Văn hóa bản địa trở thành động lực mới cho du lịch Thanh Hóa
VHO - Trong hành trình phát triển du lịch bền vững, Thanh Hóa đang dần chuyển mình khi xem văn hóa bản địa, đặc biệt là bản sắc của các dân tộc thiểu số không chỉ là di sản cần gìn giữ, mà còn là nguồn tài nguyên sống động, có thể chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Khai thác từ cội nguồn văn hóa
Những năm gần đây, ngành du lịch Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và sáng tạo nhằm phát huy tiềm năng văn hóa bản địa. Nhận thức được rằng văn hóa là linh hồn của du lịch, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc lồng ghép bản sắc truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số vào sản phẩm du lịch, tạo nên điểm nhấn khác biệt so với các vùng du lịch đại trà.

Đơn cử, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) đã trở thành điểm đến nổi bật nhờ cách kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với những nét văn hóa truyền thống của người Thái, người Mường.
Những ngôi nhà sàn nằm nép mình bên sườn núi, những điệu múa xòe bên bếp lửa, món cơm lam thơm lừng… tạo nên sức hút khó cưỡng đối với du khách trong và ngoài nước.
Tại bản Mạ (huyện Thường Xuân), du khách có thể hòa mình vào đời sống thường nhật của người Thái, trải nghiệm phong tục tập quán truyền thống như nhuộm vải chàm, dệt thổ cẩm, cùng ăn cơm sạp, uống rượu cần và nghe hát khặp bên ánh lửa. Đây không chỉ là du lịch, mà là một hành trình chạm tới chiều sâu văn hóa.
Còn tại suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), ngoài việc chiêm ngưỡng đàn cá quý tụ tập dưới dòng nước trong xanh, du khách còn có cơ hội khám phá kho tàng văn hóa Mường được gìn giữ qua bao thế hệ tại thôn Lương Ngọc – từ kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực đến phong tục, lễ hội truyền thống.
Đến thôn Lương Ngọc, không khó để bắt gặp những âm thanh vang vọng từ cồng chiêng – loại nhạc cụ gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.
Câu lạc bộ cồng chiêng của thôn, với thành viên là những người nông dân chân chất, đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trong mỗi dịp đón khách. Tiếng chiêng ngân vang không chỉ làm say lòng du khách, mà còn là minh chứng sống động cho sự bảo tồn văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế địa phương.
Bà Phạm Thị Huyền, thành viên CLB – chia sẻ: “Cồng chiêng không thể thiếu trong các lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới… Nhờ có câu lạc bộ, lớp trẻ được học lại cách chơi, cách hiểu ý nghĩa mỗi hồi chiêng. Nay lại có du khách đến xem, chúng tôi càng thêm tự hào và có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp này.”

Không chỉ dừng lại ở trình diễn, các địa phương còn chủ động lồng ghép văn hóa bản địa vào các mô hình du lịch trải nghiệm, như “một ngày làm người Thái” hay “cùng người Mường nấu cơm, giã bánh”.
Chính những trải nghiệm chân thực, dung dị này đã giúp du khách hiểu và yêu hơn những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số – điều mà không sách vở, băng hình nào có thể thay thế.
Để có được thành quả hôm nay, Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều đề án trọng điểm, trong đó nổi bật là Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” và Đề án “Nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch”.
Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030: Ngành VHTTDL Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn phương pháp bảo tồn trang phục dân tộc Thái huyện Như Thanh; tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” thu hút đông đảo các nghệ nhân, diễn viên, quần chúng các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa tham gia biểu diễn, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa.
Cùng với đó là hàng loạt hoạt động thiết thực: tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống; hỗ trợ đội văn nghệ thôn bản; phục dựng lễ hội đặc trưng như lễ hội Khai hạ, lễ hội Cầu mùa, hội trâu rằm tháng Bảy…
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa, khẳng định: “Chúng tôi xác định rõ phát triển du lịch không thể tách rời việc bảo tồn di sản văn hóa. Phát triển ở đây không chỉ là tăng trưởng lượng khách, mà còn là làm sống lại những giá trị văn hóa đang dần bị mai một, để văn hóa được ‘sống’ trong chính không gian nó vốn tồn tại.”
Còn đó những thách thức
Dù đã có nhiều nỗ lực, thực tế cho thấy sản phẩm du lịch văn hóa của Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế. Không ít điểm đến vẫn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản, sản phẩm trùng lặp, chưa đủ sức cạnh tranh với các tỉnh bạn. Tình trạng lai căng, biến đổi giá trị văn hóa nguyên bản diễn ra ở một số nơi khi chạy theo thị hiếu ngắn hạn của khách du lịch.

Đặc biệt, việc thiếu sự kết nối giữa các điểm du lịch, giữa địa phương và doanh nghiệp lữ hành khiến nhiều sản phẩm dù có tiềm năng nhưng chưa phát huy được hiệu quả kinh tế. Sự vào cuộc của cộng đồng dân cư đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những tồn tại này, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hóa dựa trên nền tảng bản sắc địa phương, đồng thời đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng và nâng cao vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch.
Thế giới đang chứng kiến xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với cộng đồng và du lịch văn hóa lên ngôi. Du khách hiện đại không chỉ muốn “xem”, mà muốn “sống cùng”, “trải nghiệm” và “kết nối” với nơi họ đặt chân đến. Đây chính là cơ hội để văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành chìa khóa mở rộng thị trường du lịch Thanh Hóa ra tầm quốc tế.
Nếu biết khơi dậy đúng tiềm năng, đầu tư đúng cách và giữ gìn đúng giá trị, thì những chiếc cồng, ngôi nhà sàn, điệu múa dân tộc… không chỉ là ký ức, mà sẽ là sản phẩm du lịch có giá trị cao, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa làm rạng rỡ thêm bản sắc vùng cao.