Du lịch Thanh Hóa: “Đòn bẩy” trỗi dậy hay lỡ nhịp?

NGUYỄN LINH

VHO - Hạ tầng hiện đại, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, hình ảnh xứ Thanh được quảng bá rộng khắp, những kết quả ấn tượng ấy từng được kỳ vọng sẽ đưa du lịch Thanh Hóa “bật lên” thành trung tâm của cả vùng Bắc Trung Bộ.

 Nhưng thực tế lại đang đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao vẫn còn tình trạng “chặt chém”, ô nhiễm, thiếu sản phẩm cao cấp? Vì sao nhiều dự án lớn vẫn ì ạch, chưa về đích? Một Chỉ thị quyết liệt vừa được ban hành liệu có đủ sức “tháo khóa” cho du lịch xứ Thanh?

Những nút thắt cản bước du lịch xứ Thanh

Trong những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ hơn, sản phẩm dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, môi trường du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng càng phát triển, càng bộc lộ rõ những "nút thắt" khiến hình ảnh du lịch xứ Thanh khó lòng vươn tầm như kỳ vọng.

Du lịch Thanh Hóa: “Đòn bẩy” trỗi dậy hay lỡ nhịp? - ảnh 1
Hạ tầng thoát nước kém khiến nhiều khu vực đô thị Thanh Hóa ngập úng sau mưa lớn, một trong những vấn đề cần được khắc phục để nâng cao chất lượng môi trường du lịch và trải nghiệm của du khách

Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về du lịch tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện tượng ô nhiễm môi trường, rác thải chưa được xử lý triệt để tại các khu du lịch biển; tình trạng "chặt chém", ép khách, quảng cáo sai sự thật, gian lận trọng lượng hải sản, “móc nối” lái xe hưởng hoa hồng… vẫn âm ỉ diễn ra.

Một số mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng thì thiếu bản sắc, sản phẩm lặp lại, sao chép từ nơi khác. Các di tích lịch sử - văn hóa xuống cấp chưa được trùng tu kịp thời, thiếu hệ thống giới thiệu, hướng dẫn viên, thiếu dịch vụ bổ trợ.

Không ít dự án du lịch lớn bị chậm tiến độ, vướng mắc chưa tháo gỡ, dẫn đến chậm hình thành các sản phẩm, dịch vụ cao cấp, yếu tố then chốt để thu hút khách quốc tế.

Một khó khăn không nhỏ khác là chuyển đổi số trong du lịch vẫn còn chậm. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là văn hóa giao tiếp và kỹ năng nghề còn thấp.

Các cơ sở lưu trú quảng cáo sai hạng sao, sản phẩm du lịch mạo hiểm thiếu kiểm soát, hoạt động xe điện tại một số khu du lịch vẫn còn lộn xộn.

Tất cả những tồn tại ấy đang làm tổn thương đến thương hiệu, uy tín và sức hút của du lịch Thanh Hóa. Đáng tiếc hơn, nó khiến nỗ lực xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn này trở nên chông chênh, thiếu điểm tựa.

Cú hích từ Chỉ thị mới: Chấn chỉnh để bứt phá

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị quyết liệt, yêu cầu các cấp, ngành và địa phương tập trung chấn chỉnh toàn diện, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Mục tiêu xuyên suốt là nâng tầm chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch xứ Thanh, xây dựng ngành du lịch văn minh, chuyên nghiệp, an toàn và thân thiện, trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước vào năm 2030.

Chỉ thị nhấn mạnh: Từng khâu, từ hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, môi trường, nhân lực đến quảng bá đều phải có bước chuyển. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được yêu cầu kiện toàn ngay trong tháng 7.2025, bổ sung thêm đại diện từ các địa phương, chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc.

Sở VHTTDL được giao vai trò “nhạc trưởng” trong việc triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, giám sát chất lượng dịch vụ, xử lý cơ sở vi phạm, thu hồi hạng sao lưu trú nếu không đáp ứng tiêu chuẩn.

Ngành cũng phải đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng yếu tố bản sắc văn hóa, thúc đẩy chuyển đổi số, liên kết quảng bá với các địa phương trong và ngoài nước.

Du lịch Thanh Hóa: “Đòn bẩy” trỗi dậy hay lỡ nhịp? - ảnh 2
Xe điện hoạt động tại khu du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa), phương tiện thân thiện với môi trường nhưng cần được quản lý chặt chẽ về tuyến đường, thời gian hoạt động và chất lượng dịch vụ để đảm bảo văn minh, an toàn trong du lịch. Ảnh: Minh Hoàng

Một điểm mới quan trọng là sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành khác. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ bố trí vốn đầu tư hạ tầng du lịch, tạo đột phá về khách sạn, tổ hợp giải trí, dịch vụ cao cấp. Sở Xây dựng phải điều chỉnh quy hoạch các điểm du lịch, kiểm soát trật tự xây dựng, hỗ trợ địa phương hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, đảm bảo mỹ quan.

Sở Công Thương và Quản lý thị trường phải vào cuộc mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng “chặt chém”, gian lận giá, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc… Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung xử lý ô nhiễm rác thải, nước thải, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống.

Chuyển đổi số cũng được đặt ở vị trí trung tâm với yêu cầu từ Sở Khoa học và Công nghệ: nhanh chóng hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đảm bảo phủ sóng mạng tốc độ cao tại các điểm du lịch. Song song, Sở Ngoại vụ đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để quảng bá du lịch Thanh Hóa ra thế giới; Sở Y tế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm đến.

Công an tỉnh siết chặt an ninh du lịch, xử lý triệt để nạn chèo kéo, lừa đảo, ép giá, xe điện hoạt động trái phép…; phối hợp kiểm tra quảng cáo du lịch trên mạng xã hội, ngăn chặn hành vi lừa đảo, bôi xấu điểm đến.

UBND các xã, phường được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về trật tự đô thị, an ninh du lịch, chất lượng dịch vụ. Nếu để tái diễn vi phạm kéo dài, gây bức xúc dư luận, sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Chỉ thị mới cho thấy quyết tâm chính trị rất rõ ràng của Thanh Hóa trong việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là thời điểm bản lề để ngành du lịch xứ Thanh bứt phá hoặc sẽ tiếp tục bị chậm nhịp, mất dần lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, để Chỉ thị đi vào thực chất, không thể chỉ là những văn bản hay báo cáo “đẹp”. Điều cốt lõi là sự vào cuộc thực chất, trách nhiệm, đồng bộ, liên tục từ các cấp ngành, đặc biệt là ở cấp cơ sở, nơi trực tiếp tiếp xúc với du khách hằng ngày.

Nếu những điểm nghẽn được tháo gỡ, nếu dịch vụ trở nên minh bạch, an toàn, thân thiện; nếu sản phẩm du lịch phong phú, khác biệt và có bản sắc thì Thanh Hóa không chỉ đủ sức giữ chân du khách, mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Trong một thị trường du lịch cạnh tranh khốc liệt, sự chần chừ có thể khiến điểm đến mất cơ hội trong chớp mắt. Đã đến lúc du lịch xứ Thanh cần một cú bật thực sự không chỉ trên giấy, mà bằng những chuyển động rõ ràng trên thực địa.