Khánh Hòa:

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang

XUÂN HƯỚNG

VHO - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Quyết định số 1641/QĐ -UBND xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang (gồm 5 ngôi biệt thự Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng) tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nhá Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang - ảnh 1
Toàn cảnh Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh biệt thự Cầu Đá Nha Trang trên núi Cảnh Long

 UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở VHTT, UBND TP Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, UBND phường Vĩnh Nguyên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan khác.

Theo hồ sơ lưu giữ tại Trung tâm Di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: Biệt thự Cầu Đá nằm sát cảng biển Cầu Đá của Nha Trang nên nhân dân địa phương quen gọi là Biệt thự Cầu Đá.

Các biệt thự được người Pháp đặt theo các loài cây, loài hoa trồng xung quanh mỗi biệt thự, thứ tự từ phía đông vào: Biệt thự đầu tiên là “Les Agaves” - Xương Rồng; biệt thự thứ hai “Les Frangipaniers” - Bông Sứ; biệt thự thứ ba “Les Flamboyants” - Phượng Vỹ; biệt thự thứ tư “Les Bouguinvillés” - Bông Giấy; biệt thự thứ năm “Les Badamniers” - Cây Bàng.

Biệt thự Cầu Đá nằm trên núi Cảnh Long, TP Nha Trang có bốn ngọn núi được mệnh danh là “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ” tạo nên linh khí cho vùng đất này. Có nghĩa là bốn mặt đều là nước bao bọc và bốn ngọn núi như bốn con linh vật hợp lại giữ gìn linh khí cho mảnh đất Nha Trang.

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang - ảnh 2

 Núi Cảnh Long là “Thanh long hí thủy” (Rồng xanh giỡn nước), Hòn Sinh Trung là “Bạch tượng quyện hồ” (Voi trắng cuốn hồ), Đồi trại thủy là “Ngọc bích hàm hoàn” (Dơi ngọc ngậm vòng” và Đồi Hoa Sơn là “Kim quy đới tháp” (Rùa vàng đội tháp).

Biệt thự Cầu Đá được xây dựng trên núi Cảnh Long, vì núi chạy dài từ Cửa Bé ra Cầu Đá dọc theo mé biển và đến Cầu Đá núi lại chạy thẳng ra biển, nên gọi là “Thanh Long hí thủy”, nghĩa là Rồng xanh giỡn nước.

Biệt thự Cầu Đá được một số nhà khoa học người Pháp chọn núi Cảnh Long để xây dựng cơ sở nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và nguồn lợi cá nhằm phục vụ cho nghề cá Đông Dương. Ngày 14.9.1922, Toàn quyền Đông Dương thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương.

Năm 1923, Tiến sỹ Armand Krempt - nhà nghiên cứu Sinh học, Giám đốc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đã cho xây dựng 5 tòa biệt thự dùng làm nơi ăn ở, nghỉ dưỡng cho các nhà khoa học của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (nay là Viện Hải dương học Nha Trang) ở và làm việc lúc bấy giờ. Khi đó, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học về sinh vật biển lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang - ảnh 3
Các biệt thự đã được trùng tu

 Người đầu tiên ở biệt thự Xương Rồng là tiến sỹ A.Krempt, người Pháp gốc Đức. Ông là người chỉ huy thực hiện đề án thiết kế xây dựng Sở Hải dương học nghề Cá Đông Dương tại núi Cảnh Long (người địa phương gọi là núi Chụt).

Sau khi vua Bảo Đại lên ngôi được người Pháp giao cho ông sử dụng biệt thự Xương Rồng và biệt thự Bông Sứ. Do đó, biệt thự Xương Rồng và biệt thự Bông Sứ là nơi Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương nghỉ dưỡng mỗi khi đến Nha Trang, cho nên người dân địa phương thường gọi là Lầu Bảo Đại.  Riêng ba biệt thự Cây Bàng, Phượng Vỹ và Bông Giấy vẫn được Sở Hải dương học nghề Cá Đông Dương (nay là Viện Hải dương học) sử dụng từ đó đến năm 1975.

Năm 1950, chính quyền Pháp cho tu sửa biệt thự Cầu Đá, đường đi, thiết lập lại mạng lưới điện và chuẩn bị vị trí neo thuyền ở biệt thự Cầu Đá  và Pháp vẫn giao cho Bảo Đại tiếp tục sử dụng biệt thự Xương Rồng và biệt thự Bông Sứ.

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang - ảnh 4
Một thời các biệt thự là nơi nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương

 Sau năm 1954, biệt thự Xương Rồng và biệt thự Bông Sứ được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng, hai tòa biệt thự được đổi tên, biệt thự Xương Rồng đổi tên thành Nghinh Phong và biệt thự Bông Sứ đổi tên thành Vọng Nguyệt.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả năm biệt thự của di tích Biệt thự Cầu Đá được quy hoạch sử dụng thành khu nghỉ mát du lịch cho du khách trong và ngoài nước.

Từ năm 1975 đến 1994, Biệt thự Cầu Đá do Ban Tài chính Trung ương quản lý và sử dụng. Từ năm 1994 đến 2002, Biệt thự Cầu Đá do Ban Tài chính Tỉnh ủy quản lý và sử dụng (trong đó có giao cho Công ty Cung ứng tàu biển Nha Trang quản lý).

Từ năm 2002, biệt thự Cầu Đá do Tổng Công ty Khánh Việt quản lý và sử dụng. Sau đó, Tổng Công ty Khánh Việt liên doanh với Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà trực tiếp quản lý và khai thác sử dụng biệt thự Cầu Đá. Trong quá trình sử dụng, các đơn vị chủ quản đã tiến hành cải tạo các nhà biệt thự phục vụ du lịch.

Cuối năm 2013, tỉnh Khánh Hòa giao 13,6ha đất (gồm 8,9ha đất di tích biệt thự Cầu Đá và núi Cảnh Long; còn lại là diện tích mặt biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang) cho Công ty cổ phần đầu tư Khánh Hà thực hiện Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại (Bảo Đại resort Nha Trang). Mục tiêu dự án lúc đó là xây dựng nơi này thành khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khách sạn cho thuê, các biệt thự cho thuê dài hạn hoặc bán.

Xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật đối với biệt thự Cầu Đá Nha Trang - ảnh 5
Điểm di tích này có thời gian là nơi đón nhiều du khách đến tham quan 

 Còn 5 biệt thự cổ trên cũng thuộc sở hữu của dự án Bảo Đại resort Nha Trang và doanh nghiệp sẽ cải tạo để cho thuê, phục vụ kinh doanh du lịch. Sau đó dự án bị chậm tiến độ, bên trong vẫn còn dang dở, một số công trình xây được phần thô rồi dừng thi công.

Ngày 19.5.2023, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1125/QĐ-UBND về việc thu hồi 5 căn biệt thự di tích tại dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa quản lý. Ngày 30.10.2023, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2580/QĐ-UBND về việc giao tài sản 5 căn biệt thự di tích tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa quản lý.

 Ngày 1.4.2024, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 123/TB-UBND và Sở VHTT ban hành Công văn số 1037/SVHTT-QLVHGĐ ngày 12.4.2024 về việc bàn giao và tiếp nhận các hiện vật, di vật (vật dụng) tại di tích biệt thự Cầu Đá, gồm 10 hiện vật và 32 vật dụng giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa quản lý.