“Loay hoay” tìm vị trí xây dựng Bảo tàng Khánh Hòa
VHO - Trong số 19.000 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, hầu hết đều phải đưa vào kho bảo quản do bảo tàng đã xuống cấp và không đủ điều kiện trưng bày. Đã nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa vẫn mãi “loay hoay” tìm vị trí để xây dựng bảo tàng mới nhưng vẫn chưa thể giải quyết, công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nơi đây gặp nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có đề xuất mới xây dựng Bảo tàng tỉnh trên đường Phạm Văn Đồng gần bên danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ
Chúng tôi tìm tới tham quan Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (16 Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang), và đã phải chứng kiến nhiều hạng mục nơi đây xuống cấp nặng nề; không gian trưng bày còn lại khá chật hẹp. Khu vực trưng bày các hiện vật nghèo nàn, chỉ có rất ít hiện vật và hầu hết các hiện vật nơi đây phải lưu kho. Các phòng làm việc tại bảo tàng tỉnh cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, bị ngấm dột, ẩm mốc.
Bảo tàng xuống cấp, hiện vật lưu kho
Năm 1979, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa được thành lập theo Quyết định số 1329/UB-TC của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh cũ. Trụ sở Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa được cải tạo lại từ một ngôi nhà cổ mang đậm kiến trúc Pháp xây dựng vào đầu thế XX trên đường Trần Phú, TP Nha Trang. Với kết cấu khu nhà, bảo tàng chia thành hai tầng có lối đi riêng được thiết kế ngay bên trong. Tầng trệt có 2 phòng trưng bày, tầng trên là kho lưu trữ các hiện vật.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn bộ khuôn viên của bảo tàng rộng khoảng 2.000m2 nhưng diện tích trưng bày trong tòa nhà rất chật hẹp, chỉ gồm 2 phòng với diện tích khoảng hơn 200m2 nên chỉ mở cửa giới thiệu một số rất nhỏ trong hơn 19.000 hiện vật đang lưu giữ và bảo quản. Còn ở tầng trên chủ yếu là kho để chứa hiện vật. Một phần khuôn viên của bảo tàng hiện nay được cho thuê làm quán cà phê, tạo nguồn thu để trả tiền lương cho những lao động hợp đồng làm việc tại Bảo tàng.
“Đây là nhà làm việc ngày xưa của người Pháp, có các phòng ngủ, phòng làm việc nên diện tích các phòng bố trí rất nhỏ, công năng không đảm bảo để trở thành bảo tàng. Chúng tôi cố gắng đem những gì tiêu biểu về văn hóa, con người Khánh Hòa để giới thiệu tới du khách chứ không thể đem hết hiện vật ra được. Một số hiện vật quý giá cũng không thể đem ra trưng bày vì điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo”, ông Phong bộc bạch. “Rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đang lưu giữ trong kho nhiều năm, chúng tôi rất muốn đem ra trưng bày, giới thiệu đến người dân, nhưng lực bất tòng tâm”, ông Phong nói. Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa thông tin, nhiều năm nay, tỉnh đang xúc tiến để xây dựng một bảo tàng mới, quy mô và bề thế hơn. Theo quy hoạch, bảo tàng mới sẽ nằm ở Quảng trường Đại Dương, khu vực sân bay Nha Trang cũ.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa (lần thứ 3) trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, tại khu vực sân bay Nha Trang cũ được quy hoạch là “Quảng trường Đại Dương”. Quảng trường này được “tích hợp các chức năng như Bảo tàng, triển lãm, dịch vụ văn hóa đa năng và tổ hợp khách sạn thành một quần thể công trình điểm nhấn tại điểm cuối của trục chính khu đô thị sân bay Nha Trang”. Tuy nhiên, khu đất sân bay Nha Trang cũ vẫn trong giai đoạn bị thanh tra nên để được giao đất xây bảo tàng tại đây vẫn chưa biết đến bao giờ?.
Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa có không gian chật hẹp, một phần được cho thuê để kinh doanh buôn bán cà phê
Đề xuất xây bảo tàng bên di tích Hòn Chồng - Hòn Đỏ
Để có thêm phương án khác xây dựng bảo tàng, ngày 13.3.2024, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ban hành văn bản gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo về đề xuất vị trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tại khu đất phía Đông đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang (bên cạnh di tích quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ).
Trước đó, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo đề xuất vị trí xây mới Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Khu đất được đề xuất xây dựng nằm trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang (một phần khu đất thuộc dự án Nha Trang Sao trước đây, bên cạnh khu vực danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ). Đoàn khảo sát của Sở VHTT đánh giá, Bảo tàng tỉnh xây tại đây sẽ phát huy tốt lợi thế của vị trí và khả năng khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, khu đất này gắn với quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ và vịnh Nha Trang; gần đó là di tích Tháp Bà Ponagar và sau này có Bảo tàng Yersin (khu vực Nhà khách 378 hiện nay); khu đất có diện tích rộng, cảnh quan thiên nhiên hài hòa, đáp ứng được yêu cầu xây dựng Bảo tàng mới. Nếu Bảo tàng tỉnh được xây dựng tại đây, sẽ tạo thành một quần thể trung tâm du lịch liên hoàn, tạo nên một điểm nhấn mới, nổi bật của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Nha Trang, Khánh Hòa…
Nghị quyết số 34/NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa ngày 22.12.2023 về việc phát huy các giá trị di sản văn hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Đến năm 2025, Khánh Hòa hoàn tất lập hồ sơ quản lý chi tiết đối với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo khoa học giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia đối với Đàn đá Khánh Sơn và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Bia chủ quyền Trường Sa; xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Đến năm 2030, sẽ hoàn thành việc xây dựng mới và đưa vào hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh, gồm: Bảo tàng Alexandre Yersin; Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 2). Thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi 31 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng; trong đó, hoàn thành trùng tu, tôn tạo đối với 100% di tích có hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng…
Chủ trương là thế, tuy nhiên hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn mãi “loay hoay” với bài toán tìm vị trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa vì vẫn chưa có đáp án cụ thể. Trong khi đó Bảo tàng tỉnh hiện nay đã xuống cấp, không đáp ứng công năng trưng bày khiến số phận của hơn 19.000 hiện vật vẫn mãi nằm trong kho lưu trữ, không biết bao giờ được đem ra trưng bày giới thiệu đến người dân, du khách.
XUÂN HƯỚNG