Di sản trước phong ba

UYÊN NHI - TẠ DŨNG

VHO - Miền Bắc đang khứng chịu đợt bão lớn, với những dự báo thiên tai làm hư hại nhiều nhà cửa, phá hoại nhiều hoa màu. Đây lại là thời điểm “khởi động” ở miền Trung, bởi lệ thường mùa mưa bão sẽ đến sau tiết Trung thu. Nhiều công trình, vùng canh tác nơm nớp lo lắng và sẵn sàng những giải pháp chặn đón.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, trong tổng thể chung đối chọi thiên tai, các công trình, vật thể di sản văn hóa, với lịch sử cả trăm năm tồn tại, thật sự đang rất cần những hoạch định, đầu tư chăm nom.

Thực tế, ngành Văn hóa, nhất là văn hóa miền Trung, năm nào cũng đối diện câu chuyện này và năm nào cũng phải chấp nhận một số mất mát, hư hại khó tránh khỏi. Tâm tư những người trong ngành là phải làm sao để giảm thiểu đến mức thấp nhất, những tổn thất di sản ấy.

Di sản trước phong ba - ảnh 1
Di tích Ngọ Môn (Thừa Thiên Huế) ngập trong trận lụt tháng 11.2023

Qua mô tả của ông Quốc Thiện, có thể hình dung khối lượng những công trình, vật thể liên quan di sản văn hóa là rất lớn, hiện diện ở đủ mọi khu vực và vùng văn hóa.

Rõ ràng nhất là những công trình xây dựng quy mô, như Đại nội Kinh thành Huế, phố cổ Hội An…; những vùng quy hoạch đáng quan tâm, như phố cổ Bao Vinh (Huế), những công trình lịch sử, kiến trúc như chùa chiền, tháp cổ, làng xóm dân cư lâu đời…

Chi tiết hơn là những bảo tàng văn hóa, lịch sử, như Bảo tàng Chăm, thành Điện Hải ở Đà Nẵng, các bảo tàng chuyên ngành ở Hội An, các bảo tàng cổ vật, thư tịch ở Huế… Công tác bảo vệ, chăm nom những công trình, vật thể di sản, văn hóa này, theo đó rất đa dạng và phức tạp.

Di sản trước phong ba - ảnh 2
Phố cổ Hội An thường xuyên bị ngập trong nước lũ

Có những khu vực bảo tàng liên quan đến thư tịch, giấy tờ, vải lụa, đồ gỗ… chỉ cần bị ẩm ướt, ngập nước là hư hại hàng loạt. Ngay với một công trình kiến trúc như Chùa Cầu Hội An, trước những đợt mưa bão trầm trọng, giới bảo tàng luôn hãi sợ lo lắng, nếu mở rộng ra cả những dãy nhà phố cổ năm nào cũng ngập trong nước lụt, thật sự rất đáng phải quan tâm, đầu tư biện pháp bảo vệ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cho đến nay, toàn ngành văn hóa các địa phương, vẫn chưa có được các khoản đầu tư lớn, các dự án quy hoạch đầy đủ với biện pháp xử lý, ngăn ngừa, bảo vệ các công trình, di sản văn hóa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ, cá nhân ông đã từng phải ngậm ngùi khi thấy một công trình nhà cửa, kho tàng bị tốc mái, ngập lụt. Rất nhiều những di chỉ, văn kiện giấy tờ… phải được bảo vệ trong hoàn cảnh đó, mà nhân lực của các đơn vị chưa chắc đã đủ ứng phó cũng như không đủ kinh nghiệm để sẵn sàng từ trước.

Di sản trước phong ba - ảnh 3
Nước lũ tại Hội An dâng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới các di tích lịch sử

Trong những ngày này, khi thông tin về cơn bão số 3 hoành hành, không ít người làm việc trong công tác bảo tồn bảo tàng ở Đà Nẵng, Hội An bày tỏ lo sợ sẽ có ảnh hưởng đến những công trình, vật thể di sản văn hóa các tỉnh miền Bắc.

Từ Hải Phòng đến Hà Nội, liệu đội ngũ những người làm bảo tồn bảo tàng, chưa trải qua nhiều lần “thực chiến” mùa mưa bão, có đủ kinh nghiệm và kỹ năng để đối phó không? Chỉ cần một chút bất cẩn, một chút sơ sẩy, là ngành bảo tàng ở địa phương sẽ phải nhận cái giá tổn thất rất lớn.

Khi một công trình di sản bị hư hại, một khu bảo tàng bị tốc mái, thì giá trị vô hình nằm trong từng vật thể di sản lại không thể đo đếm được bằng tiền. Cho nên, thiên tai càng lớn, di họa càng đáng lo, từ thực tế của một cơn bão, rất cần đặt ra những bài toán đầu tư, giải pháp căn cơ bền vững về sau, đối với mọi công trình di sản.

Trong nỗi lo chung về hậu quả thiên tai, cạnh những công trình nhà cửa bị phá hủy, mùa màng tổn thất, tài sản nhân dân mất mát, ngành văn hóa cũng rất cần những câu trả lời nghiêm chính, quy mô, về năng lực bảo tồn bảo vệ được các công trình, di tích di sản văn hóa. Một cuốn sách quý hư hại đi, hay một chiếc chén cổ vỡ tan tành, ấy là cả một vấn đề mà không phải ai cũng hiểu!