Văn hóa Cơ Tu bừng sáng qua lễ hội Nhập làng

KHÁNH CHI

VHO - Vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã phối hợp cùng UBND xã Bha Lêê tổ chức Lễ hội Nhập làng của người Cơ Tu tại thôn Ta Lang. Đây là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.

Văn hóa Cơ Tu bừng sáng qua lễ hội Nhập làng - ảnh 1
Du khách được bà con làm lễ Nhập làng rất trang trọng

 Ông Plăng Bưng, cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Tây Giang cho biết, Nhập làng là một trong những nghi lễ văn hóa quan trọng trong đời sống của dân tộc Cơ Tu. Không chỉ thể hiện văn hóa chào hỏi trong giao tiếp, mà còn mang ý nghĩa cầu bình an và sức khỏe. Nó cũng thể hiện sự hiếu khách đầy tính nhân văn, cao đẹp của đồng bào Cơ Tu, thắt chặt thêm sự đoàn kết giữa các cộng đồng bản làng với nhau, và cao hơn là với du khách, bạn bè gần xa.

Giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

Thôn Ta Lang được chọn triển khai Dự án 6, thực hiện tổ chức bảo tồn một số lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Tây Giang, gắn với khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng. Do đó, địa phương đã tái hiện, bảo tồn nghi lễ văn hóa này để đón du khách khi đến trải nghiệm du lịch tại địa phương. Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, giáo dục con cháu gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển bền vững.

Nghi lễ Nhập làng được tổ chức theo các nghi thức truyền thống. Khi có khách đến, già làng sẽ đeo cho khách một chiếc vòng bằng tre lên đầu, rồi mời họ đi qua cổng bằng vải thổ cẩm được dân làng giơ lên cao và bước qua thanh tre chứa các loại nước đã cúng cho Thần linh. Lúc này, khách đã được xem là bạn tốt của dân làng, là người con của núi rừng Tây Giang, cùng hòa mình vào văn hóa cộng đồng, cùng hát, múa “tâng tung da dá” với đồng bào. Trong khuôn khổ lễ hội, thôn Ta Lang còn tổ chức lễ mừng Gươl mới, dựng cây nêu và quây quần bên nhau đánh trống, đánh chiêng, tưng bừng trong những điệu dân ca, dân vũ...

Văn hóa Cơ Tu bừng sáng qua lễ hội Nhập làng - ảnh 2
Lễ mừng Gươl mới

Qua chương trình lễ hội, địa phương mong muốn cộng đồng nhân dân thôn Ta Lang phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua trong lao động sản xuất, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục con cháu nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu gắn với phát triển du lịch.

Việc tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm, chú trọng phát triển các sản phẩm văn hóa, mặt hàng nông sản địa phương để làm quà lưu niệm bán cho du khách, góp phần tạo thu nhập, phát triển kinh tế địa phương ngày càng hiệu quả và bền vững…

Bhalêê là một trong 8 xã biên giới của huyện Tây Giang. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện và sự đoàn kết của toàn thể cán bộ, nhân dân trong xã, Bhalêê đã từng bước xây dựng và phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc. Trật tự, an ninh xã hội, biên giới luôn được giữ vững, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được quan tâm, gìn giữ và phát huy. Đến nay, 7 thôn của xã đều được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa; có 7 CLB trình diễn trống, chiêng và múa “tâng tung da dá” của thôn và 1 CLB trình diễn trống, chiêng, múa của xã.

Văn hóa Cơ Tu bừng sáng qua lễ hội Nhập làng - ảnh 3
Sau phần lễ Nhập làng theo nghi thức truyền thống, đồng bào cùng du khách tham gia các trò chơi dân gian truyền thống

Bhalêê cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, nơi có đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, gần địa điểm Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Vùng đất này còn bảo lưu khá nguyên vẹn các giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là sự hiếu khách, tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa bản địa đặc trưng, độc đáo có thể phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Năm 2019, thôn Ta Lang được huyện và Dự án Trường Sơn xanh chọn để xây dựng và phát triển làng du lịch cộng đồng, đồng thời được Hiệp hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam trao tặng danh hiệu Làng Du lịch cộng đồng tiêu biểu. Năm 2022, với sự hỗ trợ từ Dự án 6, Ta Lang được đầu tư xây dựng Nhà trưng bày và khu đón tiếp khách theo kiến trúc nhà sàn truyền thống. Hiện nay, làng Ta Lang là một trong những điểm đến tại miền núi Quảng Nam được du khách quốc tế và các công ty lữ hành đánh giá cao. Làng định hướng phát triển du lịch dựa trên văn hóa bản địa độc đáo. Để bảo tồn và phát huy lễ hội văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch đạt kết quả, địa phương cũng xác định gắn bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống với phát triển du lịch, phát huy các giá trị văn hóa làng, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn xã…

Được biết, trong khuôn khổ Dự án 6, huyện Tây Giang đã triển khai nâng cấp và cải tạo Làng Truyền thống Cơ Tu Tây Giang, Làng Văn hóa - Du lịch Cộng đồng thôn Pơr’ning (xã Lăng) và thôn Ta Lang (xã Bha Lêê).