Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”? (Bài 1):
Ai “ngăn sông cấm chợ” du lịch đường thủy?
VHO - Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông lớn ở các địa phương đều chứa đựng những tiềm năng, tài nguyên quý giá để phát triển du lịch đường thủy. Thế nhưng, cảnh những thương cảng sầm uất, “trên bến dưới thuyền” ngày nay đã lùi vào dĩ vãng, rất khó để tìm thấy.
Giàu tiềm năng nhưng du lịch đường thủy ở nhiều địa phương không được khuyến khích phát triển, hoặc nếu có khuyến khích thì chỉ là trên giấy tờ, trong các đề án, dự án về du lịch. Thực trạng phát triển du lịch đường thủy trên cả nước hiện nay vừa tùy tiện, vừa nhếch nhác, “sống dở, chết dở”.
Giữa Hà Nội vẫn là bến tàu du lịch… tạm
Đang là mùa du lịch cao điểm hè 2024 nhưng Bến tàu du lịch sông Hồng (46 Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng (thuộc Công ty cổ phần Thăng Long GTC) khai thác, vắng hoe.
Từ đường Chương Dương Độ, đi thẳng xuống bờ sông là tới bến tàu. Trước khi xuống bến, đi qua 2 bãi xe tạm, lổn nhổn ổ gà, xe đi qua nước bùn bắn tung tóe. Sông Hồng đang mùa nước lớn, ra du thuyền phải đi qua cây cầu gỗ ghép trên phao. Đi như nhún nhảy trên mặt nước. Có khách sợ quá, đi một nửa cầu thì quay lại, chờ lúc nào cầu đỡ rung mới đi tiếp. Xung quanh cầu lối ra du thuyền, rác tràn ngập. Thuyền của dân chài lưới neo cạnh du thuyền, người dân tắm rửa ì oạp ngay bên cạnh cầu tàu. Chỗ nhà chờ lên tàu, mấy người đàn ông câu cá sông, cởi trần, người xăm trổ, cười nói rôm rả xem ai câu được nhiều. Buổi chiều ở Bến tàu du lịch sông Hồng, không khác gì một bến sông quê. Rất bình yên. Cũng không ai tưởng tượng được, ngay giữa Thủ đô Hà Nội lại có bến tàu du lịch tạm bợ đến thế này.
Bến tàu hiện chỉ có 2 du thuyền Thăng Long Victory (Thang Long Victory Cruises) hoạt động. Đơn vị này tự giới thiệu là nhà tổ chức chuyên nghiệp các tour du lịch, hội nghị, hội thảo, họp lớp, liên hoan, sinh nhật, lễ kỷ niệm, lễ phóng sinh bằng tàu thủy trên sông Hồng. Tuy nhiên, tàu Thang Long Victory cũng chỉ chứa tối đa 60 người. Nếu đi tour ngày thăm sông Hồng thì phải hỏi trước, tàu chạy không có ngày cố định vì quá ít khách. Nếu đi tour tối, trong vòng 2 tiếng 30 phút, khách được thưởng thức một bữa tối trên tàu với giá 600.000 đồng/người. Nếu vừa ăn tối vừa nghe nhạc là 700.000 đồng/ người. Tàu sẽ chạy tới cầu Nhật Tân, Long Biên hoặc cầu Chương Dương thì quay lại bến.
Tour ban ngày của Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng, khách được tham quan làng tranh Đông Hồ, làng gốm Bát Tràng, làng nghề mây tre đan Ninh Sở. Dọc hai bên sông Hồng còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); đền Gióng (huyện Gia Lâm); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín), đền Đô, chùa Bút Tháp, chùa Dâu (Bắc Ninh), đền Mẫu, chùa Chuông, đền Lảnh Giang, đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên)...
Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành 4 tuyến du lịch sông Hồng đang được khai thác gần 30 năm qua. Mới đây có thêm chương trình du lịch sông Hồng “Những nhịp cầu hạnh phúc” nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy trên sông Hồng. Thế nhưng, Giám đốc Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng Nguyễn Thị Hồng Minh thừa nhận là mới chỉ có tuyến 1 “Ấn tượng sông Hồng” với hành trình Hà Nội - đền Đại Lộ, đền Dầm - đền Chử Đồng Tử - làng gốm Bát Tràng - Hà Nội là chạy thường xuyên, các tuyến còn lại hầu như không có khách.
Có một thời gian, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Sông Hồng (Sông Hồng Tourist) cũng khai thác tour thăm sông Hồng ban ngày. Theo giới thiệu của công ty này, tàu xuất bến từ bến chùa Bồ Đề, đưa du khách thăm một số địa danh nổi tiếng dọc ven sông Hồng như: Đền Mẫu Đại Lộ, đền Dầm, đền Chử Đồng Tử, làng gốm Bát Tràng....
Xuất hiện năm 2022, khi vừa hết dịch Covid-19, du thuyền “siêu sang” đầu tiên ở Hà Nội Jade of River đã tạo “cơn sốt” trong giới trẻ. Trải nghiệm trên sông Hồng với tour 3 tiếng, ngắm nhìn khung cảnh sông nước hữu tình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây cầu mang đậm dấu ấn lịch sử như cầu Long Biên, cầu Chương Dương dưới một góc nhìn hoàn toàn khác khiến du khách thỏa mãn. Du thuyền Jade of River với sức chứa tối đa lên tới 99 du khách cũng có điểm nhấn là âm nhạc sống động và thưởng thức những món ẩm thực phong phú. Ở một góc độ nào đó, du ngoạn trên sông Hồng bằng du thuyền Jade of River, khám phá vẻ đẹp của dòng sông đã hiện hữu trong suốt bề dày lịch sử văn hóa của đất nước, có thể làm du khách gợi nhớ tới sự phồn thịnh của mảnh đất Thăng Long thuở trước và những thay đổi của Hà Nội hôm nay. Nhưng Jade of River cũng đã phải tạm dừng sau khi đưa vào hoạt động một thời gian cực ngắn, theo giải thích của người đại diện, trực hotline của du thuyền là “dừng vì hơi kén khách”. Còn theo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Hà Nội là đơn vị này không thành công khi khai thác tour du lịch sông Hồng là “xác định sai thị trường”.
Điều đáng nói, hơn hai chục năm đưa vào khai thác nhưng tuyến du lịch sông Hồng dường như không thay đổi, vẫn là các điểm du lịch cũ, chưa có sự đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo. Chủ yếu khai thác dòng khách nội địa, kết hợp giữa du lịch sinh thái, làng nghề và du lịch tâm linh. Phương tiện đón khách cũng vẫn thế, bến tàu không được đầu tư. Có ai ngăn cấm du lịch đường thủy ở Hà Nội phát triển không? Chắc là không nhưng rõ ràng là “sống chết mặc bay”.
Cảng xây xong đã lâu nhưng chưa chuyến tàu nào cập bến
Đến nay, Hà Nội chỉ có duy nhất Cảng du lịch Bát Tràng, huyện Gia Lâm được đầu tư xây dựng, còn lại tất cả đều là bến tạm, bến ngang, bến đò dân sinh. Oái oăm thay, dự án Cảng du lịch Bát Tràng từ ngày được xây dựng đến giờ vẫn chưa đưa vào sử dụng, chưa cập được chuyến tàu nào.
Dự án xây dựng Cảng du lịch Bát Tràng được Sở KH&ĐT Hà Nội phê duyệt dự án tại Quyết định số 112/QĐ-KH&ĐT ngày 4.6.2007, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 364/ QĐ-KH&ĐT ngày 11.11.2014 với quy mô đầu tư: “Đầu tư xây dựng cảng sông cấp II, cập tàu 150 chỗ, lượng hành khách 200.000 lượt khách/năm (năm 2020), cụ thể: Bến cầu tàu dài 30m, rộng 13,6m; kè bảo vệ bờ 180m; hệ thống báo hiệu khu nước; các công trình phụ trợ như nhà bán vé và thường trực, nhà quản lý điều hành, nhà vệ sinh, sân bãi, cây xanh thảm cỏ, tường rào, đường giao thông bến”.
Các hạng mục đầu tư đã được hoàn thành và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình Văn hóa - Xã hội, đơn vị thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công nghiệm thu hoàn thành công trình ngày 31.12.2015, đủ điều kiện bàn giao cho UBND huyện Gia Lâm quản lý.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình Văn hóa - Xã hội đã có Văn bản số 97/CV-BQLDA ngày 3.3.2017 gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị tiếp nhận bàn giao công trình Cảng du lịch Bát Tràng. Tuy nhiên, UBND huyện Gia Lâm đã có Văn bản phúc đáp số 513/ UBND-QLĐT ngày 22.3.2017 có ý kiến: “UBND cấp huyện không có chức năng quản lý, khai thác công trình Cảng du lịch Bát Tràng”. Cảng du lịch Bát Tràng sau đó được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Tại công văn số 8347/VP-ĐT, ban hành ngày 23.10.2018, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề nghị Sở, ban, ngành liên quan bàn giao, tiếp nhận công trình Cảng du lịch Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Công văn nêu rõ, Sở GTVT báo cáo UBND thành phố về việc bàn giao, tiếp nhận công trình Cảng du lịch Bát Tràng. Trong đó cho biết, về công tác bàn giao, chủ đầu tư đã phối hợp với Sở GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ tài liệu, kiểm đếm khối lượng tại hiện trường.
Để có cơ sở bàn giao tiếp nhận nguyên trạng công trình và đảm bảo hoạt động và phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống PCCC của dự án Cảng du lịch Bát Tràng, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình Văn hóa - Xã hội TP Hà Nội đôn đốc đơn vị thi công hoàn thành các nội dung về thanh thải rác, đất thải khu vực trước bến cảng; hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy nghiệm thu hệ thống PCCC theo quy định. Đồng thời, chấp thuận cho phép bổ sung nội dung đầu tư cải tạo hệ thống PCCC vào dự án khắc phục tình trạng tàu thuyền không ra vào được tại Cảng du lịch Bát Tràng khi mực nước sông Hồng xuống thấp. UBND thành phố thống nhất đề nghị của Sở GTVT và yêu cầu Sở GTVT khẩn trương bổ sung hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định để thực hiện xong trước mùa lũ năm 2019.
Từ khi được phê duyệt dự án với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng từ ngân sách của thành phố, tới nay đã 17 năm, Cảng du lịch Bát Tràng chưa một ngày nào đi vào hoạt động, cũng chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc này. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cho biết: “Họp Hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh về việc này, đề nghị các cơ quan liên quan xem xét việc quản lý, vận hành, khai thác đối với công trình Cảng du lịch Bát Tràng, tránh xuống cấp, lãng phí… nhưng đến nay công trình này vẫn bỏ không. Nếu có tàu đưa khách đến Bát Tràng theo đường sông thì cũng là cập bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, ngay bên cạnh Cảng du lịch Bát Tràng”.
Kỳ vọng sống lại cảnh trên bến, dưới thuyền
Rất nhiều người đã từng kỳ vọng, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ “làm sống lại” được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền.
Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long viết: “Năm 1010, với Chiếu dời đô (trích) ấy, Lý Công Uẩn đã cho dời Kinh đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Đại La, đổi tên là Thăng Long, thì sau này Hà Nội mới đóng vai trò là Thủ đô của đất Việt, châu thổ sông Hồng mới thực sự trở thành cái nôi của dân tộc Việt Nam trong hành trình 1000 năm dựng nước và giữ nước”.
“Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất 1010, đoàn thuyền ngự của nhà vua từ Hoa Lư đến Đại La “tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó gọi tên là thành Thăng Long (rồng bay)””, (Lịch sử Thăng Long Hà Nội - 2005).
Từ xa xưa, ngoài nguồn nước tưới và sinh hoạt hằng ngày, sông ngòi ở Việt Nam vẫn là đường giao thông chính cho con người đi lại giao lưu văn hóa, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế và chuyển quân đánh giặc. Hệ thống sông Thái Bình nối với sông Hồng bằng các sông: Kinh Thầy, Lạch Tray, sông Đuống, sông Luộc và sông Đáy đã tạo nên một hệ thống giao thông đường sông chằng chịt trên khắp vùng châu thổ và thông ra biển qua 11 cửa.
Sự thông thương giữa Hà Nội với Phố Hiến (Hưng Yên) nhờ sông Hồng cũng đã từng vô cùng nhộn nhịp, là cảnh dòng sông trên bến dưới thuyền, tàu thuyền ra vào như mắc cửi. Vận tải đường thủy trên sông Hồng từ các nơi về Hà Nội và từ Hà Nội đi các nơi cho tới bây giờ vẫn có một vị trí quan trọng, nhất là với tuyến Hà Nội đi Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Nhưng điều quan trọng hơn cả là: Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình vẫn tiếp tục là nguồn thủy lợi cho nền nông nghiệp và cuộc sống của 11 tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng.
“Hàng ngàn năm nay, sông Hồng đã chảy thành một phần rất trọng yếu của lịch sử nước Việt, trong đó có một ngàn năm chảy thành lịch sử Hà Nội. Trở thành một phần xương thịt của những miền đất nó đi qua, của bao thế hệ, của mỗi con người từng gắn bó máu thịt với nó”, điều này đã được ghi trong Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long.
Những kỳ vọng làm sống lại cảnh bến thuyền sầm uất, trở thành biểu tượng của đô thị phát triển, có quá xa vời không khi đến nay, tiềm năng to lớn của sông Hồng (sông Cái, sông Mẹ) chính quyền Thủ đô cũng chưa khai thác nổi để làm du lịch. Thì những sông Đáy, sông Đà, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Cầu… chưa đụng đến tí nào, vẫn ở dạng tiềm năng, âu cũng là chuyện thường.
(Còn tiếp)