Du lịch Đà Nẵng:

Bài cuối - Hợp tác vùng miền, du lịch đăng quang

TẠ ĐÌNH DŨNG - THUỴ BẤT NHI

VHO - Năm 2025 sẽ là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của cả nước. Đà Nẵng cũng sẽ ghi dấu nhiều cột mốc đáng nhớ trong năm này. Với ngành du lịch Đà Nẵng, dự báo sẽ có thêm nhiều điều kiện để tăng tốc mạnh mẽ.

Định hướng hoàn thiện cấu trúc

Theo ông Ngô Quang Vinh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngay sau khi thành lập, đơn vị quản lý chuyên môn này đã đảm nhận ngay trách nhiệm quan trọng, cần cấu trúc, định hình bộ máy giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo địa phương, tham gia thúc đẩy thế mạnh du lịch thành hiện thực.

Liên tiếp trong 3 năm đầu tiên, du lịch Đà Nẵng đã đạt những con số phát triển đầy bất ngờ, lượng du khách đến địa bàn luôn tăng “hai chữ số”. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, được nhiều tổ chức uy tín bình chọn các danh hiệu hấp dẫn, đánh giá là điểm đến sự kiện và lễ hội lớn.

Bài cuối - Hợp tác vùng miền, du lịch đăng quang - ảnh 1
Đà Nẵng cần tập trung xây dựng, khai thác những thế mạnh du lịch sẵn có

Địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện, tạo sức hút lớn, như các đại hội du lịch Golf khu vực, hội nghị đầu tư du lịch, chuỗi lễ hội Pháo hoa quốc tế, liên hoan phim, sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC…

Có thể thấy, trên đà tăng trưởng liên tục, du lịch Đà Nẵng đã ghi dấu ấn thành công rõ nét, thật sự xây dựng được những kế hoạch hành động bám sát đặc điểm, tình hình thực tế. Địa phương tập trung đổi mới tư duy phát triển du lịch, tăng cường nhận thức ở các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội.

Với nội bộ, ngành không ngừng nâng cao chất lượng kinh doanh và phục vụ, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững trong mọi dự án, chương trình đầu tư.

Đặc biệt, Đà Nẵng dần định dạng rõ cấu trúc sản phẩm du lịch chính, như du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch công vụ (M.I.C.E), du lịch thể thao, du lịch sự kiện (du lịch cưới, du lịch lễ hội). Một số khu vực quy hoạch du lịch được định dạng, như mô hình “du lịch cộng đồng” tại các khu vực ven biển, các đề án phố du lịch chuyên doanh, du lịch đêm, phố đi bộ…

“Định hướng du lịch đến năm 2030 phải đạt tỷ trọng đóng góp GRDP thành phố khoảng 25%, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, mở rộng thị trường và các sản phẩm du lịch, tham gia thúc đẩy các ngành, lĩnh vực liên quan, có sức cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế”, ông Ngô Quang Vinh nhận xét.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, những bàn định, mong muốn đặt ra từ đầu của ngành du lịch Đà Nẵng, đến nay vẫn đang tiếp tục được duy trì và tiếp nối bền vững. Vượt qua những khó khăn từ sự cố dịch bệnh, làm kéo lùi tốc độ phát triển, du lịch Đà Nẵng đến nay đã lấy lại tinh thần và khí thế, mạnh dạn đưa ra những tiêu chí hành động rất mới để bước vào năm 2025 với tâm thế khác biệt.

Đẩy mạnh liên kết vùng miền

Điều quan trọng mà bà Trương Thị Hồng Hạnh đặt ra, là cùng với khí thế cải cách phát triển cả nước đang đặt ra, du lịch Đà Nẵng cũng nhận diện rất rõ cơ hội của mình, là nắm bắt chắc chắn những cơ hội, điều kiện vận động đầu tư mới, để phát triển mạnh các sản phẩm, ưu thế sẵn có của mình.

Song mấu chốt thành công trong thời gian tới, chính là Đà Nẵng cần có được sức mạnh hợp tác, liên kết phát triển cùng các ngành liên quan trong tổng thể kinh tế, xã hội địa phương; cùng các địa phương xung quanh đấu nối phát triển. Hợp tác cùng khai thác thế mạnh du lịch, là lựa chọn nên có và phải tổ chức cho được giữa các tỉnh thành, qua đó mới nhân đôi được sức mạnh với nhau và cùng đồng bộ tăng trưởng.

Bài cuối - Hợp tác vùng miền, du lịch đăng quang - ảnh 2
Cơ hội và tiềm năng của du lịch Đà Nẵng đang tiếp tục được mở ra

Theo bà Hạnh, thực chất, mối quan hệ kết nối đầu tư và hợp tác du lịch này, đã được Đà Nẵng khởi xướng từ những năm 1997, đến nay đã có một bề dày chắc chắn, chỉ cần tiếp tục trao đổi hành động, sẽ thu kết quả tốt đẹp.

Nhất là hợp tác du lịch giữa ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, giữa các địa phương ở trục hành lang Di sản văn hóa miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, tại vùng duyên hải miền Trung và chương trình “từ biển lên núi” Đà Nẵng – Khánh Hòa – Tây Nguyên, đang được Đà Nẵng đóng vai trò một hạt nhân sẻ chia và kết nối.

Từ năm 2025, địa phương sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là cùng các địa phương sắp xếp đăng cai tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, du lịch.

Đà Nẵng sẽ vận động hình thành các sản phẩm du lịch khu vực theo nhu cầu, thị hiếu của du khách; cùng các địa phương chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng xúc tiến du lịch ở thị trường nước ngoài, nhất là mở các đường bay thẳng về miền Trung, trong đó ưu tiên bay từ châu Âu, Mỹ và các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...

“Đã đến lúc chúng ta cần đồng hành, để nắm chắc những cơ hội mới từ dịch chuyển kinh tế, văn hóa vùng miền và quốc tế, trong bối cảnh thế giới hôm nay. Đà Nẵng cần có thêm cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn, đạt hiệu quả thu hút các nhà đầu tư chiến lược về du lịch... và nhất là phải cùng các địa phương bạn mạnh dạn thay đổi, mạnh dạn phát triển, hợp tác bên nhau”, bà Trương Thị Hồng Hạnh phân tích.

Nhìn nhận những sách lược này, một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Đà Nẵng cho rằng, lợi thế của địa phương là 9 năm qua, đã định hình được một vị thế cần thiết cho du lịch. Vấn đề chỉ cần là, từ tuổi đời thứ 10, cấu trúc du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục định vị ra sao, cần có những bổ sung gì. Cộng đồng các doanh nghiệp du lịch địa phương đã có những thăng trầm nhất định, đến lúc cần nhận được những cổ động, hỗ trợ rõ ràng từ chính quyền và ngành quản lý, biến những ước mơ thành thực tiễn; và từ những chương trình hành động đang diễn ra.

Ý kiến bạn đọc