Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL

HÀ AN

VHO - Sáng 25.7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; các thành viên tham gia soạn thảo Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 thuộc Ủy ban Vă hóa, Xã hội của Quốc hội, các thành viên thuộc các cục, vụ đơn vị liên quan của Bộ VHTTDL.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 1
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị Tổng kết quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

 Hướng tới Luật Di sản văn hóa được tổ chức thực hiện hiệu quả, mang tính thực tiễn cao

Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ VHTTDL về việc xây dựng Luật Di sản văn hóa nêu rõ, trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 413/422 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 86.22%), Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa vào chiều ngày 23.11.2024 - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Luật Di sản văn hóa gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều), bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản để giải quyết những điểm bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 2
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị

Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao,  tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ thực tế sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Bộ VHTTDL ghi nhận sự đóng góp đầy tâm huyết, đồng hành với Ban Soạn thảo Luật Di sản văn hóa năm 2024 của các chuyên gia, nhà quản lý về di sản văn hóa trong nước và quốc tế; tinh thần trách nhiệm, tận tâm với mục tiêu hướng tới là Luật Di sản văn hóa được tổ chức thực hiện hiệu quả, mang tính thực tiễn cao của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa xã hội);

Sự chung tay của các ban, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cùng đề xuất các phát sinh, vướng mắc trên thực tiễn, để góp ý hoàn thiện dự thảo Luật và các báo đài, truyền thông đã đưa tin kịp thời, tuyên truyền cho các chính sách lớn đi vào cuộc sống, nâng cao trách nhiệm của từng người dân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 3
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các cá nhân có đóng góp trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế pháp luật về quảng cáo

Về Luật Quảng cáo, thực hiện Nghị quyết số 129, trải qua quá trình chuẩn bị công phu, ngày 4.7.2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ - đã ký Tờ trình số 350/TTr-CP, trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Sau khi Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội để rà soát, đối chiếu, hoàn thiện các nội dung của Dự án Luật.

Ngày 24.9.2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến chính thức về Dự án Luật. Ngay sau đó, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nội dung sát thực tiễn, Dự án đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội khóa XV.

Từ sau khi Dự án Luật được cho ý kiến, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – cơ quan thẩm tra Dự án, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên sâu từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ Luật.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 4
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các cá nhân có đóng góp trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Việc tiếp thu, chỉnh lý được thực hiện trên tinh thần cầu thị, khoa học và thực tiễn, nhằm đảm bảo rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ thực sự khắc phục được những bất cập đã tồn tại, đồng thời xây dựng một hành lang pháp lý hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động quảng cáo trong nước, và phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế.

Sau quá trình chuẩn bị công phu và nghiêm túc, ngày 16.6.2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1. 2026.

Việc ban hành Luật không chỉ là kết quả của một chặng đường dài nỗ lực, mà còn là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện thể chế pháp luật về quảng cáo.

Đây là thành quả chung của sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tâm của tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ: từ cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, đến các bộ, ngành phối hợp góp ý.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 5
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các cá nhân có đóng góp trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Chương trình mục tiêu quốc gia - nguồn động lực quan trọng

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15 tại Nghị quyết số 162 ngày 27.11.2024. Đến nay việc triển khai đã hoàn thành dự thảo các văn kiện cơ bản nhất của Báo cáo nghiên cứu khả thi gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để có được chủ trương và sự đồng thuận của hệ thống chính trị, của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và các cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực văn hóa, có sự đóng góp không ngừng nghỉ của các cơ quan tham gia, phối hợp xây dựng chủ trương Chương trình, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (nay là Ủy ban Văn hóa, Xã hội).

Chủ trương xây dựng Chương trình có thể được tạo nguồn động lực quan trọng từ Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Những định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo được nêu rõ ràng và đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan văn hóa bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng Chương trình.

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ VHTTDL đã chủ động nghiên cứu xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và đã thực hiện tham vấn các cơ quan, viện nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với tư cách là cơ quan của Quốc hội đồng thời cũng xin ý kiến các đồng chí trong Ủy ban với tư cách cá nhân, những con người tâm huyết cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước.

Ngày 14.8.2023, Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 219/TTr-BVHTTDL về việc thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình kèm theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình số 218/BC-BVHTTDL.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 6
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện Ninh Thị Thu Hương công bố quyết định khen thưởng của Bộ VHTTDL

Thực hiện các quy trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, ngày 17.4.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ - CP thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình.

Với tinh thần khẩn trương và hỗ trợ Chính phủ, Bộ VHTTDL, theo tham mưu của UB VHGD, ngày 12.5.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc họp cho ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình.

Ngày 13.5.2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra  số 2429/BC-UBVHGD15. Ngày 19.5.2024, Tổng thư ký Quốc hội đã có thông báo số 3652/TB-TTKQH kết luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 9.7.2024 về Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 7
Quang cảnh Hội nghị

Ngày 13.9.2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.

Một lần nữa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã sớm tổ chức thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến các đại biểu quốc hội và sát cánh cùng Bộ VHTTDL để tiếp thu, chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu của các đại biểu quốc hội đảm bảo hồ sơ trình đúng quy định.

Ngày 27.11.2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.

Cho tới thời điểm hiện nay, Bộ VHTTDL đã bám sát nội dung của Nghị quyết số 162 xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ (vào ngày 20.5.2025) và đang hoàn thiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí thực hiện Chương trình cũng như Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Đưa các quy định của pháp luật vào thực tiễn cuộc sống

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 8
Quang cảnh Hội nghị

 Phát biểu chúc mừng và bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn những đóng góp, đồng hành của Ủy ban Văn hóa, Xã hội (trước là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), của các thành viên tham gia quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Di sản và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: Liên tiếp tại 2 kỳ họp của Quốc hội, Bộ VHTTDL đã trình Báo cáo và được Quốc hội thông qua 3 nhiệm vụ quan trọng theo kế hoạch công tác của Bộ VHTTDL và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Đây đều là những nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ pháp lý quan trọng cũng như là cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước của ngành VHTTDL.

Đồng thời góp phần hoàn thiện nền móng cho việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hết sức quan trọng của ngành VHTTDL.

Theo Thứ trưởng, cả 3 nhiệm vụ này đều có quá trình hết sức công phu, nghiêm túc từ phía cơ quan chủ trì xây dựng là Bộ VHTTDL, sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL với các bộ, ngành, các địa phương để hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội.

Thứ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều khó khăn, nhiều bài học được rút ra.

Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề xuất những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong đó có định hướng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của quốc hội thời điểm đó, đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tổ chức hội thảo quốc gia về “Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa”. Tại Hội thảo này, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và cũng coi đây là nhiệm vụ mang tính chất chiến lược.

Công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của ngành VHTTDL - ảnh 9
Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

 Đối với Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, là những lĩnh vực xương sống trong việc quản lý nhà nước của ngành và gắn bó rất mật thiết với người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng cũng có rất nhiều thay đổi, điều chỉnh về chính sách xây dựng pháp luật.

Theo Thứ trưởng, tới đây, Bộ VHTTDL còn nhiều nhiệm vụ cần sự phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Xã hội để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với công tác quản lý của ngành như kế hoạch xây dựng và trình Quốc hội thông qua sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Du lịch, Luật Thể dục thể thao hay hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

“Trong quá trình triển khai thực hiện theo các chức năng, nhiệm vụ, để các quy định pháp luật đi vào đời sống thì việc giám sát công tác triển khai thực hiện là hết sức quan trọng, mong các đồng chí trong Ủy ban Văn hóa, Xã hội tiếp tục chỉ đạo cũng như phối hợp tổ chức thực hiện công tác giám sát việc thi hành theo quy định của pháp luật để góp phần thúc đẩy, đưa các quy định của pháp luật vào thực tiễn cuộc sống”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ.