Giữ gìn văn hóa Cơ Tu từ cộng đồng đến gia đình:

Hướng đến tương lai bền vững

NGỌC HÀ

VHO - Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” đã được triển khai.

Đây là nỗ lực chung tay giữa chính quyền và người dân, nhằm bảo vệ những giá trị quý báu của cộng đồng. Qua đó, tạo dựng nền tảng vững chắc, không chỉ trong hiện tại mà còn để truyền lại cho các thế hệ tương lai, giúp mỗi gia đình và cộng đồng Cơ Tu duy trì bản sắc và phát triển bền vững.

Hướng đến tương lai bền vững - ảnh 1
Lễ hội của đồng bào Cơ Tu huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng

 Đồng bào Cơ Tu khẳng định bản sắc văn hóa

TP Đà Nẵng hiện có 1.198 người dân tộc Cơ Tu sinh sống, chủ yếu tại thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang.

Những năm qua, cộng đồng người Cơ Tu, cùng với chính quyền địa phương, đã không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao, mở rộng giao lưu học hỏi, làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc...

Trong các sự kiện lớn, nghề truyền thống của người Cơ Tu như dệt vải, làm bánh, ẩm thực, trang phục luôn được tái hiện và gìn giữ. Những điệu hát Cơ Tu vẫn vang lên trong các sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới và kết nghĩa ăn thề, những điệu hát lý, tiếng cồng chiêng và trống vang vọng trong không gian nhà Gươl, Tung Tung Zá Zá, tạo nên không khí đậm đà bản sắc.

Năm 2023, theo nhiệm vụ trong Đề án, Sở VHTT Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp với các xã Hòa Bắc và Hòa Phú tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tổng quan giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Công tác khảo sát bao gồm việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể, đời sống mưu sinh, thiết chế xã hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, lễ hội, nghề thủ công và tri thức dân gian.

Đồng thời, khảo sát cũng thu thập ý kiến về những biến đổi văn hóa, nguyện vọng của đồng bào và các cấp quản lý địa phương về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cơ Tu.

Đại diện lãnh đạo Phòng VHKHTT huyện Hòa Vang cho biết, từ khi UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án, đồng bào Cơ Tu tại địa phương đã có nhiều cơ hội để phục dựng các lễ hội, tổ chức liên hoan văn hóa, thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi, từ đó làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống của mình.

Đề án đã giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống và tạo cơ hội để cộng đồng Cơ Tu được đông đảo công chúng biết đến như một phần không thể thiếu trong sự đa dạng văn hóa của TP Đà Nẵng, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc…

Sắp tới, huyện Hòa Vang sẽ tổ chức Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu năm 2025, nhằm tăng cường giao lưu cộng đồng, làm giàu thêm vốn văn hóa của đồng bào và thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương.

Sự kiện cũng sẽ được tổ chức để chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Dự kiến, chương trình sẽ được tổ chức vào tháng 4.2025 tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, với sự tham gia của bà con đồng bào Cơ Tu từ các xã trong khu vực.

Tiếp sức cho bà con Cơ Tu phát huy nét đẹp truyền thống

Nhằm hỗ trợ đồng bào bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Sở VHTT Đà Nẵng đã chủ trì nhiều chương trình thiết thực, bao gồm: Xây dựng nội dung và xuất bản tài liệu Văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu TP Đà Nẵng - Cội nguồn, giá trị, hội nhập và phát triển; triển khai xây dựng dữ liệu hóa các yếu tố văn hóa vật thể như kiến trúc, trang phục, nghệ thuật, ẩm thực và văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ Tu.

Các dữ liệu đa phương tiện cùng xuất bản phẩm Khám phá văn hóa Cơ Tu Đà Nẵng cũng đã hoàn thành, nhằm giới thiệu sâu rộng về nền văn hóa này.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ Tu, vào tháng 2.2025, UBND huyện Hòa Vang đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ Tu.

Kế hoạch này bao gồm nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn kỹ năng cho các câu lạc bộ/đội nghệ thuật truyền thống, khuyến khích xây dựng nhà ở theo mô típ kiến trúc truyền thống, tổ chức lớp dạy sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ Tu và tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em Cơ Tu.

Thêm vào đó, huyện cũng sẽ mở lớp dạy tiếng Cơ Tu cho giáo viên và công chức, viên chức đang giảng dạy tại các trường học vùng Cơ Tu.

Các hỗ trợ khác bao gồm cung cấp trang phục truyền thống cho học sinh và giáo viên tại các trường học vùng Cơ Tu, xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống tại tất cả các thôn Cơ Tu, với việc mua sắm trang thiết bị, trang phục, truyền dạy dân ca, dân vũ và nhạc cụ.

Hỗ trợ nghệ nhân, người nắm giữ di sản trong việc lưu truyền và phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống cũng được đặc biệt chú trọng, với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận, đồng thời xây dựng chương trình dạy di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh dân tộc Cơ Tu trong các trường học của huyện Hòa Vang…

Tuy nhiên, theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại huyện Hòa Vang hiện vẫn gặp không ít khó khăn: “Nguyên nhân chính là do cộng đồng người Cơ Tu tại đây ít và phân bố ở hai khu vực cách biệt hoàn toàn với các cộng đồng Cơ Tu khác trong khu vực miền Trung. Điều này khiến các hoạt động bảo tồn văn hóa chỉ mới được tổ chức riêng cho bà con và chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi từ các dân tộc khác. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập văn hóa và sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế đã đặt các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào trước nguy cơ mai một, công tác bảo tồn thiếu tính bền vững khi đối diện với những giá trị văn hóa mới”.

Ông Đỗ Thanh Tân, nguyên Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang, là người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Tu nhận định: “Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng Cơ Tu hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ trước mắt là sự thất truyền và mai một của các di sản văn hóa, phong tục, lễ hội trong bối cảnh sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ”.

Năm 2025, tiếp tục triển khai những giải pháp thiết thực trong “Đề án xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số TP Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030”, Sở VHTT Đà Nẵng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng để thu hút sự tham gia của đồng bào; mở các khóa tập huấn về công tác bảo tồn và hướng dẫn kỹ năng thực hành các giá trị truyền thống Cơ Tu (bao gồm âm nhạc, dân ca, điêu khắc và nghề truyền thống); tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam TP Đà Nẵng năm 2025; hoàn thành hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống cho các thôn Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc.

Cũng trong kế hoạch, việc hỗ trợ thiết bị thể thao truyền thống và hiện đại cho ba thôn này sẽ được triển khai, đồng thời xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa gắn liền với du lịch cộng đồng.