Cánh cửa mới cho du lịch Đà Nẵng
VHO - Khi Báo Văn Hóa đặt lại câu chuyện du lịch khảo cứu với miền Trung, một cựu lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng đã kết nối và cho rằng đáng có một hướng vận động như vậy. Bởi giờ đây, du lịch không chỉ là hình ảnh hào nhoáng bên ngoài, với những đoàn du khách đông nườm nượp “check-in” ở chỗ này chỗ kia nữa. Bề sâu của du lịch, chính là sự thảnh thơi nhẹ nhàng của du khách khi đến một vùng đất, cảm thấu những dấu ấn lịch sử quá khứ ở nơi đó. Mà ở Đà Nẵng, thì lại là một thành phố khá đặc trưng như vậy.
Với những ai lần đầu tới với Đà Nẵng, điểm đến nhà thờ Con gà sẽ làm du khách có rất nhiều bất ngờ. Ngạc nhiên tưởng có nhà thờ tên Con gà thật, nhưng thực ra đây là nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng vốn có biểu đo gió hình con gà trên nóc nên người Đà Nẵng quen gọi nhà thờ Con gà. Những năm đầu tiên sơ khai về một Đà Nẵng trở mình đô thị hóa, các điểm đến mang tính quá khứ như nhà thờ Con gà, chợ Cồn… rất hiếm, nên việc đến xem thật háo hức. Chỉ duy có tên gọi Con gà khiến du khách tò mò. Mãi sau này, tiếp xúc với một số nhà văn hóa bản địa, kiến thức về vùng đất này mới mở ra và câu chuyện về một nhà thờ in đậm nét văn hóa Pháp trở thành dấu ấn văn minh của đô thị này.
Có điều, chính cách gọi Con gà đã gợi mở trong suy nghĩ một số người làm du lịch địa phương. Ông Đặng Thái, một trong những người tiên phong làm du lịch Đà Nẵng có lần như tự hỏi, luồng du khách đến với thành phố này sẽ thế nào?. “Cứ thế này, du lịch Đà Nẵng sẽ không phải là câu chuyện đi ăn con gà đi bộ, con gà “cục tác lá chanh”, mà sẽ là con gà Gô loa, con gà văn hóa. Người Pháp sẽ đến đây, tìm dấu ấn về một thành phố Tourane trong mắt họ”, ông Thái nói. Chữ Tourane ấy, đến nay người ta vẫn thấy ở ga xe lửa Đà Nẵng, trên tường nhà ga trong lối đi bộ ra ngoài. Lịch sử Đà Nẵng có thể ghi chép nhiều câu chuyện giải thích về Tourane, nhưng chắc chắn ở góc độ nào cũng ghi nhận văn hóa châu Âu in hằn vào địa phương này thế nào.
Đi tìm lại những vết tích đó, có phải là niềm cảm hứng của những du khách đến từ châu Âu, những người Pháp yêu Huế, yêu Hội An và sẽ dần tính đến yêu Đà Nẵng? Mà đâu chỉ có người Pháp. Những du khách châu Âu đến Việt Nam nếu biết đến mảnh đất Đà Nẵng này, nơi đã kiên cường chống lại cuộc chiến đổ bộ của liên quân Pháp Bồ 1858 và danh tướng Nguyễn Tri Phương đã đánh bại lối tấn công chớp nhoáng của liên quân ấy ra sao. Dấu tích thành Điện Hải, nghĩa địa Y-pha-nho, đến nay vẫn tồn tại như một lời thách thức kiên trung của những anh hùng quả cảm đất Việt. Đi tìm lại khí thế hào hùng ấy, trải nghiệm cảm xúc nghẹn lòng trước xương máu chiến tranh ở thành Điện Hải, ở Nghĩa trũng Hòa Vang, Phước Ninh… phải chăng không phải là điều mà rất nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả ngày bay và nhiều công sức, để được đến nơi?
Sự thật cho thấy từ năm 2014, Đà Nẵng với mục tiêu thúc đẩy du lịch bền vững, đã gia tăng các hoạt động đổi mới du lịch. Trong đó, hướng vận động mời gọi các du khách đến từ châu Âu, từ chính đất nước Pháp, là một vấn đề đáng bận tâm. Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đã rất nhiều lần giới thiệu về quê hương Đà Nẵng với các nhà quản lý du lịch châu Âu và Pháp. Những chương trình quốc tế hóa của Đà Nẵng, như lễ hội pháo hoa, giao lưu văn hóa ẩm thực… đều luôn giành một phần rất trang trọng cho những đoàn đại biểu, du khách Pháp và châu Âu. Ẩn tàng trong đó, là những lời giới thiệu, những trang sử mở ra gợi nhắc mảnh đất này lưu ký rất nhiều câu chuyện giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và cuộc sống giữa một đô thành Paris với một mảnh đất phương Đông đầy chùa chiền và Hán tự.
Sau hơn 10 năm vận động, du lịch Đà Nẵng giờ đã đi vào hiện trạng trầm tĩnh hơn, với những dấu ấn thu hút du khách đậm chất tư duy hơn. Điểm đến ở đây, đang được Đà Nẵng xây dựng với những tiêu chí mới, vừa đậm đà bản sắc văn hóa, những dấu ấn lịch sử vừa giao thoa, kết nối với những cái mới, hiện đại và công nghệ số. Công cuộc khai quật, phục dựng các bảo tàng, di chỉ lịch sử ở địa phương đang được quan tâm, với những Nghĩa trũng, thành Điện Hải, đèo Hải Vân… sàng lọc cũ mới và vinh danh thời gian.
Những bảo tàng Đồng Đình, Champa, Mỹ thuật… từng bước được đổi mới cách khai thác và bảo tồn hiện vật, khoa học hơn và tinh tế hơn. Đà Nẵng, cũng như du lịch miền Trung, đang cố gắng hoán cải những giá trị bất hủ của thời gian và lịch sử máu xương dân tộc, thành những câu chuyện trầm hùng, miêu tả lại cho du khách đến đây hiểu và xúc cảm.
Biết đâu, với cách nghĩ này, sẽ càng có thêm những bảo tàng mới xuất hiện, như bảo tàng tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, bảo tàng ngư nghiệp ở Mân Thái, hay làng chài Nam Ô? Câu chuyện lịch sử trăm năm ở những điểm lưu ký ấy, sẽ có ý nghĩa thế nào, với những lớp người trẻ Đà Nẵng, với những du khách châu Âu, những người Pháp đã đọc rất nhiều, nghe rất nhiều, muốn được biết rõ hơn, đến đúng nơi, thấy tận mắt?
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng lịch sử của cha ông chưa bao giờ ngưng thôi thúc chúng ta hiểu hơn và nói rõ hơn. Đó chính là câu chuyện về hướng vận động du lịch khảo cứu mà Đà Nẵng cần mở ra, trong một tầm mắt thật gần.