Gìn giữ mái nhà tranh, mãi nhớ ơn Người
VHO - Vào những ngày tháng 5, người dân cả nước lại về thăm quê Bác với những nếp nhà tranh đơn sơ, giản dị mà thân thuộc để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Và để giữ được mái nhà tranh mộc mạc, gần gũi như thuở xưa, là nhờ sự tỉ mỉ, kỳ công đầy tâm huyết của biết bao bàn tay những “nghệ nhân” quê Bác.
Tháng 5 trên mảnh đất xứ Nghệ, nắng vàng ươm soi rọi qua những hàng cau, lũy tre bên ngôi nhà mái tranh đơn sơ, dòng người khắp nẻo muôn phương tấp nập về thăm, viếng Bác nhân dịp sinh nhật lần thứ 134 của Người. Trải qua thời gian và nắng gió, những mái nhà tranh ở quê Bác đã phần nào không còn nguyên vẹn như ban đầu…
Kỳ công lợp mái tranh cho nhà Bác
Mỗi năm một lần, những người dân ở quê hương Bác lại được tin tưởng giao nhiệm vụ lợp lại mái nhà tranh nơi quê Bác. Có những người đã gắn bó với công việc chỉnh trang, giữ gìn nét mộc mạc, đơn sơ mà vô cùng gần gũi của những mái nhà tranh từ hàng chục năm qua.
Ông Trần Đình Huệ (sinh năm 1958, trú xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn), Đội trưởng đội lợp tranh quê Bác với thâm niên 16 năm liền cho biết: “Cứ trước dịp kỷ niệm sinh nhật Bác vài tháng, trong căn nhà của tôi lại rộn lên niềm vui chuẩn bị vật dụng lợp lại mái nhà tranh quê Bác. Vào tháng ba hằng năm, đội thợ lợp tranh tiến hành thay mái tất cả những nhà tranh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Được Ban quản lý di tích tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt này là cái duyên, cũng là niềm tự hào, vinh hạnh lớn của không chỉ riêng ông mà của cả gia đình. Dù đã 66 tuổi nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ nghề đan tranh.
“Tôi sẽ làm đến khi nào không còn sức thì nghỉ. Với tôi, đây không đơn thuần là công việc mà là tấm lòng kính trọng, yêu quý vô bờ bến đối với Bác Hồ”, ông Huệ nói.
Từ lúc còn nhỏ, ông Huệ đã biết đan tranh. Bởi cuộc sống thời bấy giờ còn khó khăn, hầu hết các ngôi nhà đều được làm từ tranh lá nên ai cũng đan được tranh. Sau này, cuộc sống ngày càng được nâng cao, những mái nhà tranh được thay bằng nhà lợp ngói, tôn nên mọi người không còn đan tranh nữa.
Năm 2008, trong một lần khu di tích có nhu cầu thay lại mái tranh cho những ngôi nhà, ông Huệ đã nhận công việc này, rồi gắn bó đến nay. Bật mí về kinh nghiệm lợp mái tranh của mình, ông Huệ chia sẻ: Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất chứa bao sự kỳ công, miệt mài kéo dài hàng tháng trời. Mái tranh được làm từ tre và lá mía.
Để thực hiện việc lợp tranh phải trải qua bốn công đoạn: Chọn nguyên liệu, chẻ tre, đánh tranh và lợp tranh. Trong đó đánh tranh là công đoạn khó nhất bởi công việc đòi hỏi kỹ thuật khó, phải là những người có kinh nghiệm mới có thể làm được. Bên cạnh đó, kỹ thuật chẻ tre cũng phải đều, đẹp, không dày quá cũng không mỏng quá, khi tranh lên khung mới đều, thẳng tắp.
Giai đoạn cầu kỳ hơn cả là việc thu mua lá mía. Lá mía phải là lá 1, lá 2, lá 3; còn từ lá thứ 4 trở đi không còn được to, rộng và bền nữa. Cây mía khi trưởng thành sẽ được những người thợ thu mua, tuyển chọn từng lá mang về phơi khô. Sau khi phơi khô, lá mía tiếp tục được đem phơi sương qua nhiều đêm để nở ra, có độ dai.
Ngoài ra, muốn có được lá mía ưng ý, người thợ phải tự tay lựa chọn trong một thời gian dài. Lá phải vừa, không được già quá cũng không được non quá. Lá vừa đều thì tranh đánh lên sẽ bền hơn, sáng hơn. Tre lựa chọn sử dụng thường được chặt vào tháng 3 hằng năm.
Đây là thời điểm cây tre già, khi ngâm nước sẽ không có mối mọt. Những cây tre này được ông Huệ đích thân đi lựa chọn. Sau đó, cẩn thận đo kích thước cần dùng cho mỗi mái và chẻ tre ra làm từng thanh nhỏ.
Thanh tre này sẽ được đem hơ qua lửa rồi phơi khô, sau đó mới đem ngâm khoảng 15 ngày thì vớt lên và đánh số theo thứ tự. Công việc này đòi hỏi phải kỳ công, tỉ mỉ, kiên trì và mất nhiều thời gian.
Khi nguyên liệu đã đầy đủ, đảm bảo chất lượng, đội của ông Huệ mới đem đan theo hai hàng thẳng tắp. Để đan đúng kích cỡ, đội thợ chuẩn bị một chiếc hòm đan bằng gỗ có chiều dài 1,65m. Sau khi đan đủ số lượng khoảng 2.500 phiến tranh, ông Huệ và những người khác sẽ chọn ngày đẹp nắng lợp lên mái nhà quê Bác.
Lúc mái tranh lợp xong, cả đội mới thở phào. Mấy năm trở lại đây, do sự thay đổi cơ cấu cây trồng, đội thợ phải đi lên các huyện miền núi Nghệ An như Tân Kỳ, Con Cuông, Nghĩa Đàn tìm mua lá mía.
Bảo tồn di tích thật vẹn nguyên
Hằng năm, Ban quản lý Bảo tàng Khu di tích Kim Liên lại tiến hành thay mái tranh một lần. Vào dịp tháng 2, 3 là đội thợ lợp tranh (gồm 24 người) lại tất bật với công việc đan tranh và hoàn thành lợp mái trước 30.4. Phải mất cả tháng để lợp hết những mái nhà tranh trong khu di tích.
Chúng tôi đã chủ động có những biện pháp để khắc phục khó khăn. Hằng năm Khu di tích tổ chức hội thi đan tranh cho cán bộ nhân viên, mời những cụ cao niên trong nghề đến làm ban giám khảo và truyền đạt kinh nghiệm cho những người trẻ để sau này, khi các cụ già không có khả năng làm thì sẽ có thế hệ trẻ tiếp nối việc đan và lợp tranh, đảm bảo công tác gìn giữ nét truyền thống trong Khu di tích.
(Ông NGUYỄN BẢO TUẤN, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên)
Sau mỗi đợt lợp mái xong, những “nghệ nhân” lợp tranh chỉ nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi lại lao vào công việc thu mua lá mía, tích trữ những cây tre thẳng, dẻo lóng, dễ chẻ, không có đốt sâu, đem ngâm nước, sau một thời gian vớt lên chẻ thành nan để lợp tranh cho mùa sau.
“Hiện tại trong nhóm chuyên lợp tranh của tôi chỉ có 4 người có thể đánh tranh, nhưng lại đều ở độ tuổi trên, dưới 70 tuổi. Bây giờ khi sức khỏe đã yếu đi nhiều, cả cuộc đời hết lòng cho công việc bảo vệ, tôn tạo, gìn giữ những di tích ở Kim Liên, điều khiến tôi suy nghĩ hằng đêm là mai này ai sẽ thay chúng tôi đan tiếp những mái tranh ở nhà Bác”, ông Trần Đình Huệ, Đội trưởng đội lợp tranh với đôi bàn tay mỏng gầy, đã bong đi những lớp da vì lá mía, trăn trở. Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: Do các ngôi nhà trong khu di tích đều được làm từ gỗ, tre, lợp tranh lá mía nên khi chịu tác động của thời gian cùng khí hậu khắc nghiệt nên rất dễ hư hỏng, xuống cấp. Công tác kiểm tra, tu bổ được Khu di tích triển khai thường xuyên.
Trước đây, tầm 2-3 năm, Khu di tích mới thay mái tranh một lần. Nhưng gần 20 năm trở lại đây, do lá mía chịu nhiều hóa chất trong quá trình chăm sóc, chất lượng lá không còn đảm bảo như ngày xưa nên Khu di tích tổ chức trùng tu, thay mái tranh mỗi năm một lần vào trước dịp 30.4.
Khi lợp tranh đòi hỏi phải có nghệ nhân biết đánh tranh, biết lợp tranh. Hiện nay, những nghệ nhân thủ công đó đã dần dần mai một. Chính vì vậy, quá trình trùng tu gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đã chủ động có những biện pháp để khắc phục khó khăn. Hằng năm, Khu di tích tổ chức hội thi đan tranh cho cán bộ nhân viên, mời những cụ cao niên trong nghề đến làm ban giám khảo và truyền đạt kinh nghiệm cho những người trẻ để sau này, khi các cụ già không có khả năng làm thì sẽ có thế hệ trẻ tiếp nối việc đan và lợp tranh, đảm bảo công tác gìn giữ nét truyền thống trong Khu di tích”, ông Tuấn chia sẻ.