Quảng Ngãi:

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

NHƯ ĐỒNG

VHO - Ở Quảng Ngãi nhiều chương trình, hành động thiết thực “Vì nạn nhân chất độc da cam” được các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt. Qua đó giúp sức, tạo điều kiện cho nạn nhân và gia đình vượt qua nỗi đau thể chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 1
Vợ chồng anh Đặng Văn Tấn phát triển kinh tế làm nhang sạch

Anh Đặng Văn Tấn, năm nay (40 tuổi), ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi bị teo cơ cả tứ chi khi vừa sinh ra. Anh là vận động viên bơi lội của Đội tuyển thể thao người khuyết tật TP HCM. Chị là Mai Thị Trúc Lệ, năm nay 37 tuổi, là vận động viên của đội tuyển điền kinh. Quê ở tỉnh Tiền Giang, bị teo cơ một tay. Anh chị gặp và yêu nhau khi cùng tham gia đội tuyển thể thao. Cả hai cưới nhau và quyết tâm không muốn làm gánh nặng cho gia đình, năm 2020 anh chị quyết định về quê ở xã Tịnh Thiện để lập nghiệp.

Biết được hoàn cảnh của vợ chồng anh Tấn, năm 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Quảng Ngãi hỗ trợ 25 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm và vay mượn vợ chồng anh xây dựng một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của gia đình. Có được mái ấm riêng, năm 2020, anh Tấn bàn với vợ rồi tìm hiểu, đến với nghề làm nhang quế để ổn định cuộc sống.

Chị Lệ cho biết: “Gia đình tôi ở Tiền Giang có nghề làm nhang quế nên đã biết cách làm nhang sạch. Nhang quế ở cơ sở tôi được làm chủ yếu từ vỏ và lá quế, nên có mùi hương thơm dịu. Sản phẩm mình không có hóa chất nên giá thành cao. Những người đã sử dụng rồi thì họ ưa chuộng”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 2
Tặng máy sấy nhang giúp thuận lợi tăng năng suất

Năm 2023 vừa qua, anh Đặng Văn Tấn tiếp tục được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh quan tâm, hỗ trợ số tiền 50 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà. Đồng thời, trao tặng máy sấy nhang trị giá 30 triệu đồng.

Anh Tấn chia sẻ, nghề làm nhang phụ thuộc rất cao vào thời tiết. Nếu trời mưa, nhang không thể phơi được, còn trời nắng quá sẽ khiến nhang phơi bị bể. Nên từ khi được hỗ trợ máy sấy, năng suất và lợi nhuận của gia đình tôi tăng lên gấp đôi. Nếu không nhận được sự giúp đỡ của các cấp hội, không biết đến khi nào gia đình mới được an cư lạc nghiệp. Và cái nghèo, cái khổ sẽ còn đeo bám chúng tôi đến bao giờ.

“Điều tôi mong nhất hiện tại là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nhang quế của mình. Từ đó, mở rộng thêm quy mô sản xuất và có thể tạo việc làm ổn định cho nhiều người kém may mắn không may sinh ra với thân thể chẳng lành lặn như vợ chồng tôi”, anh Tấn bộc bạch.

Tròn hai tháng, bà Đỗ Thị Hương (75 tuổi) cùng người con gái là chị Nguyễn Thị Phương (46 tuổi), ngụ thôn Quang Mỹ, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi được sống trong ngôi nhà mới. Có được ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang là niềm mơ ước cả đời của bà Hương.

Trở về sau chiến tranh, chồng của bà Hương không chỉ bị suy giảm sức khỏe, mất sức lao động mà 1 trong 4 người con của vợ chồng bà là chị Phương cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Dù ở độ tuổi trung niên, nhưng tâm trí của chị Phương chỉ như đứa trẻ, không làm chủ được hành vi. Do đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài sống chung với bệnh tật, cách đây 3 năm, chồng bà Phương qua đời. Để lại bà Hương sống cùng người con gái tật nguyền.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bà Hương đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ số tiền 50 triệu đồng để làm nhà mới, thay thế căn nhà xuống cấp. Hàng xóm láng giềng cũng nhiệt tình giúp đỡ ngày công lao động.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 3
Mẹ con bà Đỗ Thị Hương được sống trong ngôi nhà kiên cố

Bà Hương cho biết, con gái tôi bị di chứng chất độc hóa học thường xuyên đau ốm. Trong khi đó, chồng tôi cũng mất sức lao động nên kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nhận được sự hỗ trợ của các cấp hội, giúp gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà mới khá vững chắc, không còn phải lo mỗi khi mưa bão, tôi hết sức vui mừng. Đây là là sự động viên, giúp đỡ quý báu, giúp tôi có tinh thần lạc quan, chăm sóc, nuôi dưỡng con gái vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm động lực lao động sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Tiến Tới cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 20,7 nghìn nạn nhân da cam. Những hoạt động thiết thực của hội cùng với sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể và toàn xã hội đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các gia đình nạn nhân có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua vết thương mà chiến tranh để lại, vươn lên trong cuộc sống.

“Thời gian đến, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức vận động nguồn lực xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức hội ở cơ sở thường xuyên sâu sát nắm bắt từng hoàn cảnh, gia đình nạn nhân để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp”, ông Tới nói thêm.