Tâm tư của người thương binh già có con gái nhiễm chất độc da cam

VHO- 39 năm nuôi con cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng người thương binh Phạm Chí - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Kim Liên, nén những vất vả cực nhọc, nén nỗi đau đớn vào trong.

Tam tu cua nguoi thuong binh gia co con gai nhiem chat doc da cam hinh anh 1

Nhân viên y tế giúp các em là nạn nhân chất độc da cam nhận biết màu sắc, hình dáng đồ vật qua trò chơi xếp hình

"Dưới cái nắng như thiêu, tôi đứng trên cầu Sêrêpôk, chắp tay khấn những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này những ngày tháng 3.1975 trong chiến dịch Tây Nguyên," ông Phạm Chí, người thương binh già, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, mắt đỏ ậng, mở đầu ký ức bằng kỷ niệm quay lại chiến trường xưa mới đây.

Những chuyện thời lính đã in đậm, ăn sâu vào ông Phạm Chí, người trắc thủ của Trung đoàn pháo cao xạ, Sư đoàn 470, Binh đoàn 559 như những mảnh bom bám chặt chung quanh đầu gối bên phải của người lính già suốt 44 năm nay, sau trận đánh ở Sêrêpôk, Buôn Mê Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên.

Nhập ngũ năm 1970, đơn vị của ông đóng ở Binh trạm 52 trên mảnh đất phía Tây dãy Trường Sơn. Như các đơn vị cao xạ khác, nhiệm vụ của họ là đánh máy bay, đảm bảo con đường chi viện binh lực, vũ khí, kỹ thuật và lương thực, hàng hóa ra tiền tuyến lớn miền Nam.

Thời điểm này, chiến tranh ngày càng khốc liệt nên vô cùng khó khăn gian khổ, lằn ranh sống-chết mong manh vô cùng. Hằng ngày, hằng giờ trực tiếp đối mặt với những trận mưa bom từ những đàn A37, AC-130 của kẻ thù trút xuống, những người lính cao xạ còn phải chiến đấu với mưa lũ Trường Sơn và nhất là sốt rét rừng khi nơi đóng quân là Kampong Chhnan - mảnh đất được mệnh danh là “vùng rốn” sốt rét của Campuchia.

Sự hy sinh chỉ như một cái chớp mắt. Nhưng lúc đó không ai suy nghĩ nhiều, chỉ biết tập trung đánh giặc, ông Phạm Chí hồi nhớ.

Xuất ngũ sau ngày giải phóng miền Nam hai năm thì năm 1979, ông lập gia đình với cô nữ sinh trường Đại học Dược. Ngay khi đứa con đầu lòng chào đời, vợ chồng ông Phạm Chí choáng váng khi nghe bác sỹ thông báo: 'Các cháu làm trong ngành y nên cô nói luôn là nuôi con thì nuôi thôi chứ không kỳ vọng gì đâu. Cố gắng!'

39 năm nuôi Phạm Ngọc Linh cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng người thương binh Phạm Chí nén những vất vả cực nhọc, nén nỗi đau đớn vào trong.

Nhìn di chứng chiến tranh - chất độc da cam tàn phá cơ thể con gái khiến trí não Linh không phát triển, lưỡi líu lại muốn nói nhưng chỉ phát ra những âm thanh ú ớ, những cơn đau đến rúm ró mỗi lúc trái gió trở trời mà lòng họ quặn thắt.

Còn bản thân ông, nhiều đêm nằm chợp mắt, hình ảnh về những cánh rừng trụi lá, những tuyến đường gập ghềnh sỏi đá, những con suối và những thân cây bị tróc vỏ do chất độc hóa học lại hiện về trong tâm trí khiến ông không sao ngủ nổi.

"Chúng tôi nói với nhau, thôi sinh con thì ông trời giao cho mỗi người một trách nhiệm, mỗi người một phúc phần… Cô ấy khóc rất nhiều,” ông Chí trầm lặng kể.

"Là con gái nên khi đau đớn trong người, cháu cũng không phá phách gì, vì vậy cũng đỡ. Chỉ buồn là nuôi con gần 40 năm nay mà chưa một lần được nghe con gọi tiếng bố," ông Chí nghẹn giọng.

Cách đây ba năm, vợ ông đã qua đời vì bệnh ung thư. Trong cảnh "gà trống nuôi con," với nỗi đau của gia đình mình, ông càng hiểu sâu sắc hơn và cảm thông hơn với nỗi đau của các nạn nhân khác.

Người thương binh già thường tìm đến để chia sẻ với những đồng đội, những đồng ngũ, những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam khác.

Và khi gặp nhau, chỉ bằng ánh mắt mắt, họ cũng hiểu những điều muốn nói. Họ hiểu tình đồng đội là điều rất thiêng liêng đối với mỗi người lính, mỗi cựu chiến binh. Họ hiểu những nỗi đau đồng đội của mình đang phải gánh chịu.

Và việc Đại hội thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Kim Liên vào ngày 19.7 mới đây, do ông phụ trách, với 15 hội viên, phần lớn là thương binh, thế hệ da cam thứ nhất, chính là sự kiên cường vượt lên hoàn cảnh, cố gắng gắn bó với nhau, chia sẻ và giúp đỡ nhau vơi bớt hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Thổ lộ những ẩn sâu trong tâm tư, người thương binh Phạm Chí chậm rãi nói: "Những thương binh, những nạn nhân da cam như chúng tôi không trách một ai. Lịch sử giao cho ai việc gì hãy cứ làm tốt việc đấy. Chỉ có một điều, là một người cha, trong tôi luôn canh cánh một nỗi lo và không lúc nào hết băn khoăn về tương lai của con mình. Khi những người như chúng tôi già yếu rồi chết đi không biết những đứa con bị nhiễm da cam sẽ sống thế nào".

TTXVN

Ý kiến bạn đọc