Bá Thước (Thanh Hoá):
Gìn giữ văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng bền vững
VHO - Trong những năm gần đây, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) nổi lên như một điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại khu vực Pù Luông. Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, Bá Thước còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Thái và dân tộc Mường.
Việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch đang tạo ra hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người dân địa phương.

Du lịch cộng đồng – Cơ hội phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Với tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Bá Thước đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh này để phát triển du lịch cộng đồng.
Các hoạt động trải nghiệm như đi bộ khám phá bản làng, chèo thuyền kayak, đánh cá trên sông, hòa mình vào đời sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào dân tộc... ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Song song với các hoạt động sinh thái, du lịch văn hóa tại Bá Thước cũng ghi dấu ấn đậm nét nhờ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Một trong những điểm nhấn là nghề dệt thổ cẩm, loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Thái, người Mường.
Trải qua thăng trầm, nghề dệt tưởng chừng đã bị mai một trước làn sóng hiện đại hóa, nhưng sự phát triển của du lịch cộng đồng đã tạo điều kiện để nghề truyền thống này hồi sinh mạnh mẽ.
Phụ nữ dân tộc giữ lửa nghề dệt thổ cẩm
Tiêu biểu trong việc gìn giữ nghề dệt truyền thống là bà Hà Thị Binh, người dân tộc Thái ở bản Đôn, xã Thành Lâm.
Từ đôi bàn tay khéo léo và sự tâm huyết với nghề, bà Binh đã tạo ra hàng loạt sản phẩm thổ cẩm đậm bản sắc như váy áo, khăn choàng, túi xách, chăn, gối, rèm cửa...

Sản phẩm của bà không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình mà còn cung cấp cho nhiều homestay, khu nghỉ dưỡng và được du khách đặc biệt ưa chuộng nhờ vào tính thẩm mỹ, tiện dụng và đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.
Chia sẻ về nghề, bà Binh cho biết: “Có những thời điểm nghề thêu, dệt thổ cẩm tưởng như đã thất truyền, nhưng nhờ du lịch phát triển, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề và có cơ hội giao lưu với du khách. Điều đó giúp nghề truyền thống hồi sinh và lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc đến với bạn bè trong và ngoài nước.”
Cùng với bà Binh, Câu lạc bộ (CLB) thổ cẩm Thanh Lâm cũng đang góp phần không nhỏ vào việc khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống.
Tại khu nhà cũ được UBND xã Thanh Lâm bố trí làm điểm sản xuất cho CLB, không khí lao động luôn rộn ràng. Các thành viên, phần lớn là phụ nữ dân tộc Thái, tranh thủ thời gian nông nhàn để dệt, may những sản phẩm tinh tế từ sợi bông, sợi len.
Chủ nhiệm CLB, chị Vi Thị Bích cho biết: “Dệt thổ cẩm là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ qua nhiều công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Mỗi sản phẩm là kết tinh của thời gian, công sức và tình yêu nghề.”

Điểm độc đáo trong thổ cẩm của người Thái là những họa tiết mô phỏng cây cỏ, động vật, biểu tượng tâm linh... thể hiện thế giới quan và tín ngưỡng của cộng đồng.
Chỉ những người gắn bó sâu sắc với nghề mới có thể tạo nên những tấm vải thổ cẩm có bố cục hài hòa, hoa văn sắc nét, mang giá trị nghệ thuật và tinh thần cao.
Gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế
Từ chỗ phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, nay sản phẩm dệt thổ cẩm tại các thôn, bản của Bá Thước đã trở thành mặt hàng lưu niệm mang đậm dấu ấn địa phương.
Những tấm thổ cẩm thấm đẫm tinh thần dân tộc đang góp phần làm phong phú hơn trải nghiệm của du khách và mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế cộng đồng.
Nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch bền vững, ngày 2.6.2021, UBND huyện Bá Thước đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện tập trung vào các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, khôi phục và phát triển làng nghề thủ công truyền thống, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề và khuyến khích người dân tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, UBND huyện cũng chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống, bảo tồn các làn điệu dân ca, điệu múa đặc trưng như múa xòe, nhảy sạp, hát khặp, hát giao duyên… nhằm gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể quý giá của cộng đồng dân tộc Thái, Mường.

Tăng cường hỗ trợ, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa
Thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, cùng Trung tâm Văn hóa tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Bá Thước tổ chức nhiều lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật biểu diễn dân gian.
Hàng trăm học viên là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm... đã được truyền dạy kỹ năng biểu diễn, giao lưu văn hóa phục vụ du lịch.
Đặc biệt, lớp tập huấn tổ chức ngày 15.3.2022 tại bản Đôn (xã Thành Lâm) về “Bảo tồn, phát triển dân ca, dân vũ dân tộc Thái, dân tộc Mường” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Các học viên được học cách tổ chức biểu diễn, giao lưu với du khách, từ đó lan tỏa các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc tới du khách thập phương.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, khẳng định: “Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể của huyện đã có chuyển biến tích cực. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, khôi phục và quảng bá các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, qua đó hình thành thương hiệu du lịch đặc trưng của vùng núi Bá Thước.”
Sự cộng hưởng giữa gìn giữ bản sắc văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng đang từng bước đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những điệu múa xòe mềm mại giữa núi rừng Pù Luông không chỉ làm say lòng du khách mà còn thể hiện khát vọng vươn lên từ chính giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Trong hành trình phát triển bền vững, Bá Thước đang vững bước trên con đường gìn giữ cội nguồn để chạm tới tương lai.