Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”? (Bài cuối):

Chưa làm thật thì không thể thành công

NGỌC TRUNG - NGUYỄN ANH

VHO - Đi tìm lời giải cho vấn đề phát triển du lịch đường thủy trên cả nước, đặc biệt là 2 con sông lớn nhất nước, có tác động phát triển đến kinh tế xã hội cũng như du lịch của nhiều địa phương như sông Hồng ở miền Bắc và sông Cửu Long ở miền Nam… không phải điều dễ dàng. Nhất là khi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Chưa làm thật thì không thể thành công - ảnh 1
Du lịch đường sông chưa phát triển đúng tiềm năng

 Làm du lịch phải hiểu sâu về văn hóa

Hà Nội có tiềm năng rất lớn về du lịch đường thủy. Không phải ngẫu nhiên Hà Nội được miêu tả như một “Venice phương Đông”. Có thể mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng cách ví von ấy cho thấy cảnh quan mặt nước của thành phố này thật hấp dẫn. Tiếc rằng, du lịch đường thủy tại Hà Nội vẫn chỉ như “công chúa ngủ trong rừng”.

Trả lời báo Văn Hóa, Nhà sử học Dương Trung Quốc khái quát: “Dòng sông như mạch máu nuôi sống cơ thể, thế nên cư dân gắn bó với dòng sông là đặc điểm phổ quát trên toàn thế giới. Đối với nước ta, sông Hồng có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất, tới mức được gọi là văn minh sông Hồng. Con sông này mang lại phù sa để nuôi sống người dân, để rồi khi gắn bó với con sông, người dân huyền thoại hóa, phi vật thể hóa con sông. Thế nên, muốn khai thác sông Hồng, bên cạnh giá trị thực tế cần chú trọng giá trị văn hóa. Phải hiểu sâu về văn hóa sông Hồng, với tầng tầng lớp lớp trầm tích như phù sa”.

Nói về tiềm năng du lịch đường sông, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh rằng trước khi xuất hiện khái niệm “du lịch”, di chuyển bằng đường sông đã đóng vai trò chủ đạo trong đi lại của người Việt. “Đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện đường sắt trong công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đường bộ còn phát triển chậm hơn nữa. Phần lớn cư dân vẫn di chuyển trên các con thuyền. Minh chứng rõ nhất là tại Hồ Tây, mọi di tích đều hướng ra mặt hồ để đón nhận dòng người đến thăm viếng”, ông nói.

Vẫn nói chuyện “trăm năm”, ông Dương Trung Quốc cho biết Thủ đô Hà Nội nay, kinh thành Thăng Long xưa vốn dĩ không phải “quay lưng” vào sông Hồng như bây giờ. Sau trận lũ lịch lịch sử năm 1926, khi mực nước lên tới 11,93m, thì người ta mới cho xây con đê từ Yên Phụ đến Lương Yên. Con đê làm khuất mắt dòng sông, ngoài đê hoàn toàn hoang hóa, nên nhiều năm liền người ta “quên mất” dòng sông phía ấy. “Đến sau này, bước vào thời kỳ đổi mới, kèm theo sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, chuyển động cư dân kèm theo sự đô thị hóa tự phát khủng khiếp ở mặt ngoài đê là hậu quả chẳng dễ gì có thể sửa chữa ngay được”, ông tiếc nuối.

Bài học của Hàn Quốc từ dự án cải tạo Cheonggyecheon

“Chẳng dễ gì sửa chữa” nhưng không phải là không thể. Như đã đề cập ở kỳ trước, việc quy hoạch Hà Nội hướng ra sông, biến sông Hồng trở thành trung tâm, trục xanh của thành phố đã được “luật hóa”. Vấn đề tiếp theo là cần sự chung tay và nỗ lực của chính quyền thành phố. Dẫn ra kinh nghiệm cải tạo Cheonggyecheon, dòng suối dài hơn chục cây số chảy qua trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc), kiến trúc sư Dương Quốc Thiện, Tổng giám đốc Group GSA (chi nhánh Việt Nam) chỉ ra: “Sự thành công của Seoul trong dự án cải tạo Cheonggyecheon dựa vào hai yếu tố then chốt. Đó là ý chí mạnh mẽ và sự quan tâm thúc đẩy từ chính quyền thành phố”.

Suối Cheonggyecheon vốn bị lấp đi để xây dựng đường cao tốc, nhưng đến năm 2003, Thị trưởng Seoul lúc bấy giờ Lee Myung-bak, sau này là Tổng thống Hàn Quốc, khởi xướng đề án phục hồi dòng suối. Ngày nay, Cheonggyecheon là không gian đô thị công cộng đáng sống, hấp dẫn và thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới Seoul.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ý tưởng: “Hà Nội vẫn giữ nguyên vẹn được bãi bồi giữa sông Hồng nhưng tiếc rằng chưa khai thác được hiệu quả. Đằng sau bãi bồi ấy còn là cầu Long Biên, chẳng khác nào tháp Eiffel ngả lưng trên sông Hồng. Không gian ấy rất đẹp và giá trị”. Còn ông Dương Quốc Thiện tư vấn: “Để tạo ra một không gian đô thị đa dạng và hấp dẫn dọc sông Hồng, Hà Nội nên tích hợp các điểm mốc lịch sử và biểu tượng văn hóa vào thiết kế, cũng như đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật phản ánh di sản của thành phố. Các chương trình giáo dục có thể giúp công chúng hiểu rõ về ý nghĩa văn hóa của con sông. Bằng cách tích hợp những yếu tố này, Hà Nội có thể biến sông Hồng thành không gian sôi động, tôn vinh lịch sử trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu đương đại”. Nếu có được điểm nhấn độc đáo ở bãi giữa sông Hồng, du lịch đường thủy hứa hẹn sẽ khởi sắc. Nhưng đó là câu chuyện ở thì tương lai.

Vấn đề là ai làm?

Trước câu hỏi “Vì sao du lịch đường sông trên cả nước nói chung và sông Hồng nói riêng rơi vào cảnh tiêu điều?”, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, đặt ngược câu hỏi: “Nhưng ai làm? Tiềm năng thì lớn đấy nhưng nhà nước không có các chính sách để khuyến khích và doanh nghiệp không đầu tư, thì ai làm?”. Ông chỉ ra: “Điểm nghẽn thứ nhất là từ cơ chế chính sách. Chưa có chính sách cụ thể nào liên quan đến phát triển du lịch đường sông cả. Thứ hai là vấn đề về quy hoạch phát triển mạng lưới. Các hệ thống quy hoạch chỉ có quy hoạch chung, không có quy hoạch chuyên ngành. Thứ ba, muốn phát triển nhưng không quy hoạch được thì phải xin đề án phát triển. Từ cơ chế chính sách, quy hoạch và đề án, các địa phương đã làm gì để hình dung tổng thể du lịch đường sông phải làm những gì chưa?”.

 Cơ chế chính sách có rồi thì tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ấy chứ không thể ra nghị quyết suông. Bao lâu nay câu chuyện chỉ xoay quanh HĐND, UBND các cấp đã có nghị quyết, đã có chủ trương, nhưng nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, thậm chí có những chủ trương phi thực tế. Không phải cứ ra chủ trương, nghị quyết là xong.

(TS NGUYỄN ANH TUẤN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)

Ông Tuấn cho rằng: “Trước hết là đánh giá tổng thể tiềm năng và hiện trạng để xem nếu phát triển thì phát triển theo hướng nào. Từ đó quay trở lại quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đến sản phẩm dịch vụ, nhân lực, đến xúc tiến quảng bá, đến vấn đề môi trường. Nói chung phải làm bài bản mới hy vọng tạo ra được sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách du lịch”. Theo ông Tuấn, sông Sài Gòn (TP.HCM), sông Hàn (Đà Nẵng) và sông Hương (Huế) là những nơi hiếm hoi đang khai thác du lịch đường sông thường xuyên. “Đầu tiên phải có cảng đường sông đủ hấp dẫn. Thứ hai là tổ chức cung cấp dịch vụ trên sông. Sau cảng là tàu phục vụ, đội ngũ nhân viên. Muốn phát triển du lịch đường sông cũng phải có cảnh quan đôi bờ, hoặc đi trong đô thị thì hệ thống thiết kế ánh sáng (nếu đi vào ban đêm) và có những công trình mang tính biểu tượng”, ông Tuấn gợi ý.

Vì vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra ý kiến phải phân định rõ ràng việc nào của nhà nước, việc nào của doanh nghiệp và phải có cơ chế thu hút doanh nghiệp: “Cơ chế chính sách có rồi thì tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ấy chứ không thể ra nghị quyết suông. Bao lâu nay câu chuyện chỉ xoay quanh HĐND, UBND các cấp đã có nghị quyết, đã có chủ trương, nhưng nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, thậm chí có những chủ trương phi thực tế. Không phải cứ ra chủ trương, nghị quyết là xong. Không thể thi thoảng lại tổ chức đoàn khảo sát “đi làm như đi chơi”, rất lãng phí. Đó còn chưa đề cập đến chuyện cung cấp nguồn lực để tạo điều kiện cho các cơ quan cấp dưới thực thi”.

Mở rộng vấn đề, ông Tuấn cho rằng UBND các tỉnh, thành phố cũng cần phối hợp với nhau để phát triển du lịch đường sông thay vì địa phương nào chỉ biết địa phương ấy. Ví dụ như Hà Nội có thể phối hợp với Hưng Yên để làm du lịch sông Hồng, phối hợp với Phú Thọ để làm du lịch sông Đà. Cuối cùng, ông Tuấn kết luận: “Phải làm thật! Chưa làm thật, chưa trăn trở, thiếu chuyên nghiệp thì du lịch đường sông không thể thành công. Du lịch là thế. Du khách đi chơi, giải trí, nghỉ ngơi thì họ phải tính toán sao cho giá trị tinh thần, vật chất thu về xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Thế nên không thể hô hào hay ép buộc làm du lịch khơi khơi được mà phải hấp dẫn, lôi cuốn thực sự. Và thước đo duy nhất là sự hài lòng của du khách”. 

Ý kiến bạn đọc