Hơi thở văn hoá làng biển miền Trung:

Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa”

TẠ ĐÌNH DŨNG; ảnh: NHƯ ĐỒNG

VHO - Trong nhịp phát triển đô thị hóa mạnh mẽ dọc theo dải đất ven biển miền Trung, những làng chài cổ ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nơi từng một thời vang vọng tiếng hò bả trạo, tiếng trống hội làng, mùi thơm nồng nàn của mẻ nước mắm mới đang đứng trước ngã rẽ lớn: Di sản văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng như một phần sống động trong đời sống cộng đồng, hay chỉ còn là “hiện vật” tồn tại trong các mô hình trưng bày phục vụ du lịch?

Bản sắc sống hay mô hình trưng bày?

Tại Đà Nẵng, làng Nam Ô, ngôi làng chài lâu đời nổi tiếng với nghề làm nước mắm và hát bả trạo đang dần bị bao phủ bởi tốc độ đô thị hóa. Những khu resort ven biển, dự án bất động sản nghỉ dưỡng mọc lên đã thay đổi đáng kể không gian sống của người dân.

Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa” - ảnh 1
Giáo dục thế hệ trẻ về giá trị văn hoá truyền thống để gìn giữ và nối tiếp sẽ giúp di sản sống trong cộng đồng

Nghề làm nước mắm dần bị thu hẹp, các lễ hội truyền thống như cầu ngư, hội làng không còn được tổ chức đều đặn, hoặc chỉ còn mang tính tượng trưng, phục vụ du khách.

Câu chuyện ở Huế cũng không khác mấy. Ven biển Thuận An, vùng đất từng lưu giữ nhiều di sản văn hóa biển đang chứng kiến sự thu hẹp dần của không gian văn hóa. Các khu dân cư mới, dự án du lịch quy mô lớn được quy hoạch sát bờ biển.

Cùng với sự thay đổi về không gian là sự mai một của tiếng hò ru, lời hát dân gian một phần linh hồn của làng chài xưa.

Ở Quảng Ngãi, các làng chài như Bình Châu, Sa Kỳ, Gành Yến cũng đang đối diện áp lực từ việc phát triển cảng biển, khu công nghiệp ven biển.

Không gian cư trú, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân dần bị chia cắt. Những mái nhà ngói cổ, những câu chuyện truyền đời về biển khơi đang nhạt dần theo thời gian.

Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa” - ảnh 2
Không gian biển – nơi gìn giữ và trình diễn các giá trị văn hóa phi vật thể

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, nhà nghiên cứu văn hóa tại Huế: “Nếu chỉ giữ lại vài nghi lễ theo kiểu trình diễn phục vụ khách tham quan, chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn của ‘văn hóa trưng bày’.

Văn hóa chỉ có thể sống nếu được nuôi dưỡng bằng cộng đồng, bằng ký ức và hành vi sống thực tế”.

Những nỗ lực giữ lại "hồn làng" ven biển

 Trước thực trạng đó, một số địa phương đang có những bước đi tích cực nhằm bảo tồn văn hóa theo hướng “sống”, tức là duy trì trong đời sống thường nhật của người dân, thay vì biến di sản thành sản phẩm trưng bày.

Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã phối hợp với cộng đồng làng Nam Ô để phục dựng lễ hội cầu ngư, khôi phục nghệ thuật hát bả trạo.

Các nghệ nhân được mời truyền dạy miễn phí cho lớp trẻ thông qua lớp học tại trung tâm văn hóa quận Liên Chiểu. Dự án xây dựng bảo tàng nước mắm và không gian văn hóa biển Nam Ô đang được đẩy nhanh để kết nối di sản với đời sống hiện đại.

Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa” - ảnh 3
Gắn bảo tồn với giáo dục địa phương là hướng đi dài hạn cho các làng biển

Huế cũng tích cực bảo tồn văn hóa biển bằng cách thành lập các câu lạc bộ hò ru, hát khoan, tổ chức biểu diễn trong các lễ hội, đưa vào chương trình ngoại khóa tại trường học. Bằng cách này, di sản văn hóa được truyền tải tới thế hệ trẻ một cách tự nhiên, gần gũi, không áp đặt.

Ở Quảng Ngãi, mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng biển đang được triển khai tại Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn). Tại đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được trải nghiệm đánh cá, học làm mắm, tham dự lễ hội truyền thống và lắng nghe các câu chuyện về biển từ người dân bản địa.

Không dừng lại ở đó, nhiều địa phương đã bắt đầu sử dụng công nghệ để hỗ trợ bảo tồn. Các dự án số hóa di sản phi vật thể như ghi âm, ghi hình lời hát dân gian, điệu hò bả trạo; xây dựng cơ sở dữ liệu số về các lễ hội, nghi thức dân gian đang được triển khai thí điểm.

Đây được xem là hướng đi mới giúp gìn giữ ký ức cộng đồng trong thời đại số.

Không để làng chài trở thành "mô hình quá khứ"

 

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa không phải là hai phạm trù tách biệt, trái ngược nhau. Ngược lại, nếu được quy hoạch bài bản và đầu tư đúng hướng, chính văn hóa là động lực để phát triển bền vững. 

Bài 2: Vòng xoáy đô thị hóa và nguy cơ “hóa thạch văn hóa” - ảnh 4
Cần gìn giữ di sản bằng chính đời sống thực của nghệ nhân và cộng đồng

Chúng ta cần nhìn văn hóa như nguồn lực mềm, giúp tạo bản sắc, tăng sức hút du lịch, đồng thời giữ gìn ký ức và sự gắn kết cộng đồng.

Theo đó, sự kết hợp giữa cư dân bản địa – chính quyền – nhà nghiên cứu là yếu tố cốt lõi để kiến tạo mô hình bảo tồn văn hóa biển hiệu quả. Cộng đồng làng chài không nên chỉ là nhân vật phụ trong các dự án phát triển, mà cần trở thành chủ thể kiến tạo, truyền giữ và phát triển chính bản sắc của mình.

Không thể đảo ngược xu thế đô thị hóa, nhưng giữa dòng chảy ấy, việc lựa chọn giữa “văn hóa sống” hay “văn hóa trưng bày” phụ thuộc vào ý chí và hành động của chính con người.

Nếu chỉ giữ lại bề nổi của lễ hội, kiến trúc hay nghề truyền thống để phục vụ check-in, ảnh quảng bá, thì văn hóa sẽ dần trở nên rỗng ruột. Nhưng nếu biết lắng nghe, tôn trọng giá trị sống của làng biển, như nơi hình thành bản sắc, nơi gắn bó máu thịt với cư dân ven biển bao đời, thì văn hóa sẽ tiếp tục sống, lan tỏa như chính nhịp sóng không bao giờ ngơi nghỉ của biển miền Trung.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc