“Quả ngọt” từ những mô hình

THU HOÀI

VHO - Là một trong số 7 địa phương ở Quảng Nam được thụ hưởng Dự án 6 giai đoạn 2022-2025, thời gian qua huyện Nam Giang rất chú trọng đến công tác “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch”, điển hình là đã hỗ trợ phục dựng một số nghi thức truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing, thành lập thí điểm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở xã Tà Bhing... góp phần tạo thêm sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo cho mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại địa phương.

 “Quả ngọt” từ những mô hình - ảnh 1
Nghề dệt thổ cẩm tại làng du lịch Za Ra

 Tháng 1.2025, hợp tác xã (HTX) Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang là một trong 5 điểm đến của Việt Nam được trao Giải thưởng du lịch ASEAN 2025 ở hạng mục giải thưởng du lịch cộng đồng.

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, đây là lần thứ 2 HTX nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN sau lần đầu tiên được vinh danh vào năm 2019.

Với cách làm khác biệt, mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại huyện Nam Giang đã giúp người dân có thu nhập và bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa truyền thống.

Với lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân, đồng bào, các bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang định hướng phát triển các loại nông sản, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm và điều hành tour du lịch.

HTX đã góp phần đóng góp cho phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống cộng đồng, không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của địa phương để phát triển du lịch, tạo sự tương tác giữa cộng đồng địa phương với du khách...

Giải thưởng này là “quả ngọt” ghi nhận những nỗ lực, dấu ấn của cộng đồng người Cơ Tu ở Nam Giang trong việc bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương cũng như văn hóa truyền thống dân tộc gắn với du lịch dựa vào cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo thêm nhiều động lực để Nam Giang nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng dựa vào cộng đồng.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang, địa phương rất chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập, từ đó có động lực để giữ gìn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.

Bên cạnh thành công của HTX du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, địa phương cũng đã hỗ trợ thành lập HTX dệt thổ cẩm Za Ra tại xã Tà Bhing với lực lượng nòng cốt là các nghệ nhân nữ nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu, phục vụ du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân tại đây.

Điểm nhấn của mô hình là văn hóa cộng đồng kết hợp ẩm thực truyền thống và hoạt động lưu trú, khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu.

Thành công của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng thể hiện rõ nhất chính là đã bảo tồn tốt các giá trị văn hóa địa phương và những sinh hoạt mang tính chất cộng đồng.

 “Quả ngọt” từ những mô hình - ảnh 2
Phục dựng lễ cưới của người Cơ Tu tại xã Tà Bhing

Các nguồn lực địa phương được sử dụng trên nền tảng được tôn trọng, bảo tồn và cộng đồng địa phương là đối tượng hưởng lợi chính từ dự án mang lại. Đặc biệt, sự kết nối về văn hóa giữa các thế hệ với nhau cùng kế thừa truyền thống dân tộc nhằm kiến tạo một tương lai cho cộng đồng với sự tham gia tích cực của phụ nữ để mang đến công bằng xã hội.

Đồng bào Cơ Tu đã xây dựng các nhóm sáng kiến như trình diễn cồng chiêng, hát lý - nói lý, đan lát, nấu ăn… để phục vụ du khách, tạo thêm thu nhập từ việc bán các sản phẩm lưu niệm.

Lợi ích từ du lịch mang lại cũng được chia sẻ cho những người tham gia vào hoạt động đón khách bằng cách thành lập quỹ của cộng đồng, sử dụng vào những mục đích chung của cộng đồng.

Nhằm cụ thể hóa Dự án 6, HĐND huyện Nam Giang đã thông qua Đề án xây dựng làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến hơn 7,2 tỉ đồng. Đề án nhằm khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Tày, Nùng… sinh sống tại đây, nhất là nghệ thuật trống, chiêng kết hợp trình diễn đàn tính và các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số, nghi thức, nghi lễ truyền thống.Đồng thời mở rộng hoạt động du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

 “Quả ngọt” từ những mô hình - ảnh 3
Đại diện HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang tham dự không gian trưng bày tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất diễn ra tại Quảng Nam tháng 12.2024

Việc khảo sát, triển khai các làng du lịch cộng đồng tại Nam Giang cũng được nghiên cứu để xây dựng hành trình liên kết, thúc đẩy khai thác hiệu quả mô du lịch cộng đồng của địa phương, phục vụ nhu cầu trải nghiệm văn hóa, tham quan của du khách.

Đặc biệt, huyện Nam Giang định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa cộng đồng của từng điểm đến du lịch cộng đồng để tăng thêm đa dạng, đặc sắc nhằm thu hút, giữ chân du khách.

Cụ thể, năm 2023-2024 huyện đã tổ chức phục dựng một số nghi thức truyền thống như lễ mừng lúa mới của đồng bào Giẻ Triêng ở xã Đắc Tôi và xã Đắc Pre, lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở xã Tà Bhing, lễ cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu ở xã Zuôih.

Tổ chức 4 lớp truyền dạy kỹ năng sử dụng cồng, trống, chiêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, 1 lớp tập huấn truyền dạy hát lý - nói lý cho đồng bào Cơ Tu và Giẻ triêng.

Thời gian tới huyện Nam Giang sẽ tiếp tục mua sắm, trang bị bộ cồng trống, chiêng và âm thanh phục vụ cho hoạt động của nhà văn hóa các thôn; tiếp tục phục dụng một số nghi thức cho đồng bào Cơ Tu, Tày, Nùng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại Đồng Râm...