Nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ Tu

THU HOÀI

VHO - Nhằm triển khai hiệu quả các nội dung của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã phục dựng, tái hiện Nghi thức cúng đất lập làng độc đáo của người Cơ Tu, tạo thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn, giúp du khách có thêm trải nghiệm, khám phá văn hóa của cộng đồng nơi đây.

Nghi thức cúng đất lập làng của người Cơ Tu - ảnh 1
Tái hiện nghi thức cúng truyền thống

Theo nghệ nhân Bh’ling Hạnh (xã Zuôih, huyện Nam Giang), từ xa xưa khi một ngôi làng nào đó gặp phải sự cố, cuộc sống bị đe dọa bởi thiên tai, dịch bệnh… không thể ở lại vùng đất cũ, những già làng Cơ Tu sẽ bàn chuyện dời làng, tìm kiếm một vùng đất để lập làng mới, an cư, theo sự “sắp đặt” của Giàng. Chính vì thế, nghi thức cúng đất để xin phép thần linh chọn đất lập nên ngôi làng vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn, tồn tại của cộng đồng người Cơ Tu, biểu thị sự cầu mong, gửi gắm, lòng biết ơn đối với thiên nhiên, vạn vật và thần linh đã giúp đỡ, che chở để người Cơ Tu có thể vượt qua khó khăn trong lao động sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no, bình an.

Già làng có uy tín nhất được chọn thực hiện nghi thức sẽ tập hợp các trưởng tộc để bàn bạc, hỏi ý kiến thống nhất tìm đất lập làng mới. Sau khi tiếp thu ý kiến già làng sẽ quyết định chọn nơi đất mới. Khi chọn đất cúng làng mới, 4 trưởng tộc cầm theo 4 cái rựa giả đi trước để phát dọn tạm thời, sau đó mới quyết định địa điểm cúng chính thức. Mảnh đất được chọn phải có địa thế đẹp, rộng rãi, gần nguồn nước để sinh hoạt, sản xuất, có thế phòng thủ vững chắc để ngăn chặn những điều xấu, kẻ thù, thú dữ.

Khi bắt đầu nghi lễ cúng làng mới, già làng và các trưởng tộc sẽ mặc trang phục làm từ vỏ cây, ngồi vòng tròn và vẽ xuống đất hình chữ U theo nghi thức một bên thân đất thân trời, một bên con người của làng. Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, già làng vẽ hình cánh cung xác định vị trí của ngôi làng, lần lượt phân chia từng điểm dựng nhà, khu vực nhà Gươl để dân làng nhận biết, cả làng bắt tay vào việc dựng làng mới.

Khu vực nhà Gươl - nhà chung của cộng đồng được chọn ở vị trí trung tâm của làng, xung quanh là nhà tộc họ, sau nữa mới đến nhà dân cư thường được dựng sau cùng. Sau khi làng mới được lập nên, các trưởng tộc thực hiện nghi thức cúng nhà, cúng gươl, tạ ơn thần linh. Đêm đầu tiên ở làng mới, cả làng cùng hát lý, đánh trống chiêng, múa hát mừng làng mới, nhà mới, cầu mong có được cuộc sống no ấm, yên bình.

Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Giang cho biết: “Nghi thức cúng đất lập làng là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu ở Nam Giang. Trong những năm qua, địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Huyện Nam Giang đã chủ trương vận động những già làng, nghệ nhân lưu truyền, ghi chép lại những giá trị tốt đẹp của nghi thức chọn đất lập làng để tuyên truyền cho con cháu tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc tốt đẹp của đồng bào”.