Bước tiến mới trong quản lý, phân cấp di tích tại Bình Định

Bài, ảnh: PHAN HIẾU

VHO - Tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 16/2024/QÐ-UBND ngày 24.5.2024 kèm theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh có hiệu lực thi hành. Ðây được xem là bước tiến mới khi tỉnh này quyết định phân cấp quản lý, bảo vệ di tích cho các địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 149 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 113 di tích cấp tỉnh).

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, sự huy động nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, các địa phương và nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, nhiều công trình di tích đã được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo khang trang, phát huy giá trị di tích hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch của tỉnh.

Bước tiến mới trong quản lý, phân cấp di tích tại Bình Định - ảnh 1

Di tích quốc gia Tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước được  phân cấp, giao cho Sở VHTT Bình Định trực tiếp quản lý và phát huy giá trị

Kỳ vọng về quy chế quản lý, phân cấp phát huy di tích tại Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định chia sẻ: Có thể thấy, các di tích không tập trung mà phân bố rải rác trên toàn tỉnh, một số di tích ở miền núi, vùng cao. Ngoài ra, do chưa có sự phân cấp về quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và địa phương chưa đồng bộ, nên việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi vậy, để có cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh trên toàn tỉnh một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đây được xem là bước tiến mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Tạ Xuân Chánh, dựa theo Quy chế thì Sở VHTT trực tiếp quản lý và phát huy 22 di tích; phân cấp cho các địa phương trực tiếp quản lý 127 di tích. UBND tỉnh Bình Định cũng thống nhất quản lý nhà nước các di tích đã được xếp hạng và công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở VHTT là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt; các di tích quốc gia (trừ một số di tích quốc gia gắn với các hoạt động phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa hoặc điều kiện quản lý của địa phương) và một số di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn.

Cùng với đó, UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn. Trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh (trừ một số di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn), một số di tích quốc gia (gắn với các hoạt động phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa hoặc điều kiện quản lý của địa phương) và các công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Sở VHTT, các sở, ngành liên quan quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích do Sở VHTT, các tổ chức, cá nhân khác trực tiếp quản lý trên địa bàn.

Nhìn nhận về vấn đề UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: “Trên địa bàn huyện Tây Sơn có 21 địa điểm di tích. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Việc phân cấp quản lý, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong công tác quản lý bảo vệ và khai thác du lịch. Tuy nhiên, thời điểm bàn giao quản lý quá gấp, địa phương chưa kịp chuẩn bị, về con người và kinh phí cũng rất khó khăn. Theo tôi đề xuất nên thống nhất mỗi huyện thành một ban quản lý di tích”.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho rằng: “Trên địa bàn có rất nhiều điểm di tích mà diện tích quy mô của các di tích khác nhau nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ”. Ông Trần Hữu Thảo còn thẳng thắn chỉ ra, thành lập ban tổ chức quản lý di tích và nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong quản lý di tích tại Điều 6 và Điều 7 của Quy chế, trong đó có việc nâng cấp, tôn tạo di tích phải lập quy hoạch, báo cáo kỹ thuật, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ… đối với di tích được giao quản lý trực tiếp. Việc này gây áp lực cho địa phương; mặt khác, cấp xã, phường thì chỉ bảo vệ, khó có thể nâng cấp, tôn tạo di tích.