Du lịch Đà Nẵng:
Bài 3 - Tour mới: thách thức và cơ hội
VHO - Với thông điệp "Hơn cả ngon - Beyond Bites”, “chiến dịch” Đà Nẵng Food Tour đã được Sở Du lịch Đà Nẵng công bố triển khai từ ngày 15.12.2024, kết thúc ngày 15.3.2025.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, đây là “động thái” quyết liệt đầu tiên của ngành du lịch địa phương, sau thời gian dài nghiên cứu các vấn đề, mà chuỗi hành trình phát triển du lịch 9 năm qua của Đà Nẵng đặt ra, để tìm ra những giải pháp, chương trình hành động tốt nhất.
Tour mở đầy hấp dẫn
Ghi nhận phản ảnh từ du khách cho thấy, Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, song chưa phải là điểm dừng hoàn hảo, bởi còn 2 điểm hạn chế. Đó là thế giới ẩm thực chưa phong phú, chưa “thật ngon”, từ các thực phổ, đến phong cách phục vụ.
Thứ hai, là thiếu tính liên hoàn chuỗi sản phẩm, để tạo cảm hứng trải nghiệm cho du khách. Đặc biệt, giao điểm từ chiều sang tối, nhu cầu du lịch đêm, chưa được địa phương khai thác hiệu quả…
“Đà Nẵng có nơi nào xuyên đêm? Đà Nẵng có chuỗi nhà hàng, quán bar, điểm giải trí… nào kết nối để du khách thả mình theo dòng dịch vụ, di chuyển nơi này qua nơi khác nhanh chóng tiện lợi nhất?”. Câu hỏi này được một chủ doanh nghiệp Vũng Tàu đặt ra với lãnh đạo du lịch Đà Nẵng hơn 5 năm trước, buộc nhiều người suy nghĩ.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đã thử đặt giải pháp: Đánh giá toàn diện các điểm đến (khách sạn, nhà hàng, quán ăn…) để chọn ra những địa chỉ tốt nhất, giới thiệu, mời du khách trải nghiệm, nhận thưởng, tạo hành trình kết nối tiếp theo…
Đà Nẵng Food Tour chính là bước thử nghiệm của giải pháp này. Do Sở Du lịch Đà Nẵng chủ trì và nhận được sự hào hứng tham gia của hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong ngành du lịch tại địa bàn.
Thứ nhất, một “bản đồ số” về ẩm thực Đà Nẵng đã được xây dựng tại địa chỉ www.foodtourdanang.vn, cung cấp món ăn, đặc sản địa phương, vùng miền, các địa điểm Michelin Guide, các địa chỉ đặc sản làm quà… Bản đồ hiện có hơn 400 địa điểm được đề xuất, với các tiêu chí: đặc trưng, chuẩn vị món ăn, thức uống; đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng nguyên liệu; có dịch vụ chất lượng, trải nghiệm đặc sắc; an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Du khách dùng bản đồ sẽ được thuận tiện với giao diện song ngữ Việt – Anh, có nhiều tính năng tìm kiếm, được giới thiệu kỹ những món ăn truyền thống địa phương, các chương trình, địa điểm khuyến mãi, có ưu đãi… đang diễn ra ở Đà Nẵng và tương tác với Hộ chiếu ẩm thực.
Thứ hai, Hộ chiếu ẩm thực, là tấm vé thông hành, nhận ưu đãi các chương trình đang diễn ra, bản “ghi chép” những địa chỉ du khách đã trải nghiệm tại địa phương, với hơn 50 địa chỉ đặc trưng. Du khách sẽ nhận được những tấm Hộ chiếu này khi đến sân bay, nhà ga … cùng những địa chỉ giới thiệu khác; khi đến một điểm ẩm thực cần yêu cầu “đóng dấu” hộ chiếu để xác thực.
Dự kiến 1 vạn Hộ chiếu ẩm thực sẽ được ngành du lịch Đà Nẵng phát hành trong thời gian tổ chức, kèm theo là một chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn. Đơn cử những du khách có những con dấu đầu tiên sẽ được ưu đãi lưu trú khách sạn cao cấp, thưởng thức nhà hàng miễn phí…, với tinh thần “càng trải nghiệm nhiều điểm đến được đề xuất, càng nhận nhiều quà tặng”…
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, Hộ chiếu ẩm thực là cách quảng bá, tiếp cận và chăm sóc du khách một cách linh hoạt, dạng tour mở đầy bất ngờ và sẽ được duy trì dài ngày, tùy giai đoạn, sự kiện, như thêm chủ đề Street Food và Fine Dining, chương trình Chef Tour, Food Race.. trong năm 2025 và sau đó nữa.
Ngày một hoàn thiện hơn!
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, “chiến dịch” Đà Nẵng Food Tour sẽ là bước khởi động đầu tiên của ngành du lịch địa phương, trước thềm năm mới Ất Tỵ và trước diễn biến “cách mạng” xã hội, cải cách hành chính phục vụ người dân mà Trung ương phát động.
Sau chiến dịch này, du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều bước cải tổ khác, cả về phong cách quản lý, tổ chức phục vụ, đề xuất các chính sách phát triển sản phẩm du lịch chất lượng hơn… Hình ảnh một thành phố năng động, hiện đại, với các lễ hội liên tục được tổ chức, những chương trình văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại hấp dẫn, những không gian cộng đồng, giải trí cao cấp được đầu tư bài bản hơn… sẽ được Đà Nẵng tập trung xây dựng.
“Chúng tôi đang cùng các Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Ẩm thực nghiên cứu, khảo sát, để cùng đưa ra những hoạch định tổ chức các sự kiện sao cho ấn tượng hơn; tổ chức gắn sao, cấp điểm, hỗ trợ các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh tăng thêm điều kiện đón khách, khả năng hoàn thiện các dịch vụ và sản phẩm của họ”. Bà Hồng Hạnh chia sẻ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích thêm: “Về hướng tăng cường các tiêu chí sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng hơn, có thể chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất những bộ quy tắc ứng xử, thang điểm chất lượng dịch vụ cho các đơn vị đầu tư và kinh doanh tại địa bàn.
Đơn cử một quán ăn, khi mở ra, đủ điều kiện đón khách theo các quy định là tất nhiên, nhưng để đảm bảo đón du khách quốc tế, cần có thêm vài tiêu chí bổ trợ, như giao tiếp ngoại ngữ, khu vực vệ sinh chất lượng… Hay một quán ăn đặc sản, bên cạnh thực đơn, cũng nên có các tài liệu quảng bá, hướng dẫn, giới thiệu đặc sản với du khách muốn tìm hiểu, giúp họ đối chứng sản phẩm chẳng hạn, hỗ trợ liên kết giúp họ mua hàng, mua quà.
Rồi du khách khi trải nghiệm lưu trú, đi lại ở địa bàn được hưởng các ưu đãi phí vận chuyển, hóa đơn giảm giá, cũng có thể được biết thêm những chương trình phát thưởng may mắn, tích điểm đổi quà ở các khu công cộng…
Tất cả, sẽ là một bức tranh chung, sống động và hấp dẫn về du lịch Đà Nẵng, cùng tăng cường các dịch vụ, sản phẩm chất lượng, để du lịch thực sự là mũi nhọn kinh tế, góp phần khẳng định các tiêu chí, tầm vóc một thành phố “đáng sống” ở miền Trung”.