Thanh Hóa: Nhân rộng các mô hình gia đình, lan tỏa giá trị truyền thống
VHO - Trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Nét nổi bật là,các mô hình gia đình tiêu biểu không ngừng được mở rộng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và phòng ngừa hiệu quả các tệ nạn xã hội.

Một trong những mô hình nổi bật là “Gia đình 5 có, 3 sạch” – với nội dung thiết thực như: có nhà sạch, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có tình thương; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Mô hình này tiếp tục được triển khai sâu rộng ở các khu dân cư, thôn, bản, đặc biệt gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Song song đó, mô hình “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương” cũng được khuyến khích tại các dòng họ, trường học và hộ gia đình. Việc phát triển các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ không chỉ tạo không gian học tập, giải trí lành mạnh mà còn gắn kết các thế hệ, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống từ trong từng gia đình.
Nhiều nơi còn phát triển mạnh Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tại cấp xã, thôn. Đây là sân chơi văn hóa bổ ích, nơi các thành viên trong gia đình được tham gia các hoạt động thể thao, pháp luật, nghệ thuật và giao lưu gắn kết cộng đồng.
Một điểm nhấn trong hoạt động công tác gia đình của tỉnh là việc mở rộng Câu lạc bộ “Nữ công nhân hạnh phúc tiêu biểu”. Tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh đã có 163 câu lạc bộ với trên 4.600 hội viên, chủ yếu là nữ lao động tại các khu dân cư và doanh nghiệp. Những CLB này đóng vai trò như một “mái nhà chung”, nơi phụ nữ được chia sẻ về kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, quản lý tài chính gia đình và bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Bên cạnh đó, các mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” tiếp tục được duy trì và nhân rộng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình. Các địa điểm này kết nối hiệu quả với chính quyền địa phương và hệ thống tư vấn tâm lý, pháp luật, đảm bảo an toàn và hỗ trợ bước đầu cho người bị hại.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, các mô hình gia đình không chỉ giúp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần củng cố sức mạnh cộng đồng. Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền trực quan, các dịp lễ như Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3), Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) hay Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… công tác gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2025, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình hiệu quả, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2026 theo định hướng giai đoạn 2022–2030 của Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư.
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)