Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL:

Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý sai phạm

MINH NGỌC

VHO - Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực triển khai Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL” là tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm. Năm 2023, hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành VHTTDL đã kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt số tiền hơn 14 tỉ đồng.

Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý sai phạm - ảnh 1
Công tác thanh, kiểm tra thường xuyên được triển khai ở nhiều lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn

 Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện hiệu quả ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bản quyền tác giả, lễ hội, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao…

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, qua các cuộc thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trong thời gian qua đã kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần tích cực vào triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được thực hiện hiệu quả ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bản quyền tác giả, lễ hội, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao…

Năm 2023, hơn 1.200 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thành lập trên toàn quốc; thanh tra, kiểm tra hơn 12.100 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 810 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỉ đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ đã triển khai 61 đoàn thanh tra chuyên ngành, 10 đoàn kiểm tra đối với 21 cơ quan quản lý nhà nước về VHTTDL và trên 300 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Thanh tra Bộ cũng đã làm việc với 11 tổ chức để giải quyết các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, phổ biến phim. Thanh tra Sở đã triển khai và chủ trì, phối hợp lực lượng kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hơn 11.800 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 800 trường hợp.

Thanh tra ngành VHTTDL đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; kiên quyết, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành. Riêng trong lĩnh vực quản lý, tổ chức lễ hội; bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các lễ hội, di tích đã thực hiện tốt các quy định pháp luật về tổ chức lễ hội, quản lý di tích, tình trạng thực hành mê tín, dị đoan, đốt vàng mã, mất an ninh trật tự đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tại một số di tích, công tác phòng chống cháy nổ chưa đảm bảo, chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị chữa cháy; còn tiếp nhận đồ vật không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng… Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở đã yêu cầu chính quyền địa phương, BQL di tích, BTC các lễ hội tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không tiếp tay hoặc thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, khắc phục kịp thời các tồn tại, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.

Thanh tra Bộ cũng đã triển khai 4 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke tại Nghệ An, Cà Mau, Hưng Yên, Bắc Giang và tại 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Cà Mau, Bắc Giang... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị các cơ sở kinh doanh karaoke khắc phục một số hạn chế như phải đảm bảo an ninh an toàn, thực hiện nghiêm việc trả tiền nhuận bút, thù lao cho việc sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định. Thanh tra Sở đã kiểm tra hơn 1.100 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường…, xử phạt hơn 140 tổ chức, cá nhân. Nhiều địa phương đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, các tỉnh: Bình Dương, Vĩnh Long, Thái Bình, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh…

Ở một số lĩnh vực nóng như biểu diễn nghệ thuật; quảng cáo; quyền tác giả, quyền liên quan; thể thao, du lịch..., hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành được triển khai thường xuyên, quyết liệt để kịp thời phát hiện những sai phạm; chấn chỉnh và xử phạt các hành vi vi phạm.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Ngay từ đầu năm 2024, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xây dựng Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung đổi mới, mở rộng nội dung thanh tra nhằm phát hiện kịp thời, đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, một số vướng mắc, bất cập cũng được chỉ rõ. Đơn cử, trong lĩnh vực văn hóa, Nghị định số 144/2020/NĐ- CP ngày 14.12.2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa quy định về việc trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, trình diễn thời trang; một số cụm từ chưa được giải thích như “vui chơi”, “giải trí”; Nghị định phân cấp cho địa phương cấp phép đối với các cuộc thi người đẹp, trong trường hợp một cuộc thi tổ chức tại nhiều địa phương thì sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính để xin văn bản chấp thuận tại các địa phương nơi tổ chức. Luật Quảng cáo chưa quy định về phương tiện quảng cáo trên môi trường mạng, internet; chưa quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; chưa giải thích một số từ như “khẩu hiệu”, “thương hiệu”... Một số quy định của Luật Du lịch chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện như: quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan; quy định về hành vi quản lý khách du lịch, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch…

Trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, được nhấn mạnh là việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra. Tăng cường thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật chuyên ngành tại các cơ quan quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương...

Chú trọng thanh tra các lĩnh vực, hoạt động hay xảy ra vi phạm, gây mất an toàn cho người tham gia như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động quảng cáo; hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; kinh doanh hoạt động thể thao; kinh doanh dịch vụ lữ hành; kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; hoạt động hướng dẫn du lịch... Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc triển khai hoạt động thanh, kiểm tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở và các cơ quan, tổ chức có liên quan; xử lý kịp thời khi phát hiện chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.