Người đàn bà dọc ngang chống lũ

VHO- Âm thầm gieo mầm hy vọng giữa những dòng nước dữ đục ngầu cuộn xoáy, Nhà chống lũ bằng trái tim ấm nóng vẫn luôn lặng lẽ tìm con đường gần nhất để đến với từng số phận…

Nhiều năm qua, dân đã yêu thương gọi người sáng lập và điều hành mô hình Nhà chống lũ bằng cái tên thật lạ và thật ấm lòng: Người đàn bà chống lũ.

Hạnh phúc khi lan tỏa hơi ấm

Cái tên Jang Kều (Phạm Thị Hương Giang) không còn xa lạ trong cộng đồng. Câu chuyện mô hình Nhà chống lũ do người phụ nữ này sáng lập đã phát huy hiệu quả từ nhiều năm qua, đặc biệt trong trận lũ lụt lịch sử năm rồi ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Người dân miền Trung gọi Jang Kều là “Người đàn bà chống lũ”, còn báo chí đặt tên cho cô là “Người bẻ nạng chống trời”. Với Jang, những cách gọi ấy có lẽ là sự ưu ái. Lựa chọn cho mình con đường lặng lẽ, Jang tin rằng, chỉ bằng cách trái tim đến với những trái tim, Nhà chống lũ sẽ lan truyền niềm tin và sự thương yêu đến với cộng đồng. Dù là sỏi đá cũng cần có nhau, có lẽ, chừng ấy thôi đã đủ để lý giải vì sao nhiều năm qua, Nhà chống lũ đã làm được quá nhiều điều cho người dân vùng lũ, nhưng với chủ nhân ý tưởng thì vẫn không thôi khao khát, không thôi trăn trở để làm sao giữ lại thật nhiều ngôi nhà ở lại sau mỗi trận lũ qua đi.

Người đàn bà dọc ngang chống lũ - Anh 1

Jang Kều trong một lần đi khảo sát nhà dự án đã hỗ trợ tại Quảng Nam và trải nghiệm cách sống cùng lũ của người dân

Nhà chống lũ được khởi phát từ năm 2014, dự án đã huy động được hàng chục tỉ đồng, xây dựng hàng trăm căn nhà chống lũ tại nhiều tỉnh, thành và bảo vệ được gần 4.000 người dân tại những vùng bị thiên tai. Đặc biệt, năm 2020, khi những đợt lũ liên tục, dồn dập trút xuống khúc ruột miền Trung, sau gần hai tháng khởi động chiến dịch Hướng về miền Trung, Nhà chống lũ đã nhận được 23.480.187.348 đồng từ 13.896 người dân cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Jang chỉ bảo: “Chúng tôi chủ trương không truyền thông, quảng bá. Tất cả những gì chúng tôi có là một fanpage Nhà chống lũ và một website chính thức. Tôi tin vào chủ trương “Actions speak louder than words” (Hành động ý nghĩa hơn lời nói-NV) cho các hoạt động của Nhà chống lũ. Những gì dự án đang làm như một mạch chảy lặng lẽ, không tuyên ngôn, không ầm ĩ, nhưng thấm từng ngày, từng giọt trong tim mỗi người...”.

Những tưởng người đàn bà kiên cường vượt qua bão lũ hẳn là người phải mạnh mẽ lắm, song cũng đã có lúc chị tự hỏi “điều gì khiến mình hạnh phúc?”. Jang chia sẻ, khoảnh khắc đặc biệt nhất chị từng có trong suốt hành trình, như ai đó nói, “bẻ nạng chống trời” ở những nơi khắc nghiệt nhất của thiên tai chính là khi quyết định phát triển dự án mang tên Nhà chống lũ. Cả thế giới này ai cũng là hình vuông, nhưng những người đặc biệt lại là hình tròn. Nếu hình tròn bị bắt ép nhét vào hình vuông, hình tròn đó sẽ méo mó, vỡ vụn. Suy nghĩ đó cùng những niềm riêng trong cuộc sống đã khiến chị thấy rằng, bất kỳ ai cũng chỉ có thể sống hạnh phúc khi làm được những điều mình mong muốn. “Hình tròn” trong Jang Kều khi đó chính là mong muốn được giúp đỡ người dân nghèo, những phận đời cơ cực. Mong muốn lớn đến mức chị quyết định tặng bớt cho bạn bè những công ty đang điều hành, chỉ giữ lại G’Brand và GroupG Asia Pacific để dành thời gian thực hiện Nhà chống lũ.

Người đàn bà dọc ngang chống lũ - Anh 2

Tại xã Mò Ó, bà con Vân Kiều đang xem mô hình nhà truyền thống của dân tộc mình do Nhà chống lũ thiết kế

Ám ảnh những phận người

“Điều gì khiến mình hạnh phúc?”. Câu trả lời của Jang Kều bởi thế cũng thật khác, chị hạnh phúc là khi ký ức về niềm vui trong những lần tham gia các dự án cộng đồng, những chuyến đi từ thiện ùa về... Trước đây, mỗi lần nghe tin lũ lụt, Jang lại lặn lội đi cứu trợ, mang theo quần áo, chăn màn, mì tôm, thực phẩm… với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Năm 2009, khi trận lũ lịch sử đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, như thường lệ, chị lại tất bật mang quà cứu trợ đến với đồng bào. “Tôi nhớ địa điểm phát quà là một ngôi trường, sau lũ, bùn đất ngập ngụa cao cả thước. Mọi người chỉ kịp dọn dẹp vài phòng để có chỗ cho bà con đến nhận quà. Nhìn cảnh đó, tôi quyết định phải mang đến tận nhà cho bà con. Nhưng khi đến nơi, tôi bàng hoàng thấy cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn xơ xác, người dân bơ phờ vì đói, lạnh, phải ăn mì sống thay cơm. Lúc ấy, có bao nhiêu tiền trong túi tôi lấy ra cho hết, cho hết…”.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Cảnh tượng khiến Jang ám ảnh mãi là hình ảnh một người đàn ông đứng thất thần trước ngôi nhà đổ nát với mớ xoong nồi sứt mẻ, trên tay ôm chặt bức hình thờ. Chị gọi mãi mà ông không hề nghe thấy. “Cảm giác của tôi lúc đó thật kỳ lạ, tưởng chừng như con người trước mặt mình không thuộc về hiện tại. Có thể nỗi đau quá lớn vì mất mát đã khiến ông bị “đông cứng”. Ngay lúc ấy, trong tôi bừng lên một ý nghĩ: Nếu cứ cho mì, cho gạo thì sang năm và những năm sau nữa, cảnh này sẽ còn tái diễn. Với nỗi ám ảnh đó, tôi biết mình sẽ phải làm khác đi, phải mang đến cho người dân một điều gì đó mang tính ổn định và bền vững hơn”. Từ ấy, “người đàn bà chống lũ” nung nấu ý định xây dựng một mô hình nhà có thể chống chọi những cơn lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Đến năm 2013, khi xem được bức ảnh trên mạng về một ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên sáu cọc bê tông, vững chãi giữa biển nước, Jang tìm hiểu và sung sướng khi phát hiện ngôi nhà gỗ này đã sống bình yên trong bão lũ được hơn 10 năm, chi phí làm nên chỉ khoảng 25 triệu đồng. Những hình dung cho hành trình tiếp theo của Nhà chống lũ ra đời từ đó. Chuyến đi khảo sát để xây những ngôi nhà đầu tiên, Jang được đưa đến nơi ở của một bà cụ. Bà sống một mình trong căn nhà đã cũ nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Bước vào căn nhà trống hoác, ẩm thấp, trơn trượt, chị hỏi bà trong nhà thứ gì có giá trị nhất, bà chỉ lên trần nhà. Chị nhìn theo hướng ấy và thấy người lạnh toát... Còn Jang: “Tôi nghe bà kể chuyện mà chết lặng. Tôi không nói được, không khóc được. Mãi đến khi bước ra khỏi ngôi nhà ấy, mọi cảm xúc mới ùa về như một cơn lũ. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Điều đó càng thôi thúc tôi phải thực hiện cho bằng được tâm nguyện của mình là giúp những người khốn khó có được một ngôi nhà đàng hoàng, đúng nghĩa để vui sống”.

Người đàn bà dọc ngang chống lũ - Anh 3

 Nhà Dự án hỗ trợ tại Quảng Bình

Vững tin ở “hoa hồng”

Nhìn những ngôi nhà bình yên sau giông tố, Jang Kều và những thành viên Nhà chống lũ luôn tin rằng mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại. Số tiền 23.480.187.348 đồng nhận được sau chiến dịch Hướng về miền Trung sẽ được Nhà chống lũ sử dụng cho các hoạt động dự án trong năm 2021-2023 tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng. “Chúng tôi thực sự xúc động khi nhận được sự tin tưởng và ủng hộ lớn đến thế. Những đóng góp thầm lặng đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để vững tin vào những điều mình đang làm. Với sự tiếp sức của cả nước dành cho miền Trung, bà con nơi đây sẽ có một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước với những căn nhà an toàn...”, người phụ nữ “bẻ nạng chống trời” tâm sự. Đối với Sống Foundation mà Jang là người sáng lập, các hoạt động được lựa chọn đều chú trọng mục tiêu giảm nhẹ, phòng ngừa, phục hồi như xây nhà an toàn, cải tạo làng tái định cư và trồng rừng. Đặc biệt, dự án chú trọng vào phương pháp thúc đẩy sự tham gia của tất cả các bên, gồm người hưởng lợi, chính quyền, nhà chuyên môn. Như vậy, người dân là nhân tố chính yếu để tạo nên một ngôi nhà an toàn cho mình.

“Tôi luôn tâm niệm việc không chỉ mang đến cho người dân một ngôi nhà mà là một gia đình sống bình an với những thành viên tự tin, tự giác và tự chủ hơn trong việc ứng phó với thiên tai hay cả với các vấn đề khác trong cuộc sống của mình...”, Hương Giang tâm sự. Từ thiện một cách dễ dãi sẽ làm nhiều người mòn đi. Quan điểm của Nhà chống lũ trong việc gieo niềm hy vọng được thể hiện rõ ràng qua sự đồng hành với người dân vùng lũ. Jang chia sẻ, để thay đổi nhận thức của họ, Nhà chống lũ đã đi khảo sát, tìm hiểu, nói chuyện, thuyết phục, tư vấn cách thiết kế ngôi nhà đúng như ước mong và kế hoạch lo toan tài chính của mỗi gia đình. “Chúng tôi trở thành thành viên trong gia đình của họ, tin tưởng, sẻ chia và tư vấn. Mấy tháng trời xây nhà, người của Nhà chống lũ cùng sống, cùng làm, cùng vật vã với người dân. Khi người dân tham gia, chắc chắn tư duy, tư tưởng và nhân sinh quan của họ sẽ thay đổi. Họ sẽ tự chuẩn bị đầy đủ cho tương lai của mình, kể cả khi tương lai ấy có nhiều mối đe dọa như thiên tai, bão lũ ... thì họ vẫn rất kiên cường”, Jang tâm sự.

Tôi luôn tâm niệm việc không chỉ mang đến cho người dân một ngôi nhà mà là một gia đình sống bình an với những thành viên tự tin, tự giác và tự chủ hơn trong việc ứng phó với thiên tai hay cả với các vấn đề khác trong cuộc sống của mình...

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc