Sắc màu văn hóa trong mâm cơm của người Cơ Tu

MINH CHÂU

VHO - Trong những dịp hội làng trọng đại, mâm cơm cúng trời đất, ông bà tổ tiên được người Cơ Tu (Hòa Vang, Đà Nẵng) dày công tỉ mỉ chuẩn bị từ lúc mặt trời còn chưa tỏ. Mâm cơm thể hiện lòng thành kính và cũng là nét đẹp văn hóa, ẩm thực truyền thống mà các thế hệ đồng bào đang nỗ lực bảo vệ, phát huy trong dòng chảy hiện đại .

Sắc màu văn hóa trong mâm cơm của người Cơ Tu - ảnh 1
Mâm cơm cúng với đủ các thành phần “trên rừng dưới biển” của bà con Cơ Tu, huyện Hòa Vang

Năm nay, Ngày hội Văn hóa - Thể thao người Cơ Tu được tổ chức tại nhà Gươl thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn. Bên cạnh phần lễ, đến với phần hội, người dân, du khách được hòa mình vào trò chơi dân gian quen thuộc như kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo... Đây cũng là dịp những già làng xã Hòa Bắc truyền dạy điệu hát lý, nói lý mag đậm bản sắc người Cơ Tu cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, ẩm thực là một trong những yếu tố không thể thiếu để làm nên linh hồn của lễ hội.

Văn hóa ẩm thực được địa phương xác định là yếu tố then chốt trong việc thu hút du lịch cộng đồng. Tùy theo đặc trưng của từng lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm không gian ẩm thực với các món ăn đặc trưng như: Ốc đá, cơm lam, cá niên, bánh sừng trâu, lá sắn xào, rau dớn, bắp nướng, thịt nướng... Dù hơi thở hiện đại đã len lỏi ít nhiều vào đời sống của bà con, nhưng trong những dịp trọng đại, họ vẫn dùng phương pháp cổ xưa để nấu nướng, chế biến thức ăn. Ví dụ như những món nấu bằng ống tre, nướng trên lửa đỏ cho ra hương vị thơm ngon, nhưng cách này chỉ được áp dụng khi đi rừng hoặc chế biến các món đặc biệt hoặc phục vụ nghi lễ.

Sắc màu văn hóa trong mâm cơm của người Cơ Tu - ảnh 2
Đồng bào Cơ Tu bên mâm cơm cúng trời đất

Là người luôn có mặt tham gia những mâm cơm lễ trong ngày hội làng, chị Trần Thị Một (Ban Công tác Mặt trận thôn Giàn Bí) chia sẻ, cứ vào dịp này hằng năm, bà con dân bản lại hào hứng “trổ tài” bếp núc theo sở trường của mình. “Ai ai cũng phấn khởi và hoan hỉ, vì đây là ngày hội lớn để tụ họp, đoàn kết, đông vui. Tất cả các nguyên liệu đều được lấy từ tự nhiên. Để mỗi món ăn được chế biến đủ tiêu chuẩn và ngon lành, từ sáng sớm, bà con trong thôn đã mỗi người một tay một chân, người bắt ốc, bắt cá, người nhóm lửa nấu cơm. Mâm cơm với đủ thành phần, rực rỡ sắc màu sẽ là hình ảnh đẹp nhất để giới thiệu văn hóa của dân tộc Cơ Tu đến với du khách, đồng thời lan tỏa ý nghĩa của việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, để thế hệ trẻ trong làng biết nỗ lực phát huy, đừng để mai một trong tương lai”, chị Trần Thị Một tâm sự.

Không chỉ đồ ăn, rượu cũng là thành phần không thể thiếu trong những ngày hội làng. Mâm cơm năm nay của bà con có rượu tà vạt. Anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết: “Những giọt rượu tà vạt được lấy từ loài cây cùng tên ở rừng Hòa Bắc. Ngoài việc có ý nghĩa nhất định trong mâm cơm cúng, tà vạt cũng là sản phẩm độc đáo để giới thiệu tới du khách. Cây tà vạt được người dân ươm trồng dọc sông Cu Đê và sinh trưởng tốt, giúp bà con có thêm sinh kế và trở thành sản phẩm ẩm thực đặc trưng”.

Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân nhìn nhận, với sự nỗ lực của chính quyền và đồng bào, những nét văn hóa truyền thống quý giá của người Cơ Tu đã không còn là “của riêng” mỗi hộ gia đình mà trở thành nguồn lực dồi dào để phát triển du lịch. Trong mạch nguồn văn hóa đó, ẩm thực như dòng chảy trường tồn, được gìn giữ và chuyển giao qua nhiều thế hệ.

Đặc biệt vài năm gần đây, câu chuyện bảo tồn đặc sản cá niên cũng đã có những tín hiệu tích cực. Lực lượng chức năng địa phương và tổ cộng đồng bảo vệ cá niên đã phối hợp quản lý, kiểm soát các đối tượng đánh bắt tận diệt. Sau thời gian suy giảm số lượng do nhiều yếu tố, loài cá này đã xuất hiện nhiều hơn trên các sông, suối ở thượng nguồn Cu Đê. Đây là tín hiệu vui trong việc gìn giữ và phát huy đặc sản địa phương, làm phong phú thêm câu chuyện về ẩm thực của đồng bào Cơ Tu. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc