Du lịch Đà Nẵng:

Bài 1 - 9 năm đạt một… định hình

TẠ ĐÌNH DŨNG - THỤY BẤT NHI

VHO - Tối 12.12, Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức họp báo giới thiệu “chiến dịch” Đà Nẵng Food Tour, gồm loạt hoạt động lần đầu tiên triển khai tại địa bàn, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đặc sắc cho du khách.

Con đường phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng thật ra không hề giản đơn. Như ông Ngô Quang Vinh, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thời kỳ đầu tiên cho biết, đó là cả một quá trình tập trung đầu tư, vận động và minh chứng quyết liệt, đạt được những thành tích, số liệu vượt trội, của cả tập thể Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân Đà Nẵng.

Xác lập mũi nhọn kinh tế…

Theo ông Ngô Quang Vinh, để có được một quyết định thành lập sở quản lý chuyên môn về du lịch, trực tiếp tham mưu đẩy mạnh lĩnh vực kinh tế này, Đà Nẵng đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó.

Bài 1 -  9 năm đạt một… định hình - ảnh 1
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2016 đánh dấu bước phát triển mới của du lịch Đà Nẵng

Người đặt vấn đề chuyển hướng đầu tư vào du lịch Đà Nẵng, thay thế thế mạnh công nghiệp, thương mại trước đó, là ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND Đà Nẵng sau khi chia tách tỉnh.

Thành phố này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997, nhưng vẫn giữ cơ cấu đầu tư phát triển cũ. Mãi đến năm 2006, khi địa phương đã định dạng rõ các khâu quy hoạch phát triển, câu chuyện chuyển đổi mũi nhọn kinh tế mới được bàn đến.

Năm 2008, lần đầu tiên, Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế, chính thức mở ra một trang mới cho hành trình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Lần lượt những năm sau đó, Đà Nẵng đều đặn tập trung nguồn lực đầu tư, vận động xúc tiến, đẩy mạnh hoạt động du lịch địa bàn, lấy lễ hội pháo hoa làm tiêu chuẩn.

Năm 2015, Đà Nẵng đạt hơn 4,6 triệu lượt du khách. Năm 2016, thành phố này đón 5 triệu lượt du khách, trong đó có 1,32 triệu lượt khách quốc tế… Những con số tăng đều này cho phép Đà Nẵng tự tin, xác định thế mạnh kinh tế cần chuyển dịch sang du lịch làm mũi nhọn.

Lãnh đạo địa phương quyết định đệ trình đề xuất Trung ương xem xét, tách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng thành hai đơn vị quản lý, với mục tiêu đặt rõ ngành du lịch có đầy đủ điều kiện cơ chế, bộ máy hành chính hoạt động độc lập, đảm nhận trách nhiệm xây dựng và quản lý ngành kinh tế mũi nhọn ở tương lai.

Tháng 5.2016, với sự đồng ý của Trung ương, quyết định từ Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng công bố thành lập Sở Du lịch Đà Nẵng. Hành trình vươn lên của ngành du lịch Đà Nẵng chính thức khởi động mạnh mẽ.

Từ số không tạo nên thành tích?

Về tổ chức, Sở Du lịch Đà Nẵng hoạt động căn cứ theo Nghị quyết 08 (ngày 16.1.2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 43 (ngày 24.1.2019) của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103 (ngày 6.10.2017) của Chính phủ về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định du lịch là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Bài 1 -  9 năm đạt một… định hình - ảnh 2
Lãnh đạo ngành Du lịch tặng hoa chào đón du khách quốc tế đến với Đà Nẵng

Chính quyền Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch hành động 10652 (ngày 30.12.2017), Quyết định 1679 (ngày 17.4.2019) phê duyệt Đề án phát triển du lịch; cùng hàng loạt chương trình hành động, chuyên đề… tạo khung pháp lý và thể chế xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu khu vực…

Với một tinh thần nhất quán như vậy, dựa vào những điều kiện thuận lợi của địa phương, sự chuẩn bị từ đầu qua các chính sách của chính quyền, các năm 2017 – 2019 là cao trào phát triển du lịch Đà Nẵng. Thành phố vươn lên thành một trong những tâm điểm du lịch quy mô cả nước, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Đánh giá từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy, có 4 cơ sở thực tiễn thúc đẩy du lịch Đà Nẵng. Đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và các cơ quan quản lý, nỗ lực đầu tư của doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương; nhận thức của người dân về vị trí, vị thế ngành du lịch đã chuyển biến tích cực; các sản phẩm du lịch địa phương liên tục cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu du khách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch được cải thiện đáng kể; và địa phương đã tập trung nguồn lực tổ chức nhiều sự kiện du lịch thành công, vận động triển khai nhiều dự án du lịch hiệu quả.

Bài 1 -  9 năm đạt một… định hình - ảnh 3
Đà Nẵng được đánh giá cao về hạ tầng dịch vụ du lịch

Đặc biệt về xu thế vận động đầu tư, có thể nói, Đà Nẵng đã rất thành công về công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào địa phương, cuốn hút nhiều nhà đầu tư triển khai những dự án hạ tầng du lịch ấn tượng. Cụ thể, cơ sở lưu trú trên địa bàn gia tăng nhanh chóng trong 9 năm qua, thống kê đến nay có hơn 940 khách sạn, với gần 40 ngàn phòng các loại, trong đó số khách sạn 4 – 5 sao là khá nhiều.

Hoạt động tour tuyến của ngành du lịch địa phương cũng rất phát triển, với nhiều loại hình, kịch bản tổ chức và đầu tư đa dạng, linh hoạt. Hơn nữa bởi nằm giữa các điểm, vùng văn hóa di sản, văn hóa đặc trưng, Đà Nẵng rất có lợi thế thu hút du khách khi định dạng nguồn lưu trú ổn định, giá cả cạnh tranh và đi lại thuận tiện.

Tuy nhiên, theo Cục thống kê Đà Nẵng, giai đoạn 2017 – 2023, ngành dịch vụ du lịch địa phương chỉ đóng góp bình quân 9,83%/năm vào ngân sách, và lượng du khách bình quân đạt 5,01 triệu lượt/năm, trong đó khoảng 1,98 triệu lượt khách quốc tế.

Những con số này chưa đạt được mục tiêu đặt ra của Đà Nẵng, ngành du lịch vẫn chưa đạt được vị trí mũi nhọn kinh tế. Nhất là sau thời kỳ dịch bệnh 2019 – 2022, hoạt động du lịch địa phương còn bị sút giảm nhất định, chỉ mới dần phục hồi từ giữa năm 2023 lại đây. Câu hỏi: thật sự du lịch Đà Nẵng là phát triển bền vững vẫn rất cần được giải đáp thỏa đáng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc