Hà Nội hành động vì tương lai dân số bền vững:

Từ kiểm soát đến “trao quyền sinh sản”

QUỲNH HOA (thực hiện)

VHO - Nhân Ngày Dân số thế giới 2025 với chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, xoay quanh những vấn đề cốt lõi về công tác dân số trong bối cảnh thủ đô đang đối mặt với thách thức già hóa dân số nhanh, tỷ suất sinh thấp và áp lực duy trì chất lượng dân số bền vững...

Từ kiểm soát đến “trao quyền sinh sản” - ảnh 1
TS Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội

P.V: Xin ông cho biết tình hình về công tác dân số của Thủ đô hiện nay?

- TS. Vũ Duy Hưng: Dân số Hà Nội ước tính đến giữa năm 2025 là trên 8.8 triệu người và dự báo tới năm 2030 là 9.4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ năm 2025 đến năm 2030 trung bình là 1,22%. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện cho công tác dân số hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao hằng năm, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển”, giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Hiện nay, công tác dân số và phát triển của Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tiếp tục giảm, còn 6,3 % trong 6 tháng đầu năm 2025. Các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số, như: Sàng lọc trước sinh đạt 87,5%; sàng lọc sơ sinh đạt 90,4%; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 82%... đều đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, đó là: Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dù có xu hướng giảm nhưng 6 tháng đầu năm vẫn cao hơn mức tự nhiên (111,3 bé trai/100 bé gái); già hóa dân số đang diễn ra nhanh, đòi hỏi các chính sách chăm sóc người cao tuổi phải được nghiên cứu và triển khai đồng bộ.

Từ kiểm soát đến “trao quyền sinh sản” - ảnh 2
Nhân dân phường Cửa Nam (Hà Nội) tìm hiểu về các chính sách dân số và già hóa dân số. Ảnh: Đ.SA

Ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa của chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”?

- Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, để họ có thể đưa ra quyết định sinh sản một cách tự nguyện, dựa trên đầy đủ thông tin, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng...

Thực tế cho thấy, hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn không thể có được số con như mong muốn - dù là nhiều hơn, ít hơn hay hoàn toàn không sinh con. Trong khi tỷ lệ sinh giảm đã và đang trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu, thì phụ nữ và người trẻ lại thường xuyên bị đổ lỗi cho những thay đổi nhân khẩu học này.

Thậm chí, một số nước đã áp dụng nhiều chính sách nhằm khuyến khích giới trẻ đưa ra quyết định sinh sản phù hợp với mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thực sự nằm ở chỗ: Quyết định sinh sản - khi nào; có con hay không, sinh với ai... lại đang bị xâm phạm ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện tại 14 quốc gia (gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Italia, Hungary, Đức, Thụy Điển, Brazil, Mexico, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Ma Rốc, Nam Phi và Nigeria) - nơi chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu: Cứ 5 người thì có 1 người tin rằng họ không thể đạt được quy mô gia đình như mong muốn.

Trong số đó, đa phần sẽ có ít con hơn dự định, một số khác lại nhiều hơn ngoài ý muốn. Đặc biệt, giới trẻ bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về tương lai - khi niềm tin rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn cha mẹ ngày càng suy giảm. Những mối quan ngại về biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt tăng cao, chuẩn mực giới mang tính định kiến, khủng hoảng nhà ở, áp lực công việc và bất ổn toàn cầu... đã trở thành những rào cản lớn đối với việc xây dựng một gia đình.

Thưa ông, có thể hiểu “Quyền tự quyết về sinh sản” nghĩa là muốn sinh bao nhiêu con tùy thuộc vào mỗi gia đình?

- Trước nỗi lo về “khủng hoảng suy giảm dân số”, nhiều bằng chứng mới cho thấy, phần lớn mọi người đều mong muốn có con - nhưng lại không thể hiện thực hóa mong ước ấy. Phụ nữ và người trẻ thường bị quy chụp là “từ chối làm cha mẹ”, trong khi xã hội lại chưa tạo điều kiện đủ tốt để họ đưa ra quyết định quan trọng nhất đời mình một cách chủ động và bình đẳng. Thực tế này cho thấy, các giải pháp không đặt quyền tự quyết về sinh sản làm trọng tâm đều không hiệu quả và thiếu bền vững.

Do đó, mục tiêu thực sự của chúng ta không phải là kiểm soát tỷ lệ sinh, mà là trao cho mỗi cá nhân thông tin đầy đủ, phương tiện thích hợp, chính sách hỗ trợ và môi trường an toàn để họ có thể tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.

Đó là cách duy nhất để xây dựng một thế giới công bằng, bền vững và nhân văn - nơi mọi người đều được hỗ trợ để có gia đình như họ mong ước, và là nơi mà chúng ta có thể tự hào trao lại cho thế hệ tiếp theo.

Tại Hà Nội, địa phương có mật độ dân số cao thứ hai cả nước, công tác dân số được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, các chỉ tiêu quan trọng về dân số không ngừng được cải thiện. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu về việc chuyển đổi tư duy chính sách dân số.

Để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy chuyển đổi hành vi, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ hoạt động truyền thông về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.

Những nỗ lực toàn diện trong công tác dân số đã và đang góp phần mang đến hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô; hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững, nơi mỗi người đều được tôn trọng, được trao quyền tự quyết về sinh sản và có điều kiện thuận lợi để chủ động định hướng tương lai của mình.

Xin cảm ơn ông!

(Cục Văn hoá cơ sở, Thư viện và Gia đình - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện)