Phát hiện chiếc túi xách hàng hiệu của người vợ giản dị, chồng nghi có “ai đó” tặng rồi bừng tỉnh trước một sự thật
VHO - Quỳnh đang loay hoay nấu cơm ở bếp, Trí về nhà, vào phòng khách và bất ngờ nhìn thấy một chiếc túi hàng hiệu. Là một người thành đạt không khó để anh nhận ra giá trị của chiếc túi. Vợ mình vốn tính giản dị, tiết kiệm, khó có chuyện bỏ tiền ra mua. Vậy thì chắc chắn là có ai đó tặng.
Suốt hai mươi năm làm dâu, làm vợ, rồi làm mẹ, Quỳnh chưa từng sắm cho mình một món đồ đắt tiền đáng kể nào. Mỗi lần mua sắm đồ như: túi xách, quần áo… cô chỉ mua ở chợ với giá vài trăm nghìn và vui vẻ với những lựa chọn đó.
Còn phần lớn thời gian ở chợ là Quỳnh mua thịt, cá, rau, củ, quả cho bữa cơm gia đình tươm tất nhất có thể. Cô vẫn giữ thói quen cũ: mua mớ rau hơi cằn cằn thì rẻ và lành hơn, mua tôm, cá lúc chiều muộn thì có khi được bớt thêm mấy nghìn lẻ.

Thói quen này được hình thành từ ngày Quỳnh về làm vợ Trí còn nhiều thiếu thốn. Hồi đấy trong căn nhà chỉ có một cái tủ sắt mỏng, một bên gắn gương, cái thùng tôn đựng đồ và cái giường. Bên cạnh là căn bếp được xây còn chưa trát hết lớp vữa bên ngoài, lộ ra những hàng gạch đỏ bị mòn dần theo ngọn lửa của năm tháng.
Thế rồi lần lượt hai đứa con chào đời, cô xoay từng đồng lẻ, tằn tiện, gói ghém, dành dụm từ gạo đến tiền thuốc cho chồng con. Đến lúc Trí làm ăn khấm khá, có chức quyền trong công ty, rồi có nhà to, xe đẹp, Quỳnh vẫn giữ nếp sống giản dị cũ. Quần áo của cô phần lớn là đồ chợ, dép mòn gót vẫn dùng đến khi hỏng. Quần áo nếu không rách hay ngắn thì cô vẫn mặc từ năm này qua năm khác.
Nhưng khi gia đình cô giàu có cũng kéo theo nhiều chuyện mà trước giờ chẳng ai nghĩ đến. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có người họ hàng tìm đến. Khi thì họ vay tiền làm ăn, khi thì người nhà ốm đau, tai nạn, lại có khi nhờ vả cho đứa cháu mới ra trường xin vào chỗ nọ chỗ kia. Có nhà thì lý do con cái đi học xa nhà phải ở trọ, cái nhà đang mua thiếu tiền, cái nhà đang xây bị phát sinh đội giá...
Quỳnh không nỡ từ chối. Cô quen sống vì người khác, và luôn cho rằng, mình may mắn không nghèo khổ thì dang tay giúp đỡ lại những người kém may mắn hơn.
Chiều đó, Quỳnh đang loay hoay nấu cơm ở bếp, Trí về nhà, vào phòng khách và bất ngờ nhìn thấy một chiếc túi hàng hiệu. Là một người thành đạt không khó để anh nhận ra giá trị của chiếc túi. Ngay lập tức, những suy nghĩ hỗn độn xuất hiện trong anh. Vợ mình vốn tính giản dị, tiết kiệm, khó có chuyện bỏ tiền ra mua. Vậy thì chắc chắn là có ai đó tặng. Mà ai tặng cái túi đắt tiền này được, liệu có phải họ trả ơn gì không?
Chưa chắc, nếu trả ơn sao không mua thứ gì trung tính hoặc cả nhà dùng được. Đằng này họ lại mua một cái túi của phụ nữ. Không lẽ, đây là một người đàn ông có gì “mờ ám” mua tặng vợ mình sao? Phải thế nào đấy thì họ mới không ngần ngại mua tặng vợ mình cái túi đắt tiền này. Có quá nhiều câu hỏi khiến anh không thể tìm được câu trả lời mà chỉ nhăm nhăm nhìn vào cái túi. Lúc này, Quỳnh mới lên tiếng:
- Anh thấy cái túi có đẹp không?
Anh cau mày:
- Ai tặng em à?
- Không, em mua ạ!
- Em mua, sao lạ thế, em có biết giá của nó bao nhiêu không?
- Em vẫn còn hoá đơn đây ạ, không lẽ vì đắt mà em không thể mua cho mình được ạ?
- Không sao cả, anh chỉ sợ... có ai đó tặng đồ cho vợ mình thôi.
- Ôi giời ơi, vợ anh già quá rồi, chả có ai tặng đâu. Em nói thật, giờ mà em có cầm cái túi xách này ra đứng ngoài đường kia rồi ngủ gật thì chỉ một lúc sau cái túi bị mất chứ vợ anh thì hai ngày sau chả ai nhặt.
Quỳnh nói xong câu đùa liền ôm bụng cười, và Trí cũng cười theo.
- Nhưng anh thấy lạ, sao tự nhiên em lại học đòi sống sang?
Quỳnh chạnh lòng, những lời chồng nói như một mũi dao cứa nhẹ vào lòng cô. Cô mím chặt môi. Bao năm gồng gánh, vun vén… giờ chỉ vì một chiếc túi mà bị quy kết là "sống sang".
- Em mua nó không phải vì sang. Em chỉ muốn, ít nhất một lần, em không phải là người gói ghém từng đồng vì người khác. Em muốn có cái gì đó... cho riêng mình.
Quỳnh kể lại, mấy hôm trước gặp lại những người bạn cũ, giờ ai cũng ăn mặc sang trọng, túi xách, giày dép, quần áo... toàn hàng hiệu. Quỳnh giơ cái điện thoại ra chụp ảnh, ai cũng cười vì... đồ cổ!. Chưa hết bạn bè còn nói, sao cô phải sống tằn tiện khổ vậy, nào phải cô nghèo, cô có điều kiện cơ mà. Quỳnh cảm thấy chạnh lòng.
Không phải cô ganh tị, mà là cảm giác bị lạc lõng. Cô vẫn là người phụ nữ giản dị, nhưng từ bao giờ cái giản dị ấy lại khiến cô thấy tự ti?
Hôm đó, Quỳnh về nhà và suy nghĩ, đúng là cô không quá khó khăn để phải so đo mỗi khi mua sắm đồ. Tại sao bản thân cô sẵn sàng cho không, hoặc cho vay (mà chả biết khi nào họ trả) hàng chục đến hàng trăm triệu mà mua cho mình một thứ gì đó tầm 50 triệu lại tiếc đến thế? Quỳnh cho rằng, đã đến lúc mình phải tự mua cho mình một món đồ gì đó như tự thưởng sau bao năm vất vả, lo toan cho cho gia đình và cả người khác nữa.
Sau bao lần đắn đo, Quỳnh bước vào một cửa hàng trong trung tâm thương mại và mua một chiếc túi hàng hiệu. Trả tiền xong rồi, cô lại nhẩm tính, giá chiếc túi có khi bằng tiền đi chợ cả tháng của gia đình. Nhưng sau đó, Quỳnh trấn tĩnh và cho rằng: "Cả đời chăm người khác, chẳng lẽ mình không được sống một chút cho bản thân?".
Nghe chuyện xong, Trí im lặng. Anh chưa từng nghĩ đến cảm xúc của vợ. Với anh, Quỳnh là người vợ không biết đòi hỏi, không biết mệt. Anh nghĩ cô quen sống như thế, nên mãi mãi sẽ không cần gì hơn. Anh chợt hiểu, có lẽ vợ mình gần như cả đời lo toan vì người khác, cuối cùng cũng chỉ muốn một lần được hưởng thành quả cho riêng mình. Anh lặng lẽ ôm vợ.
Sáng hôm sau, Quỳnh dậy sớm như mọi ngày. Nhưng khi bước ra phòng khách, cô thấy trên bàn là một đôi giày da mới tinh, cùng với nhãn hàng chiếc túi cô mua trước đó, kèm theo tấm thiệp nhỏ, trên đấy là chữ viết của Trí:
"Nếu em đã bắt đầu sống cho mình, thì hãy sống trọn vẹn và rực rỡ. Anh cũng sẽ học lại cách chăm sóc người vợ bao năm đã quên mình, chăm chồng con suốt thời gian qua".