Phát triển du lịch bền vững từ di sản văn hóa Cơ Tu

KHÁNH CHI

VHO - Là một trong bảy huyện miền núi hưởng lợi từ Dự án 6 giai đoạn 2022-2025 tại tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, kết hợp với phát triển du lịch. Đặc biệt, huyện đã thực hiện nâng cấp và cải tạo Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng tại thôn Ta Lang (xã Bha Lêê), thôn Pơr’ning (xã Lăng) và Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang…

Phát triển du lịch bền vững từ di sản văn hóa Cơ Tu - ảnh 1
Dựng cây nêu trong lễ hội Nhập làng

 Song song với đó, công tác bảo tồn và tổ chức nghi thức lễ hội Nhập làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại thôn Ta Lang được chú trọng, phát triển thành sản phẩm văn hóa du lịch, góp phần thu hút du khách đến với địa phương.

Du lịch sinh thái gắn liền với văn hóa làng

Xã Bha Lêê, một trong tám xã biên giới của huyện Tây Giang, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Vùng đất này không chỉ nổi bật với truyền thống cách mạng mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo, gắn liền với những địa danh lịch sử như dòng sông Chơr’lang, thác suối R’cung và con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Bên cạnh đó, khu vực này còn gần Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Đồng bào Cơ Tu ở đây vẫn gìn giữ gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, đặc biệt là truyền thống hiếu khách. Chính những yếu tố này đã tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Từ năm 2019, thôn Ta Lang đã được huyện Tây Giang cùng với Dự án Trường Sơn xanh và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam lựa chọn làm mô hình thí điểm để xây dựng du lịch sinh thái cộng đồng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng thôn Ta Lang ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, được các công ty lữ hành đánh giá cao. Mô hình này cũng vinh dự nhận danh hiệu “Làng Du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019” từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhờ những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, tổ chức và phát triển.

Từ năm 2022, với sự hỗ trợ từ Dự án 6, Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng thôn Ta Lang tiếp tục được huyện quan tâm đầu tư xây dựng Nhà trưng bày, tạo không gian đón tiếp khách theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Không chỉ riêng thôn Ta Lang, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cùng sự hỗ trợ từ Dự án 6 và tinh thần đoàn kết của cán bộ, nhân dân, xã Bha Lêê đã từng bước phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đến nay, cả 7 thôn của xã đều đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa nhà Gươl truyền thống, hình thành 7 CLB biểu diễn chiêng, trống và múa Tung tung da dá, 1 CLB biểu diễn trống, chiêng và múa Tung tung da dá của toàn xã.

Bảo tồn và phát huy nghi lễ Nhập làng như một sản phẩm du lịch

Nhằm bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa dân gian phục vụ công tác phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, xã đã xác định rõ trong chiến lược phát triển kinh tế tương lai là gắn kết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Mục tiêu là tôn vinh văn hóa làng và các lễ hội truyền thống của dân tộc Cơ Tu, góp phần phát triển du lịch bền vững và độc đáo cho địa phương.

Đầu tháng 12 năm 2024, trong khuôn khổ Dự án 6, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang đã phối hợp với UBND xã Bha Lêê tổ chức lễ hội Nhập làng của người Cơ Tu tại thôn Ta Lang.

Ông Plăng Bưng, cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Tây Giang cho biết: Nhập làng là một trong những nghi lễ văn hóa quan trọng của dân tộc Cơ Tu. Nghi lễ này thể hiện tinh thần chào đón, cầu mong bình an và sức khỏe, đồng thời phản ánh truyền thống hiếu khách đầy nhân văn và cao đẹp của người Cơ Tu. Nó cũng góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các cộng đồng làng và mở rộng mối quan hệ gắn kết với du khách, bạn bè gần xa.

Ngày nay, thôn Ta Lang được chọn triển khai Dự án 6 để tổ chức bảo tồn một số lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang, kết hợp với việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, địa phương đã tổ chức tái hiện và bảo tồn nghi lễ văn hóa này như một cách để chào đón du khách từ xa đến trải nghiệm và khám phá văn hóa địa phương. Nghi lễ Nhập làng không chỉ là biểu tượng của văn hóa hiếu khách, mà còn là lời cầu mong bình an cho mọi người.

Trong khuôn khổ Lễ hội, thôn Ta Lang còn tổ chức lễ mừng Gươl mới, dựng cây nêu và quây quần bên nhau cùng đánh trống, chiêng và múa Tung tung da dá, chào đón Gươl mới với không khí vui tươi, đoàn kết.

Lợi ích cộng đồng là ưu tiên hàng đầu

Tinh thần đoàn kết và cấu trúc cộng đồng trong văn hóa làng Cơ Tu là nét đặc sắc của làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng Ta Lang. Với người dân Ta Lang, từ khi chuyển sang làm du lịch, tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, vốn là nét văn hóa truyền thống, đã trở thành cách thức ứng xử trong việc tiếp đón du khách.

Ông A Lăng Hơn, một người dân tại Ta Lang chia sẻ: Mỗi khi có khách đến làng, mọi người đều vui mừng. Ai cũng được đón tiếp bằng nghi thức Nhập làng và trở thành khách quý của cộng đồng. Cả già, trẻ, trai, gái đều tham gia đón tiếp, phân công công việc để phục vụ du khách một cách chu đáo.

Bà con cùng nhau chế biến những món ăn truyền thống từ nguyên liệu do chính họ trồng trọt, mời khách thưởng thức trong không gian ấm cúng của nhà Gươl. Các nghệ nhân và những người trẻ sẽ trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, tạo cơ hội để thế hệ đi trước truyền lại cho lớp trẻ những giá trị văn hóa quý báu.

Cùng với sự phát triển du lịch, nhờ sự hỗ trợ từ Dự án 6, cơ sở hạ tầng và nhà Gươl của thôn đã được nâng cấp, trở nên khang trang hơn. Người dân cũng có thêm thu nhập từ việc bán hàng lưu niệm và cung cấp các dịch vụ cho du khách.

Lấy văn hóa Cơ Tu làm nền tảng, thôn Ta Lang phát triển du lịch sinh thái dựa trên những giá trị riêng độc đáo của dân tộc mình. Mô hình du lịch này không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa mà còn bảo tồn, giữ gìn những nét đặc trưng của cộng đồng. Chính sự kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ bản sắc đã tạo nên một hướng đi du lịch bền vững, độc đáo tại Ta Lang.