Công tác quản lý gia đình cần được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các giá trị văn hóa
VHO - Chiều 16.7, tại TP.HCM, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tập huấn công tác gia đình năm 2025 các tỉnh phía Nam. Hội nghị do Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.

Tham dự tập huấn là lãnh đạo Sở, lãnh đạo phòng chuyên môn, chuyên viên phụ trách công tác gia đình của Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành khu vực phía Nam, những người đang trực tiếp triển khai công tác gia đình tại địa phương.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình trong xã hội và là nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của quốc gia.
Bên cạnh đó, cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các địa phương, đặc biệt trong việc thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 và các văn bản quy định chi tiết của luật…
Phát biểu khai mạc, TS Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, bày tỏ sự đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà các địa phương đang đối diện, trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn về phương pháp, cách thức quản lý nhà nước và phạm vi hoạt động địa bàn ngày càng mở rộng.

Cục trưởng nhấn mạnh: “Trước bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ tập trung vào nội dung gì để công tác gia đình thực sự hiệu quả, thiết thực?
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định này được xem là văn bản pháp lý quan trọng, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, xây dựng công dân số, cơ sở dữ liệu số, đồng thời gắn với các văn bản chỉ đạo có liên quan…”.
Theo TS Ninh Thị Thu Hương, việc tổ chức hội nghị tập huấn lần này không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức, mà còn là cơ hội để trung ương lắng nghe địa phương, cùng tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cách làm và phương án triển khai.
“Khi địa phương bắt tay thực hiện Nghị định 110 và các chỉ đạo của Chính phủ, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc thực tế. Chúng ta cần trao đổi đa chiều, không chỉ ‘tập huấn’ mà còn ‘học hỏi lẫn nhau’, để tìm giải pháp phù hợp và khả thi nhất”, Cục trưởng chia sẻ.

TS Ninh Thị Thu Hương cũng cho rằng, song song với chuyển đổi số, công tác quản lý gia đình hiện nay cần được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với các giá trị văn hóa, xã hội.
Trung ương sẽ tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện các mô hình, bộ chỉ số, tiêu chí định lượng, đồng thời tổng kết, nhân rộng những cách làm hiệu quả từ các địa phương.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giữ gìn, củng cố giá trị cốt lõi của gia đình. Trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng, chúng ta phải dám nhìn thẳng vào thực tế để xác định yếu tố nào cần gìn giữ, yếu tố nào cần thích ứng.
Nếu không, đến một thời điểm nào đó, ngay cả các mô hình nghiên cứu cũng không còn phù hợp”, Cục trưởng nhấn mạnh.

TS Ninh Thị Thu Hương kỳ vọng thông qua hội nghị này, không chỉ các chuyên đề từ trung ương được truyền đạt, mà các địa phương cũng mạnh dạn nêu lên khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp cụ thể.
Từ đó, các cấp, các ngành sẽ cùng đồng thuận hướng tới mục tiêu chung: xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, thấm đẫm giá trị nhân văn, hướng về con người - trung tâm của mọi chính sách văn hóa.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 16-17.7, với các chuyên đề được triển khai: Phổ biến, quán triệt Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản mới có liên quan đến công tác gia đình;
Hướng dẫn nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; Giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình;
Giới thiệu về Mô hình giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn; Giới thiệu bộ chỉ số gia đình hạnh phúc; Chuyển đổi số trong phòng, chống bạo lực gia đình…
(Cục Văn hoá cơ sở, Thư viện và Gia đình - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện)