Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”? (Bài 2):

Đến lúc trả nợ dòng sông

NGUYỄN ANH - NGỌC TRUNG

VHO - Không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, nhiều thành phố ven sông được quy hoạch hướng sông để khai thác những giá trị to lớn. Sông Hồng gắn liền với sự phát triển TP Hà Nội ngàn năm văn hiến, nhưng lại chưa được khai thác đúng tiềm năng và vị thế. Điều đó, không khỏi khiến cho người dân Thủ đô chạnh lòng.

Đến lúc trả nợ dòng sông - ảnh 1

 Cảnh quan hai bên bờ sông Hồng chưa được đầu tư đúng mức

 Chưa xứng với tiềm năng

Sông Hồng, dòng sông được nhiều thế hệ cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ coi là dòng sông Mẹ, sông Cái đã gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa, kiến trúc cảnh quan truyền thống của vùng từ bao đời nay. Trong giai đoạn trước thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã cho thấy mối liên hệ của sông Hồng với sự hình thành của khu vực phố cổ, phố cũ. Trong đó hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây được các chuyên gia nhận định là dấu tích còn lại trong quá trình bồi lắng của một nhánh sông Hồng, gắn với nhiều công trình di sản có giá trị.

Điều luyến tiếc lớn nhất của Hà Nội bấy lâu nay là khác với đa số thành phố nổi tiếng trên thế giới đều quy hoạch hướng sông, TP Hà Nội nhiều năm qua “quay lưng” với sông Hồng. Tại lễ Khai mạc Thế vận hội Paris 2024 vừa qua, Ban tổ chức tạo ra buổi lễ độc đáo nhất xưa nay bằng chuyến diễu hành của các vận động viên bằng du thuyền dọc sông Seine, đi qua các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Kinh đô ánh sáng và khép lại hành trình dưới chân tháp Eiffel. Theo dõi buổi lễ ấy, có lẽ ai yêu Hà Nội cũng mơ về ngày nào đó Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta sẽ tổ chức sự kiện tương tự.

Trở lại với thực tại, như đã phản ánh ở bài 1 “Ai “ngăn sông cấm chợ” du lịch đường thủy?”, Bến tàu du lịch sông Hồng do Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng khai thác, dù nằm ngay trung tâm Hà Nội nhưng bến tàu tiêu điều và bốc mùi xú uế. “Xung quanh bến tàu tạm này ở phố Chương Dương Độ là khu vực sinh sống của dân chài, cảnh quan rất lộn xộn, môi trường ô nhiễm nặng nề”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch Sông Hồng cho biết.

Hà Nội với những tiềm năng to lớn của sông Hồng và nhiều dòng sông khác trong thành phố chưa thể khai thác được. Trong Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố cũng chỉ ra thực trạng giao thông đường thủy: “Mặc dù có tiềm năng lớn, hệ thống vận tải thủy nội địa TP Hà Nội hiệu quả vẫn thấp so với các quy hoạch đã được duyệt. Mới chỉ có cảng khách kết hợp du lịch sông Hồng, chưa hình thành được cảng khách trung tâm Hà Nội”.

Trả lời về thực trạng du lịch đường sông trong thành phố của Văn Hóa, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: “Du lịch đường sông ở Hà Nội hiện nay chưa phát triển xứng với tiềm năng một phần là do công tác quy hoạch còn chậm triển khai. Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa được chú trọng, đặc biệt khâu bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ du lịch đường sông cũng chưa được quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu của du khách, hệ quả là doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà. Ngoài ra còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội. Và cuối cùng là sản phẩm du lịch đường sông, điểm đến du lịch liên quan còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn”.

Đến lúc trả nợ dòng sông - ảnh 2

Cảng Bát Tràng nằm im kể từ khi hoàn thành

Quy hoạch đã hướng sông nhưng…

Hà Nội - “thành phố trong sông” gắn với sông Hồng đã trên ngàn năm tuổi. Cho dù thành phố phát triển đến đâu thì sông Hồng vẫn đóng vai trò không thể thay thế, là hồn cốt của cả nền văn minh châu thổ. Bởi vậy, đã bao thế hệ khát khao, ước mơ dòng sông Hồng trở thành trục cảnh quan giữa lòng Thủ đô. Quy hoạch 1998, 2011 đã vươn sang bên kia bờ nhưng thực tế vẫn quá ngổn ngang, dù có nhiều cây cầu vừa mới xây. Cuối tháng 6.2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và chỉ rõ: “Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố”. Như vậy, việc quy hoạch Hà Nội hướng ra sông, biến sông Hồng trở thành trung tâm, trục xanh của thành phố đã được “luật hóa”.

Trước đó, tháng 3.2022, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng là đồ án cuối cùng trong tổng thể 35 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, điều đó cho thấy khó khăn, vướng mắc và phức tạp của đồ án này.

Tình trạng chờ quy hoạch, đầu tư bấp bênh, bỏ ngỏ đối với du lịch đường sông cũng đã được Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu kiến nghị: “Các cấp, các ngành cần thúc đẩy tập trung xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, đề án hai bên bờ sông Hồng và bãi giữa. Xác định cụ thể vị trí, quy mô, công suất... của các bến cảng, bến bãi, hệ thống giao thông kết nối, từ đó tập trung nguồn lực để đầu tư, hiện đại hóa các cơ sở vật chất này. Ngoài ra cần đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư phát triển cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế và quản lý để kêu gọi đầu tư”.

Để lấy lại những giá trị bị mai một

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa về quy hoạch hướng về sông Hồng của Hà Nội, kiến trúc sư Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru kiêm Tổng giám đốc GroupGSA Việt Nam nêu ý kiến: “Quyết định hướng ra sông Hồng là chiến lược đúng đắn để Hà Nội nâng cao cảnh quan đô thị và phát triển kinh tế. Để tận dụng cơ hội này, thứ nhất Thành phố cần ưu tiên phục hồi sinh thái, một dòng sông khỏe mạnh là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững. Tiếp đến là tích hợp giao thông đường thủy vào kế hoạch giao thông tổng thể. Thứ ba là tạo ra các khu phát triển đa chức năng: Kết hợp các không gian dân cư, thương mại và văn hóa dọc theo bờ sông. Thứ tư là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Lịch sử phong phú của Hà Nội có thể là một tài sản quan trọng cho phát triển ven sông”.

Trăn trở về việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, ông Trần Trung Hiếu cho biết: “Để tuyến du lịch sông Hồng trở thành một sản phẩm hấp dẫn, cùng với những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, mặt nước, vị trí địa lý của khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng, Sở Du lịch định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch trọng tâm như nâng cấp phát triển tuyến du lịch đường sông, phát triển các hoạt động du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí ven sông. Trong đó, nghiên cứu khai thác mới tour du lịch đường thủy đến Việt Trì (Phú Thọ), Đá Chông (Ba Vì); các hoạt động dù lượn, khinh khí cầu…”.

Trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định là một trong năm trục quan trọng với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch, tạo lập diện mạo đô thị hai bên bờ và bãi giữa sông Hồng.

Trao đổi với Văn Hóa, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đánh giá: “Ý tưởng cải tạo, xây dựng khu vực bãi giữa, bờ sông thành công viên văn hóa là một cơ hội để lấy lại những giá trị đã bị mai một của sông Hồng, trả lại những gì mà cuộc sống đô thị đã lấy đi của dòng sông lịch sử này, hay nói khác đi, đó là cách mà chúng ta trả nợ dòng sông”.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc