Đối phó lũ quyét, bà con biên giới diễn tập phương án ứng phó thiên tai
VHO - Huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) thường xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước diễn biến thiên tai thất thường, các xã miền núi đã chủ động triển khai nhiều phương án để ứng phó.
Trước diễn biến thiên tai phức tạp, chủ động ứng phó, xã Chiêu Lưu, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Tham gia diễn tập gồm các lực lượng Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn huyện, Bộ đội Biên phòng, quân sự, công an và cán bộ, nhân dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn.
Tình huống đặt ra, một cơn bão mạnh đổ bộ với lượng mưa thượng nguồn lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, diễn biến phức tạp kéo theo nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Đảng bộ, chính quyền xã Chiêu Lưu đã xây dựng kế hoạch, lên các phương án để phòng chống thiên tai.
Trong không khí khẩn trương buổi diễn tập, Chủ tịch xã Chiêu Lưu Lô Văn Cáng cho biết: Sau những đợt mưa, tuyến đường từ Khe Nằn, xã Chiêu Lưu đi Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn vẫn còn nhiều điểm sạt lở nặng, mặt đường trơn trượt. Chủ động đối phó lũ lụt, hạn chế mức rủi ro thấp nhất cho bà con, chúng tôi chủ động phương án diễn tập phòng chống.
Cuộc diễn tập gồm hai giai đoạn: Chuyển địa phương vào trạng thái thiên tai bão lụt và thực hành phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, cuộc diễn tập có thực hành di dời, sơ tán người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và tổ chức lực lượng, phương tiện thực hành chống sạt lở.
Quá trình các bước diễn tập đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện giải quyết nhanh gọn, kịp thời, có hiệu quả các tình huống do bão lụt gây ra, tập trung nơi xung yếu, ưu tiên cứu người trước, tài sản sau góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Sau bão, lụt tập trung khắc phục hậu quả nhanh chóng ổn định tình hình đời sống, đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, Phó trưởng ban chỉ đạo diễn tập huyện Kỳ Sơn cho biết: Với phương châm “Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi” thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (động viên huy động sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) để đối phó và khắc phục có hiệu quả do bão lụt, thiên tai gây ra, cuộc diễn tập đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trong số 3 huyện 30a ở Nghệ An, Kỳ Sơn đứng đầu bảng về tỷ lệ hộ nghèo, về mức độ khó khăn trong sản xuất và ổn định cuộc sống.
Diện tích Kỳ Sơn hơn 2.000km2 nhưng chỉ có mỗi 1% diện tích đất bằng phẳng có thể sinh sống và canh tác.
Còn lại là đối núi, sông suối và hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, đe dọa bình an cuộc sống thường ngày của mỗi người dân.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nhiều năm qua, những nỗ lực của địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm các giải pháp để người dân ổn định cuộc sống luôn là những ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Ngay từ tháng 4.2024, huyện đã ban hành phương án ứng phó thiên tai từ huyện đến cấp xã. Rút kinh nghiệm từ các mùa mưa lũ trước, năm nay, Kỳ Sơn xác định rõ những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhằm lên phương án ứng phó cụ thể.
Đặc biệt là khi có dự báo về áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN sẽ thực hiện ngay các biện pháp ứng phó tại các địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và các công trình trọng điểm trên địa bàn.