Để du lịch đường thủy “mở hầu bao” du khách

VHO- Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tăng thu hút lượng khách trong nước và quốc tế, giữ chân du khách lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025.

Để du lịch đường thủy “mở hầu bao” du khách - Anh 1

 Thưởng ngoạn về đêm trên sông Sài Gòn

Đủ năng lực cung ứng dịch vụ

Theo đó từ nay đến 2025, TP.HCM sẽ khai thác sản phẩm du lịch đường thủy trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đông Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch. Đặc biệt là khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Phấn đấu thu hút khách quốc tế đến thành phố bằng đường tàu biển trong năm nay và 2024 đạt khoảng 100.000 lượt du khách, tăng khoảng 12-15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển giai đoạn này phấn đấu đạt 500 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 12% vào những năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, TP.HCM có nhiều tiềm năng và lợi thế để thực hiện mục tiêu nói trên. Thành phố hiện có khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy; gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, kể cả tầm xa liên vận quốc tế.

Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết, doanh nghiệp vừa đón tiếp và phục vụ đoàn hơn 3.500 khách đa quốc tịch của tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas (thuộc hãng Royal Caribbean Cruise Lines) đến Việt Nam theo hải trình Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu trong 2 ngày. Đoàn du khách đa quốc tịch đã khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn tại các địa phương, trong đó có trải nghiệm miền Tây sông nước và khám phá TP.HCM. Đây là lần thứ 2 trong tháng 8 này, siêu tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas đến Việt Nam. Dự kiến sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam vào khoảng cuối tháng 9 tới. Điều này khẳng định, doanh nghiệp du lịch TP.HCM hoàn toàn đủ năng lực cung cấp các dịch vụ và phục vụ các đoàn khách quốc tế “siêu sang” với chương trình tour đa dạng, phù hợp nhu cầu của các du khách đa quốc tịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết thêm.

Theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, TP.HCM có tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch đường biển, đặc biệt là Cảng Sài Gòn - nơi kết nối các tuyến du lịch nội khu Đông Nam Á. Ông Phan Xuân Anh chia sẻ, khoảng 90% du khách do doanh nghiệp này đưa đến Vũng Tàu đều muốn tiếp tục khám phá và trải nghiệm TP.HCM.

Chủ động đón dòng khách tiềm năng

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, để đón dòng khu khách nói trên, tiếp nhận các tàu biển lớn cập cảng ở khu vực trung tâm, TP.HCM đang tính toán có chính sách khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn, vì đây là cảng biển tiếp nhận các tàu khách quốc tế; nghiên cứu xây dựng cảng hành khách tại khu vực Cần Giờ... Kết nối thuận tiện giữa các cảng biển của thành phố với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để phục vụ khách du lịch tàu biển kết hợp với chương trình tham quan, mua sắm tại trung tâm thành phố và các chương trình du lịch đường thủy nội đô. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khá­ch từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và du lịch đường thủy. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Trước tình trạng thiếu dịch vụ bổ sung gần khu vực các bến tàu để thu hút khách tham quan, mua sắm nhằm tăng chi tiêu của du khách quốc tế. TP.HCM có kế hoạch đưa bến Bạch Đằng (Quận 1) thành bến trung tâm, làm điểm đi và đến của các tuyến du lịch đường thủy, kết hợp với công viên bến Bạch Đằng hình thành những chợ phiên, khu mua sắm, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa… tạo nên bức tranh sôi động cho bến Bạch Đằng. Xây dựng chương trình ánh sáng nghệ thuật về đêm, trình diễn ánh sáng kết hợp nhạc nước trên sông Sài Gòn để thu hút du khách sử dụng du thuyền, tàu nhà hàng và các phương tiện vận chuyển trên sông để thưởng ngoạn về đêm.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng lên kế hoạch chuyển đổi công năng và tổ chức khai thác khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành bến tàu khách quốc tế và nội địa tại khu vực trung tâm thành phố; đẩy nhanh triển khai dự án Cảng Du lịch quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (Quận 7)… Nâng cấp các bến tàu hiện hữu để phục vụ tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đến Tiền Giang và Bến Tre, khai thác các bến thuyền dọc sông Sài Gòn để hình thành những tour dã ngoại, trải nghiệm cho du khách theo hướng đưa TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch của cả khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch đường thủy trởthành một trong các loại hình, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt dựa trên thế mạnh sông nước của thành phố. 

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc