TP.HCM có hai bảo tàng độc đáo

THÙY TRANG

VHO - TP.HCM vừa đưa vào hoạt động hai điểm tham quan văn hóa du lịch - hai thiết chế văn hóa độc đáo là Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn và Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam.

Cả hai đều là bảo tàng tư nhân, nằm trong hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng, hiện đang lưu giữ và trưng bày hàng ngàn cổ vật, hiện vật mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử dân tộc.

 TP.HCM có hai bảo tàng độc đáo - ảnh 1

 Không gian trưng bày trang phục và trang sức của Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam

 Giới thiệu các cổ vật, hiện vật quý đến với công chúng

Chia sẻ về lý do thành lập bảo tàng, ông Đỗ Hùng, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: Việt Nam với 54 dân tộc anh em là một kho tàng di sản về văn hóa nhân học, phản ánh rất nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Trong nền văn hóa chung ấy, mỗi dân tộc lại có một tinh hoa riêng, và trang sức, trang phục là yếu tố phản chiếu quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán của tộc người ấy.

Bên cạnh đó, đất nước chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với các triều đại, trong đó nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng, có ý nghĩa lịch sử quan trọng và để lại rất nhiều di sản, tài liệu về văn hóa - nghệ thuật vô cùng độc đáo. Trên thế giới, văn hóa cung đình là văn hóa đại diện, tập trung tinh hoa cũng như đẳng cấp về văn hóa - nghệ thuật. Việt Nam cũng như vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị di sản văn hóa là việc làm rất cấp thiết…

“Tôi đặt mình là một người Việt Nam có sứ mệnh phải giữ gìn, phát huy bằng cách giới thiệu các cổ vật, hiện vật quý đến với công chúng. Chính vì vậy, tôi thành lập Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn, với mong muốn đây sẽ là cánh tay nối dài của nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc”, ông Đỗ Hùng nói.

Với hơn 30 năm sưu tầm và nghiên cứu cổ vật, ông Đỗ Hùng cảm nhận được mỗi hiện vật đều chứa đựng những yếu tố về nghệ thuật, lịch sử cùng câu chuyện thú vị gắn liền. Ông và ê kíp đã mất hơn 6 tháng để thi công thực hiện hai bảo tàng này với chi phí ban đầu khoảng hơn 15 tỉ đồng. Hai bảo tàng tọa lạc tại tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Trong đó, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam đặt tại không gian tầng trệt, còn Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn đặt tại tầng 8 và 9.

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày hiện vật gồm các bộ trang sức, trang phục, dụng cụ chế tác trang sức… thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam. Có dân tộc chế tác rất cầu kỳ, có dân tộc lại thiên về sự mộc mạc của núi rừng hoặc nghiêng về thi ca…

Ông Đỗ Hùng cho biết thêm: “Hơn 100 năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện các công trình nghiên cứu về sự đa dạng văn hóa dân tộc ở Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng biệt như tín ngưỡng, tập quán, sinh hoạt, nhà ở, lễ hội, ẩm thực và nghệ thuật đặc trưng. Chính vì sự đa dạng phong phú ấy, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam ra đời với các hiện vật gốc và trang sức có niên đại hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ XX của 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S. Mục đích là giới thiệu, phản ánh 54 sắc thái văn hóa đan xen, sống động, mỹ lệ và đa dạng hội tụ của các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế”.

Còn Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những hiện vật của hoàng tộc nhà Nguyễn, từ những món đồ trang sức, thú vui của hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến những món đồ giá trị phục vụ cho việc vận hành triều chính…

 TP.HCM có hai bảo tàng độc đáo - ảnh 2

Du khách tham quan các hiện vật tại Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn

Tạo điều kiện nghiên cứu về dân tộc học và cung đình triều Nguyễn

Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, tồn tại suốt 143 năm, được thành lập sau khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Triều Nguyễn đánh dấu một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp vào giữa thế kỷ XIX.

Được biết, hàng ngàn cổ vật, hiện vật trưng bày trong hai bảo tàng được ông Đỗ Hùng sưu tầm và mua lại từ nhiều nguồn khác nhau. Những hiện vật quý giá thường được người nước ngoài sở hữu, ông phải mua đấu giá chủ yếu từ Pháp. Đặc biệt, lần ra mắt này có những cổ vật của vua Kiến Phúc (trị vì từ năm 1883-1884) vừa được ông Hùng đấu giá về và trưng bày trong Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn.

“Tại vị trí đất vàng của thành phố, không gian bị giới hạn khá nhiều, để xây dựng được một bảo tàng vừa có tính sáng tạo vừa đáp ứng nhu cầu cho du khách thuận tiện tham quan trong một không gian nghệ thuật và tìm hiểu văn hóa là điều không hề dễ dàng, nhất là khi thời gian triển khai ngắn”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Chia sẻ về việc ra đời hai bảo tàng độc đáo, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế phấn khởi bày tỏ: “Trong mạng lưới các bảo tàng của TP.HCM, kể cả bảo tàng công lập và ngoài công lập, sự ra đời của Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn và Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam cho thấy chúng ta đã được bổ sung các điểm văn hóa, điểm tham quan du lịch cho du khách và cộng đồng cư dân tại địa phương. Như vậy, TP mang tên Bác đã được bổ sung thêm các thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống thiết chế ngoài công lập”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng đánh giá cao sự xuất hiện của hai bảo tàng. Ông nói: “Với kết quả sưu tầm phong phú, kỳ công trong hơn 30 năm qua, việc nhà sưu tầm Đỗ Hùng mở ra các bảo tàng vô cùng độc đáo, giá trị, tôi thấy rất đáng trân trọng, hoan nghênh. Tại TP.HCM đã có thêm hai bảo tàng với khá đầy đủ các hiện vật, tạo điều kiện cho công tác tham quan, nghiên cứu về hai nội dung rất quan trọng là dân tộc học và cung đình triều Nguyễn”.