Viết tiếp loạt bài Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”?:

Khi chợ nổi không còn… “nổi”

HOÀNG HẢI - Đ.T

VHO - Từ lâu, chợ nổi được xem là “đặc sản” du lịch trứ danh của sông nước miền Tây, được xếp vào điểm đến hấp dẫn cả du khách trong nước và quốc tế, thế nhưng ngày nay chỉ còn là “vang bóng một thời”.

 Khi chợ nổi không còn… “nổi” - ảnh 1
Chợ nổi Ngã Năm những năm còn nhộn nhịp, thương hồ buôn bán tấp nập

 Tiếc nuối ngẩn ngơ

Những năm gần đây, du khách đến các chợ nổi miền Tây không khỏi thất vọng trước cảnh đìu hiu, ghe xuồng thưa thớt, vắng bóng dần, thậm chí có chợ nổi không còn “nổi”.

Nói đến chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi chợ nổi Phùng Hiệp) thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay, học giả Vương Hồng Sển từng miêu tả đây là chợ nổi rất sung túc, ghe đò qua lại tấp nập, là chợ đầu mối trên phố - dưới sông lớn nhất nhì miền Tây. Chợ nổi Ngã Bảy cũng là một trong những nơi khơi nguồn cho du lịch đường sông miền Tây khi chào đón những du khách người nước ngoài đầu tiên vào khoảng đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Nắm bắt cơ hội thời bấy giờ, người dân địa phương đầu tư tiền của để đóng ghe làm ăn, phục vụ du khách.

Theo những người làm du lịch lâu năm, hoạt động du lịch trên chợ nổi Ngã Bảy phát triển đỉnh điểm vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Điều này cũng dẫn đến tình trạng quá tải về giao thông thủy, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp bằng cách di dời chợ nổi này vào năm 2022. Bắt đầu từ đây, chợ nổi “chìm” dần vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu, giới thương hồ lui ghe đến nơi khác, hoặc bỏ xuồng lên bờ mưu sinh.

“Anh bạn tôi trên Sài Gòn nhiều lần điện thoại hỏi thăm, muốn đưa cả nhà về tham quan chợ nổi Ngã Bảy, tôi đành nói thật với bạn rằng chợ nổi còn đâu mà về? Thà nói vậy còn hơn để bạn về rồi lại hụt hẫng”, một người dân bản địa ngậm ngùi chia sẻ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc di dời chợ nổi Ngã Bảy bằng sự can thiệp hành chính một cách “thô bạo” đã tự đánh mất đi đặc sản du lịch mà tạo hóa ban tặng cho người dân bản địa, làm mất đi đặc trưng văn hóa vốn có của nó.

Đây cũng là tình cảnh chung của chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) hay Long Xuyên (An Giang). Từng là chợ nổi trứ danh ở miền Tây, thời hoàng kim, chợ nổi Cái Bè tấp nập ghe xuồng ken cứng, hoạt động suốt từ lúc nhìn chưa rõ mặt người (3h sáng) đến tận xế chiều, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm và khám phá. Thế nhưng, quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, ghe tàu tấp nập buôn bán ngày nào, nay chỉ còn là “một thời vang bóng”.

Qua tìm hiểu được biết, để kéo chợ nổi Cái Bè không bị “chìm”, đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè được chính quyền địa phương lập ra từ năm 2017. Ấy vậy mà qua gần 7 năm nay, số phận chợ nổi Cái Bè vẫn cứ lênh đênh theo sóng nước khi mà ghe đò ngày càng èo uột, khách đến thưa dần, có nguy cơ mai một. Ngay cả gia đình một thương hồ có hàng chục năm buôn bán trên chợ nổi này cũng không biết tương lai sẽ về đâu, khi mà cảnh ế ẩm vẫn cứ diễn ra hằng ngày.

Nơi quy tụ của năm nhánh sông, thời kỳ sầm uất của chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) quy tụ hàng trăm chiếc ghe của thương hồ khắp các nơi đổ về buôn bán. Tuy nhiên, hàng trăm thương hồ ăn nên làm ra ngày nào, nay đã lui ghe tìm kế mưu sinh, khách vắng nên xuồng ghe cũng bỏ chợ, “chạy” theo du khách, chỉ còn lại những nhánh sông yên tĩnh.

Đến chợ nổi Ngã Năm những ngày này, lâu lâu chúng tôi mới nhìn thấy có chiếc ghe, xuồng chạy qua, làm mặt nước chao lên rồi lặng trở lại. Đưa chúng tôi về thăm lại nơi mình từng ghi phóng sự cảnh thuyền ghe tấp nập nhiều năm trước đây, một anh đồng nghiệp “thổ địa” chạnh lòng thủ thỉ: “Giờ về chợ nổi mà không nghe được tiếng rao hay tiếng ghe xuồng đụng nhau cộp cộp như hồi trước thì “cưng” cũng đừng thắc mắc, hỏi anh nha. Bởi bây giờ người ta ví von chợ nổi miền Tây như đôi bạn thân cùng nổi rồi cùng chìm vậy đó”.

Nghe đến đây, chúng tôi, du khách muốn tìm lại cảm giác lắc lư theo con sóng nước, vừa thưởng thức tô bún nước lèo đặc sản Sóc Trăng, vừa ngắm cảnh ghe thuyền tấp nập buôn bán trên chợ nổi, không khỏi tiếc nuối ngẩn ngơ.

 Khi chợ nổi không còn… “nổi” - ảnh 2
Chợ nổi Cái Răng, một trong những chợ nổi hiếm hoi còn sức hút du khách, tuy nhiên vẫn đứng trước nguy cơ mai một

Đừng bảo tồn trên giấy

Nhìn thấy tiềm năng du lịch của chợ nổi, nên những năm trước, nhiều địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị của chợ nổi. Cụ thể, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Sóc Trăng đã có Nghị quyết và kế hoạch triển khai Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 xác định du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm là một trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Thị xã Ngã Năm cũng có Đề án phát triển du lịch thị xã Ngã Năm gắn với bảo tồn chợ nổi giai đoạn 2021-2025 để trở thành sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn chủ lực của tỉnh. Thế nhưng xem ra, việc bảo tồn dường như mới dừng lại ở đề án, thực tế thì chợ nổi trứ danh này đang “chìm” dần.

Lý giải nguyên nhân chợ nổi miền Tây không còn “nổi”, một số nhà nghiên cứu nhìn nhận, với sự phát triển của giao thông đường bộ ngày nay mang đến nhiều thuận lợi cho người dân buôn bán, đi lại… nên các thương hồ lui ghe, rời sông là điều dễ hiểu, vì họ muốn chuyển lên bờ để buôn bán thuận tiện hơn. Không còn thương hồ thì các chợ nổi trở nên thưa vắng, mất sức hấp dẫn. Vậy thì du khách đến trải nghiệm gì, khám phá gì ở đây nữa?

Không chỉ là truyền thống, chợ nổi còn là nét văn hóa đặc trưng của người miền Tây. Để chợ nổi trở lại là đặc sản du lịch hấp dẫn du khách, các địa phương nên tính toán chuyển từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi nhân tạo, như cách làm của Thái Lan

(Nhà nghiên cứu văn hóa NHÂM HÙNG)

Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, để chợ nổi tồn tại gắn với phát triển du lịch thì cần thay đổi tư duy tác động, tổ chức lại hoạt động của chợ nổi, tránh thay đổi thô bạo như chợ nổi Ngã Bảy. Theo đó, ngành Công thương và VHTTDL cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tổ chức lại sinh hoạt của chợ nổi theo hướng bảo tồn “hồn cốt” của chợ nổi chính là thương hồ với hoạt động mua bán nhộn nhịp, gắn với phát triển du lịch sẽ tạo ra sức hấp dẫn để phát huy giá trị của chợ nổi.

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về chợ nổi, Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng, không chỉ là truyền thống, chợ nổi còn là nét văn hóa đặc trưng của người miền Tây. Để chợ nổi trở lại là đặc sản du lịch hấp dẫn du khách, các địa phương nên tính toán chuyển từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi nhân tạo, như cách làm của Thái Lan. Dù các địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị của chợ nổi nhiều năm qua, nhưng kết quả mang lại của các đề án chưa mấy khả thi. Hiện chỉ còn chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) giữ được đặc trưng và còn sức hút đối với du khách, thế nhưng vẫn đang tồn tại không ít bất cập trong hoạt động, nếu không kịp thời có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của chợ nổi Cái Răng, nguy cơ mai một là khó tránh khỏi.