Hành trình khôi phục chữ viết Cơ Tu:
Từ mai một đến hồi sinh
VHO - Nhằm bảo tồn và phát triển hệ thống chữ viết của cộng đồng Cơ Tu, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo công bố Bộ chữ viết Cơ Tu, với sự tài trợ của Quỹ Frostfondet (Na Uy).

Hội thảo do ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và TS Đặng Thị Phượng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học Việt Nam chủ trì. Sự kiện quy tụ đông đảo chuyên gia ngôn ngữ học, dân tộc học, cùng các cán bộ quản lý từ Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Quá trình hình thành chữ viết Cơ Tu
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, trong đó chữ viết Cơ Tu là một phần thiết yếu.
Ông khẳng định, việc xây dựng và chuẩn hóa bộ chữ viết này sẽ là nền tảng để đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục địa phương, giúp thế hệ trẻ Cơ Tu gìn giữ ngôn ngữ dân tộc.
Thông tin tại Hội thảo cho biết, từ năm 1956, Ban Cán sự miền Tây Quảng Đà đã giao nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống chữ viết Cơ Tu cho đồng chí Lê Hồng Mao (tên gọi Conh Ta Lăng trong cộng đồng Cơ Tu) dưới sự chỉ đạo của đồng chí Quách Xân (Conh Axơớp).
Thời kỳ đầu, chữ Cơ Tu được giảng dạy tại các trường Zhương (huyện Nam Giang), Za Hung (huyện Đông Giang), thôn T’ghêy, xã A Vương (huyện Tây Giang).
Thời điểm này, hệ thống chữ viết Cơ Tu được đưa vào giảng dạy tại trường Apăng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), dần hoàn thiện và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh leo thang, việc phổ biến chữ viết Cơ Tu còn mang một ý nghĩa đặc biệt: Trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả để đồng bào nhanh chóng tiếp cận thông tin cách mạng.
Cũng từ nhu cầu cấp thiết ấy, tờ báo Gung Dưr (Vùng lên) bằng chữ Cơ Tu ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi Quảng Nam. Báo giúp người Cơ Tu không chỉ học chữ mà còn nâng cao nhận thức, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau năm 1975, chữ viết Cơ Tu dần mai một, đặt ra thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản ngôn ngữ của cộng đồng này. Trước thực trạng đó, chính quyền và người dân miền núi Quảng Nam đã không ngừng tìm kiếm giải pháp để khôi phục và phát triển chữ viết Cơ Tu, đảm bảo giá trị văn hóa không bị lãng quên.
“Hệ thống chữ viết Cơ Tu ra đời là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của đồng bào. Người Cơ Tu gọi đây là chữ cách mạng, bởi chính nhờ cách mạng mà dân tộc Cơ Tu mới có chữ viết của riêng mình”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) chia sẻ về quá trình nghiên cứu, sưu tầm và chọn lọc nhằm xây dựng bộ chữ viết Cơ Tu tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao nỗ lực kế thừa và phát triển hệ thống chữ viết này từ các thế hệ trước; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện bộ chữ Cơ Tu, tạo nên một hệ thống thống nhất để ứng dụng rộng rãi trong đời sống, giáo dục và công tác bảo tồn văn hóa.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa Cơ Tu gắn với phát triển du lịch
Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam, sau khi bộ chữ Cơ Tu được hoàn thiện và chính thức công bố, Sở sẽ tiến hành khảo sát và xây dựng phương án triển khai giảng dạy. Mục tiêu là sớm phê duyệt chương trình để đưa chữ Cơ Tu vào các cấp học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết Cơ Tu. Nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia ngôn ngữ nhằm hoàn thiện bộ chữ này, từng bước đi vào giảng dạy chính thức.
Bên cạnh đó, các địa phương có đồng bào Cơ Tu sinh sống cũng tích cực phát huy giá trị chữ viết, khuyến khích cộng đồng nghiên cứu và gìn giữ. Một số huyện miền núi đã chủ động đưa chữ Cơ Tu vào chương trình giảng dạy và cấp chứng chỉ, đặc biệt dành cho cán bộ là người Kinh có nguyện vọng công tác lâu dài tại miền núi.
Điển hình, UBND huyện Tây Giang đã mở các lớp truyền giảng văn hóa Tiếng nói và chữ viết Cơ Tu dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị và trường học trên địa bàn.
Đây là một trong những bước đi quan trọng nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Bên cạnh việc khôi phục và phát triển chữ viết, tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, đặc biệt với sự hỗ trợ của Dự án 6 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ dự án, nhiều mô hình và chương trình bảo tồn đã được thực hiện, tiêu biểu như: Nâng cấp, cải tạo Làng truyền thống Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng tại thôn Pơr’ning và thôn Ta Lang (huyện Tây Giang); Hỗ trợ đầu tư, sửa chữa các hạng mục phục vụ du lịch tại thôn Aréh - Đhrồng; Tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và múa Tântung Dadắ - những di sản văn hóa quan trọng của người Cơ Tu tại huyện Đông Giang; Phục dựng lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tái hiện những nét đẹp văn hóa đặc sắc của cộng đồng…
Tháng 9.2024, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức tập huấn xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu trong đời sống văn hóa cơ sở tại xã Tà Bhing.
Chương trình không chỉ giúp đồng bào chọn lọc, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn hướng đến bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu.
Đặc biệt, các nội dung tập huấn còn trang bị kỹ năng tổ chức CLB văn hóa dân gian, hướng dẫn truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của người Cơ Tu.
Những học viên có năng khiếu về nghệ thuật trình diễn sẽ được lựa chọn để thành lập CLB văn nghệ truyền thống, góp phần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng.
Song song với các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, việc phát triển và đưa chữ viết Cơ Tu vào giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong hành trình bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp vừa là chìa khóa lưu giữ tri thức dân gian, phong tục tập quán và tinh thần của cộng đồng.
Thông qua những nỗ lực này, chính quyền và người dân không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo động lực để đồng bào Cơ Tu tự hào, gắn kết và phát triển cộng đồng trong thời kỳ hội nhập.