật lịch thi đấu và những điều chỉnh mới để kịp thời cùng con gái huấn luyện đội tuyển của tỉnh. Xuất thân trong gia đình mà người cha rất đam mê võ thuật nên ngay từ nhỏ, võ sư Xuân Liễu đã được cha truyền dạy võ công. Rồi sau đó bà theo võ sư Nguyễn Xuân Bình và chính thức gia nhập làng võ cổ truyền, môn phái Bình Định Gia. Trong sự nghiệp võ sĩ, tên tuổi bà lừng lẫy với nhiều chiến thắng, đến năm 1970 bà chuyển sang sự nghiệp HLV.

Quanh năm, suốt tháng mải mê đi khắp chốn, cùng nơi tại tỉnh An Giang để tuyển chọn VĐV, đào tạo, góp phần phát triển phong trào võ thuật, cuối cùng bà đành hy sinh hạnh phúc riêng khi chia tay người chồng để một mình vừa dạy võ, vừa gồng gánh, làm đủ nghề nuôi 2 con nhỏ khôn lớn. Điều hạnh phúc nhất của nữ võ sư được xem là cây đại thụ của làng võ giờ đây là các con trai, con gái, cháu ngoại đều theo nghiệp võ, tiếp tục góp phần gây dựng phong trào võ thuật tại An Giang và các tỉnh lân cận.

Năm 2009, Việt Nam bắt đầu quen với khái niệm về môn thể thao mới Kickboxing, khi môn này được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIG 3). Để chuẩn bị cho công tác tổ chức, Tổng cục TDTT đã tổ chức lớp và mời các chuyên gia về giảng dạy. Võ sư Xuân Liễu là một trong những học viên xuất sắc của khoá học đó. Sau khi kết thúc khoá học được vài tháng, bà về trực tiếp huấn luyện cho các học trò thi đấu tại AIG 3 và võ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai đã giành chiếc HCV đầu tiên cho Kickboxing Việt Nam. Sau đó các học trò của bà tiếp tục toả sáng ở các giải đấu lớn khác và đó là cơ sở để võ sư Xuân Liễu đề nghị lãnh đạo Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu TDTT An Giang cho thành lập đội tuyển Kickboxing. Đó cũng là thời điểm một mình bà đảm nhiệm công việc quản lý, điều hành trực tiếp huấn luyện 5 môn võ của tỉnh An Giang và môn nào cũng có thành tích.

Những người “gieo hạt” Kickboxing - ảnh 2
Hai mẹ con võ sư Xuân Liễu - Nguyệt Minh đang huấn luyện đội tuyển Kickboxing An Giang

Con tiếp nối cùng gây dựng nghiệp võ

Tình yêu và niềm đam mê võ thuật của võ sư Xuân Liễu đã được bà dành hết cho con trai và con gái. Cả hai con đều được bà dạy võ cổ truyền khi mới 5-6 tuổi và đều tỏ rõ năng khiếu võ thuật. Lê Nguyệt Minh, cô con gái giống bà như hai giọt nước và giờ vẫn hay gọi đùa là “hai chị em” từng nhiều năm ăn cơm tuyển ở đội Pencak Silat quốc gia. Nguyệt Minh cũng giành được nhiều huy chương quý giá trong đó đáng chú ý là ngôi á quân hạng 70kg tại giải vô địch thế giới và ngôi á quân tại SEA Games.

Sau khi giã nghiệp, cô trở về địa phương và cùng mẹ phát triển môn Kickboxing trong vai trò HLV. Ngoài ra Nguyệt Minh còn là trọng tài võ thuật đẳng cấp quốc tế thường xuyên điều hành tại các giải đấu lớn của Kickboxing, Pencak Silat và là trọng tài cấp quốc gia môn MMA. “Giờ tuyển quân cho Kickboxing khá khó khăn do các em có nhiều lựa chọn, hoặc cha mẹ các em muốn hướng con em theo con đường khác, ngay cả khi các em có năng khiếu. Thậm chí khi tuyển dụng xong, đào tạo bài bản rồi, gia đình nhiều em lại khó khăn, bố mẹ chuyển đến địa phương khác làm ăn nên các em lại bỏ đội”, HLV Nguyệt Minh chia sẻ.

Hiện đội tuyển Kickboxing của An Giang có 16 VĐV được tuyển chọn trong 3 năm gần đây. Niềm vui với chị là được tiếp tục cùng mẹ tiếp nối đam mê, dẫn dắt các học trò nhỏ để hy vọng một ngày các em sẽ toả sáng, đóng góp nhiều hơn nữa cho thể thao An Giang nói riêng và thể thao nước nhà nói chung. Bên cạnh việc huấn luyện đỉnh cao, HLV Nguyệt Minh thường cùng mẹ dạy thêm các lớp Kickboxing phong trào để vừa tìm nguồn bổ sung cho đội tuyển, vừa phát triển phong trào tại địa phương. “Cứ mỗi dịp trước khi học sinh nghỉ hè, tôi và mẹ sẽ liên hệ với các trường trong tỉnh để thông báo việc mở các lớp dạy Kickboxing miễn phí, ưu tiên cho các em lứa 11-13 tuổi. Bao giờ lớp mới mở cũng rất đông, khoảng 40-50 em đăng ký học nhưng để sau đó thuyết phục các em, gia đình các em theo tập chuyên nghiệp đôi khi chỉ còn lại vài em”, võ sư Nguyệt Minh chia sẻ.

Vừa làm HLV, vừa làm mẹ

Tại Giải vô địch trẻ Kickboxing toàn miền Nam, chúng tôi cũng được gặp HLV Trần Thị Tuyết Nhung. Từng là VĐV đạt nhiều thành tích giờ Tuyết Nhung đã trở thành HLV trưởng của đội tuyển Kickboxing Tây Ninh, một mình vừa làm HLV, vừa làm mẹ dẫn dắt đội tuyển gồm 20 VĐV từ 12-16 tuổi. Dù vất vả nhưng cô luôn dành hết tâm huyết cho các học trò với hy vọng sau này các em sẽ vươn cao, vươn xa từ đội tuyển tỉnh lên đội tuyển quốc gia và có nhiều đóng góp cho Kickboxing Việt Nam.

Năm 16 tuổi, Tuyết Nhung bắt đầu theo môn Wushu Sanshou (đối kháng) rồi chuyển sang môn Điền kinh nhưng rồi nỗi nhớ quay quắt những cú đấm, đá quyết liệt đã khiến cô quyết tâm quay lại con đường võ thuật, thi đấu ở môn Võ cổ truyền rồi Vovinam, Kickboxing. Sau thời gian nỗ lực cố gắng và tinh thần không từ bỏ đã giúp Nhung giành hàng loạt thành tích, đỉnh điểm là tại các giải trong năm 2013, chỉ trong 3 tháng, cô liên tiếp đoạt 3 HCV, 1 HCB ở các môn thi đấu. Nhung trở thành VĐV thi đấu đa năng và đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Chuẩn bị cho con đường sau khi giã nghiệp, cô vừa tập luyện vừa theo học tại Trường Đại học TDTT TP.HCM và đã kịp hoàn thiện đủ bằng cấp để sau đó trở thành HLV trưởng đội tuyển Kickboxing Tây Ninh và bắt đầu tuyển quân từ năm ngoái. “Khi đi tuyển quân, ngoài việc chú trọng yếu tố chuyên môn, phát hiện ra tố chất của các VĐV, tôi còn chú ý đến hoàn cảnh gia đình của từng em để sau này có thể gần gũi giúp đỡ các em trong quá trình huấn luyện. 20 em là 20 cá tính, 20 hoàn cảnh, lại đang ở trong lứa tuổi mới lớn cần được quan tâm, kèm cặp và định hướng”, HLV Trần Thị Tuyết Nhung chia sẻ. Với một giáo viên dạy học văn hoá, sau thời gian ở trường, cô và trò sẽ ai về nhà nấy nhưng với các HLV sẽ là cùng các học trò từ lúc tập luyện đến khi học văn hoá và giờ ăn, giấc ngủ. Trong quá trình huấn luyện các VĐV, HLV Tuyết Nhung luôn căn dặn các em phải rèn luyện đạo đức, tác phong và chú trọng việc học văn hoá.