Người mẹ viết tiếp ước mơ của những đứa trẻ da cam
VHO - “Vùng tôi đóng quân bị nhiễm chất độc da cam, đến lá cây mì cũng quắt queo, biến dạng, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn để có sức làm việc. Những năm tháng bom đạn dày xéo, hàng tấn chất độc đã đổ xuống mảnh đất này, khiến nhiều đứa trẻ vô tội sinh ra phải gánh chịu hậu quả. Tôi thương chúng và thấu hiểu nỗi lòng của các bậc làm cha mẹ”...
Đồng cảm với những số phận kém may mắn, bà Nguyễn Thị Hường (70 tuổi), xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã chọn cho mình công việc nhọc nhằn chẳng giống ai: Trở thành người mẹ tạo niềm tin, tiếp thêm nghị lực sống cho những mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng.
Duyên nợ với nghề
70 tuổi đời và sắp tròn 50 năm tuổi Đảng, mức tiền lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng còn khỏe mạnh thì bà Hường còn ở lại, dành hết tình yêu thương chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền. Bà Hường chia sẻ, đến nay đã có 13 năm gắn bó với Trung tâm. Việc chăm sóc nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, chăm sóc trẻ là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam còn gian khổ, vất vả gấp trăm lần. Không chỉ đơn giản là nuôi cho chúng lớn, mà còn dạy cho chúng cách sống, cách làm người, cách hòa nhập cộng đồng…
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 17 tuổi, bà Hường nhập ngũ, làm giao liên ở Quân khu V tại Nam huyện Trà My (Quảng Nam). Đến khi vừa tròn 20 tuổi, bà được kết nạp Đảng. Sau đó, bà đi học bổ túc và học hệ Trung cấp quản lý kinh tế, rồi làm việc tại Công ty Cầu đường 2 An Nhơn, Nghĩa Bình. Năm 1991, bà Hường về lại quê hương xã Nghĩa Thắng lập gia đình và sinh được một người con trai. Thời gian sau đó, bà công tác tại địa phương, giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thắng.
Năm 2011, khi bà Hường về nghỉ hưu cũng là lúc Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng thành lập, bà xung phong tham gia làm việc tại đây để giúp đỡ trẻ em khuyết tật.
Gieo những hạt giống yêu thương
Bà Hường trải lòng, dạy trẻ giống như nghệ nhân vuốt gốm sứ, lúc kiên quyết, lúc lại mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhưng trên hết là phải nâng niu, gửi gắm trọn niềm tin yêu vào trẻ. Chỉ có vậy, các em mới mở lòng và dịu đi những đau đớn bởi bệnh tật giày vò.
“Nhiều lúc tôi đã khóc theo chúng. Có những ngày trái gió trở trời, nhiều em lên cơn đau đầu dữ dội, gào thét, cào cấu, cắn xé quần áo. Tôi chỉ biết ôm chặt các em trong lòng, kệ cho lũ nhỏ cào cấu vào tay mình. Cứ thế, cô khóc, trò gào, đến khi các bé dịu cơn mới thôi”, bà Hường bộc bạch.
Bà Hường nhớ lại ngày đầu tiên nhận việc thì gặp ngay một tình huống khẩn cấp, đó là bệnh nhân Nguyễn Văn Lời (SN 1978, xã Nghĩa Thắng) bất ngờ lên cơn co giật, la hét rồi ngã từ trên giường xuống đất. “Lúc đó trời đang rất nắng nóng, thấy em tự nhiên lên cơn, tôi chạy đến nâng đầu em lên gối, xoa bóp, an ủi một hồi lâu em mới trở lại bình thường”, bà Hường kể.
Về sau, bà hỏi thăm thì được biết cha mẹ Lời đều tham gia cách mạng, em sinh ra bị nhiễm chất độc da cam. Mỗi khi trời nắng nóng Lời đều rất khó chịu. Lúc này, chỉ cần kê cao đầu, để yên cho em nằm nghỉ, một lúc sau sẽ hồi tỉnh, rồi xoa bóp tay chân thì Lời sẽ lại bình thường.
Bà Phạm Thị T (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) tâm sự, con của bà bị nhiễm chất độc da cam nên chậm phát triển trí tuệ. Từ ngày có Trung tâm, bà là một trong những gia đình được ưu tiên đưa con đến đây gửi. Nhờ đó, bà có thời gian đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Từ khi được đi học, con bà đã biết thêm nhiều điều, biết tự xúc cơm ăn và làm được một số việc nhà…
Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng có diện tích khoảng 1.000m2, hiện đang nuôi dưỡng 15 trẻ em khuyết tật, cuộc sống các em vô cùng khó khăn và không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội. Phụ huynh đưa con đến Trung tâm vào buổi sáng, đón con vào chiều tối nên các em chỉ được ăn một bữa cơm trưa. Trước đây, suất ăn của các em được vận động đóng góp từ các nhà hảo tâm, đến năm 2020, HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua ngân sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em khuyết tật, suất ăn đã được nâng lên 20.000 đồng/em. Nhưng trong số 15 em, chỉ có 9 em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ, còn lại các em khác vẫn phụ thuộc vào nguồn kêu gọi, vận động.
Để đảm bảo bữa ăn của trẻ đủ dinh dưỡng, bà Hường trồng thêm rau, củ, quả trong khuôn viên Trung tâm. Thu hoạch được nhiều, bà mang ra chợ bán rồi đổi thịt, cá. Nhiều người xung quanh biết chuyện đã mang chút “cây nhà lá vườn” để góp vào suất ăn cho các em.
Ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, nhưng Trung tâm chỉ có thể nhận 15-20 em/năm để đảm bảo khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc. Cả Trung tâm chỉ có 3 người là tôi, bà Hường và một cô phụ trách y tế kiêm văn thư, chúng tôi đều xuất phát từ cái tâm mà ở lại, giúp các em vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập xã hội”.